Tập trung thay thế công tơ
Thời gian qua, sau khi tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn (LĐHANT) ở các khu vực khác nhau, các công ty điện lực đã khẩn trương bắt tay vào thực hiện đầu tư cải tạo tối thiểu, đảm bảo an toàn vận hành lưới điện, đồng thời thay thế các công tơ không đảm bảo (công tơ chết, cháy, kẹt). Theo EVN, hiện trạng hệ thống công tơ kém chất lượng là “thủ phạm” chính gây tổn thất điện năng (TTĐN) cho LĐHANT. Tỷ lệ TTĐN trung bình của lưới điện khu vực này rất cao, trên 25%.
Do đó, để nhanh chóng hạ thấp tỷ lệ TTĐN, một số công ty điện lực đã tích cực tập trung nhân lực, mua thêm công tơ mới và bổ sung bàn kiểm định công tơ để lắp đặt, thay thế đồng loạt công tơ cũ tại các khu vực lưới điện mới tiếp nhận. Nhờ đó, tỷ lệ TTĐN đã giảm rõ rệt, một số nơi chỉ còn 12,11% đến 18,37%. Trong khi đó, do nhiều nguyên nhân, một số đơn vị có tỉ lệ thay công tơ thấp hơn nên tỷ lệ TTĐN vẫn ở mức cao.
Siết chặt quản lý sau tiếp nhận
Việc tiếp nhận, quản lý một khối lượng lớn tài sản lưới điện hạ áp nông thôn và bán điện đến tận hộ dân (hơn 1,5 triệu khách hàng) trong khi nguồn nhân lực, kinh phí có hạn khiến nhu cầu thuê dịch vụ bán lẻ điện năng của các công ty điện lực trở nên cấp thiết. Đây là lực lượng quan trọng giúp san sẻ gánh nặng công việc cho nhân viên điện lực. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công tác quản lý bên nhận làm dịch vụ điện năng ảnh hưởng rất lớn tới hiệu quả công tác giảm TTĐN của các công ty điện lực. Cụ thể, tại một số đơn vị, mặc dù công tác thay thế công tơ thực hiện rất tốt, nhưng do chưa có biện pháp quản lý chặt chẽ, hiệu quả bên nhận làm dịch vụ điện, nên tỷ lệ TTĐN giảm rất ít, thậm chí có đơn vị không giảm.
Chẳng hạn, Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Dương thay công tơ đạt 49,89%, nhưng tổn thất khu vực tiếp nhận vẫn rất cao (22,31%). Trong khi đó, một số đơn vị khác siết chặt quản lý bên nhận làm dịch vụ ngay từ đầu, hạn chế tối đa những tiêu cực, bất hợp lý phát sinh, nên công tác giảm TTĐN đạt hiệu quả rõ rệt. Ví dụ, Công ty Điện lực 3 chỉ ký hợp đồng thu tiền điện và một số công việc phối hợp khác, không thuê ghi chỉ số công tơ với bên nhận làm dịch vụ, nên mặc dù mới thay được 23,88% công tơ, nhưng tỷ lệ TTĐN khu vực tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn lại không cao (15,32%). Công ty Điện lực Hải Phòng giao chỉ tiêu TTĐN vào hệ số thưởng phạt tiền công cho bên nhận làm dịch vụ, do đó, tuy mới thay công tơ đạt 24,29%, nhưng tỷ lệ TTĐN đã chỉ còn 17,49%... Như vậy, kinh nghiệm cho thấy, để các biện pháp thay công tơ và cải tạo lưới điện có hiệu quả, góp phần quan trọng giảm TTĐN, các công ty điện lực phải có mô hình và biện pháp quản lý sau tiếp nhận phù hợp với thực tế của từng địa bàn.
Khắc phục khó khăn về vốn
Theo phản ánh của các đơn vị, khó khăn lớn nhất trong công tác giảm tổn thất điện năng hiện nay là thiếu kinh phí đầu tư cải tạo. Hầu hết các công ty điện lực mới chỉ bước đầu thực hiện đầu tư cải tạo tối thiểu, thay thế những khoảng dây, hộp công tơ cũ nát... Trước khó khăn đó, Tập đoàn đã chỉ đạo các đơn vị (bao gồm Công ty Điện lực 1, 2, Hải Dương, Hà Nội) khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các nguồn vốn vay ưu đãi của nước ngoài trong các dự án điện nông thôn. Riêng Công ty Điện lực 3 cần lựa chọn, tận dụng tối đa nguồn vốn vay 30 triệu USD từ dự án “Phát triển năng lượng tái tạo và cải tạo, nâng cấp lưới điện các xã vùng sâu, vùng xa” do ADB tài trợ để cảo tạo lưới điện hạ áp sau tiếp nhận.
Cùng với đó, Lãnh đạo Tập đoàn đã yêu cầu các công ty điện lực đăng ký nhu cầu vốn đầu tư trong giai đoạn 2010 – 2012, trên cơ sở đó, EVN sẽ tiếp tục làm việc với các tổ chức quốc tế để thu xếp các nguồn vay ưu đãi ODA cho các dự án điện nông thôn.
Trước mắt, để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện giảm TTĐN khu vực lưới điện hạ áp nông thôn sau tiếp nhận, tập đoàn đã yêu cầu các công ty điện lực khắc phục những tồn tại trong công tác giảm TTĐN, tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm như: Xử lý kịp thời tình trạng quá tải đường dây và TBA; thực hiện xong sớm kế hoạch kiểm tra định kỳ công tơ 1 pha, 3 pha; phấn đấu thay thế tối đa công tơ kém chất lượng, không đảm bảo tiêu chuẩn tại các khu vực tiếp nhận. Trường hợp chưa có đủ công tơ để thay, cần phải tăng cường công tác kiểm tra kịp thời phát hiện các công tơ kẹt, cháy và thay thế kịp thời; tăng cường kiểm tra, xử lý và ngăn ngừa vi phạm sử dụng điện để giảm TTĐN thương mại. Mặt khác, để theo dõi và đánh giá công tác giảm TTĐN lưới điện hạ áp nông thôn tại các khu vực đã tiếp nhận, tập đoàn yêu cầu các công ty điện lực báo cáo riêng về tình hình TTĐN hằng tháng của từng TBA kể từ thời điểm tiếp nhận và lũy kế TTĐN cả năm.
Nguồn: EVN