Trong những năm gần đây, kinh tế Băng-la-đét có tốc độ tăng trưởng ổn định. Mức tăng trưởng GDP của quốc gia này đạt 6,4% vào năm 2010, 6,5% năm 2011 và 6,1% vào năm 2012. Cơ cấu kinh tế của Băng-la-đét bao gồm 3 ngành chính: nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Trong đó, nông nghiệp chiếm khoảng 17,3 % GDP và thu hút 45% lực lượng lao động. Các nông sản chính là lúa gạo, đay, chè, mía, khoai tây, thuốc lá, bông, hạt có dầu… Lĩnh vực công nghiệp chiếm 28,6% GDP và thu hút khoảng 30% lực lượng lao động. Các ngành công nghiệp chính là chế biến đay, đường, chế biến lương thực, dệt, sản xuất phân bón, dược phẩm, xi măng, đồ gốm điện tử v.v... Dịch vụ chiếm 54,1% GDP và thu hút khoảng 25% lực lượng lao động.
Kim ngạch xuất khẩu của Băng-la-đét trong năm 2012 đạt 25,79 tỷ USD, bằng 21,7% GDP. Các mặt hàng xuất khẩu chính bao gồm quần áo, các sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm đông lạnh (thủy sản), hàng dệt kim, đay và các sản phẩm từ đay, các sản phẩm da… Các thị trường xuất khẩu chính của Băng-la-đét là Mỹ (19,4%), Đức (16,5%), Vương quốc Anh (10%), Pháp (7,3%), Ý (4,4%), Hà Lan (4,2), Tây Ban Nha (4,2%).
Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu năm 2012 đạt 35,06 tỷ USD, bằng 29,5% GDP của quốc gia này. Các mặt hàng nhập khẩu chính của quốc gia này là máy móc và trang thiết bị, hóa chất, sắt thép, hàng may mặc, các sản phẩm dầu, xi măng… Các thị trường nhập khẩu chính của Băng-la-đét là Trung Quốc (18,2%), Ấn Độ (13,5%), Malaysia (4,9%).
Các chính phủ gần đây của Băng-la-đét thi hành chính sách đối ngoại hoà bình, không liên kết, hữu nghị và hợp tác với tất cả các nước, coi trọng tăng cường quan hệ với Ấn Độ và các nước láng giềng Nam Á, thực hiện chính sách hướng Đông, phát triển quan hệ với các nước Đông Nam Á và các nước Châu Á-Thái Bình Dương; đẩy mạnh quan hệ với các nước Hồi giáo; cân bằng và mở rộng quan hệ với các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, các nước Tây Âu, Nhật Bản... Băng-la-đét luôn chứng tỏ mình là nước Hồi giáo ôn hòa; tích cực tham gia vào các hoạt động gìn giữ hoà bình của Liên Hợp Quốc, đóng góp cho hoà bình và an ninh thế giới.
Việt Nam và Băng-la-đét chính thức thiết lập mối quan hệ ngoại giao vào ngày 11 tháng 2 năm 1973. Những năm vừa qua, quan hệ của hai nước đã có nhiều bước phát triển quan trọng cả về chính trị và kinh tế. Hai bên đã ký kết 16 Nghị định, thỏa thuận, Hiệp định về hợp tác chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư,... Trong đó, nổi bật là Hiệp định thương mại giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHND Băng-la-đét được ký tại Hà Nội vào ngày 24 tháng 9 năm 1996; Hiệp định thành lập Ủy ban Hỗn hợp giữa Việt Nam và Băng-la-đét về hợp tác kinh tế, thương mại, văn hóa, khoa học và kỹ thuật được ký ngày 10 tháng 3 năm 1997 tại Dhaka, Băng-la-đét; Bản ghi nhớ về thương mại gạo năm 2011. Nhân chuyến thăm Việt Nam chính thức của Thủ tướng Băng-la-đét Sheikh Hasina năm 2012, Băng-la-đét đã công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường đầy đủ. Hai bên cũng hợp tác tốt trên diễn đàn quốc tế như Liên Hợp Quốc, Không liên kết...
Những năm gần đây, quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Băng-la-đét phát triển tốt đẹp. Trao đổi thương mại giữa hai nước tăng nhanh. Trong cán cân thương mại song phương, Việt Nam luôn ở thế xuất siêu sang Băng-la-đét. Trong 5 năm kể từ 2008 đến 2012, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đã tăng gấp 7,5 lần (từ 47 triệu USD lên 353 triệu USD). Năm 2012, trao đổi thương mại hai chiều đạt gần 390 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu đạt xấp xỉ 353 triệu USD và nhập khẩu từ Băng-la-đét đạt 37 triệu USD.
Băng-la-đét là quốc gia với dân số lớn và có sức tiêu thụ mạnh đối với nhiều loại hàng hóa. Trong thực tế, Việt Nam và Băng-la-đét có một số điểm tương đồng trong cơ cấu sản xuất hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, giữa hai nước vẫn còn nhiều lĩnh vực ngành hàng có thể trao đổi bổ sung cho nhau, từ hàng hoá phục vụ sản xuất tới hàng tiêu dùng dân sinh. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang thị trường Băng-la-đét cũng chính là những mặt hàng mà Băng-la-đét có nhu cầu nhập khẩu lớn do trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu như gạo, xi măng, clanhke, mặt hàng xơ, sợi dệt các loại, máy móc, thiết bị dụng cụ và phụ tùng… Về nhập khẩu, các mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam từ thị trường Băng-la-đét có thể kể tới như là mặt hàng dược phẩm; mặt hàng hóa chất…
Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang thị trường Băng-la-đét có tốc độ tăng trưởng nhanh và đều đặn qua từng năm trong thời gian qua. Tuy nhiên, chủng loại mặt hàng, đặc biệt là các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này còn chưa đa dạng và kim ngạch của các mặt hàng vẫn chưa thực sự ổn định. Trong năm 2012, về cơ cấu xuất khẩu, mặt hàng xi măng, clanhke chiếm xấp xỉ tới 60% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này; ngoài ra, chỉ có thêm hai mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 triệu USD là mặt hàng vải và mặt hàng xơ, sợi dệt các loại; còn lại là các mặt hàng khác có kim ngạch nhỏ lẻ.
Trong thời gian qua, gạo là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường Băng-la-đét trên cơ sở thực hiện Biên bản ghi nhớ về thương mại gạo giữa hai nước được ký tháng 4 năm 2011 tại Hà Nội. Theo đó, mỗi năm tùy theo nhu cầu và giá cả thị trường thế giới, Việt Nam sẽ cung cấp cho Băng-la-đét số lượng gạo các loại lên đến 1 triệu tấn. Phía Việt Nam chỉ định Tổng công ty Lương thực Miền Nam và phía Băng-la-đét chỉ định Cục Lương thực làm đầu mối giao dịch, đàm phán, ký kết và thực hiện các hợp đồng. Biên bản có hiệu lực đến 31/12/2013. Triển khai thực hiện thỏa thuận nêu trên, Tổng công ty Lương thực Miền Nam đã xuất khẩu được 550.000 tấn (trong đó có 400.000 tấn gạo trắng và 150.000 tấn gạo đồ) cho phía Băng-la-đét.
Tuy nhiên, trong năm 2012, Băng-la-đét sản xuất được khoảng 51,3 triệu tấn gạo. Vì vậy, dự trữ gạo của quốc gia này đủ để cung cấp cho nhu cầu của người dân cả nước. Bên cạnh đó, từ cuối năm 2011, Ấn Độ tham gia trở lại thị trường xuất khẩu gạo trắng và gạo đồ với giá rất thấp so với gạo Việt Nam và giá gạo của tất cả các nước khác, cùng với lợi thế về vị trí địa lý và khả năng cung cấp gạo đồ của Ấn Độ nên Băng-la-đét chưa đặt vấn đề mua thêm gạo của Việt Nam.
Băng-la-đét thực sự là thị trường tiềm năng có nhiều hứa hẹn cho hàng xuất khẩu của Việt Nam tại khu vực Nam Á. Các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội khai thác thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa. Thêm vào đó, hiện nay, Băng-la-đét đang nỗ lực và khuyến khích, thu hút đầu tư nước ngoài vào trong nước nhằm tận dụng lợi thế giá nhân công rẻ (giá nhân công của Băng-la-đét thuộc loại rẻ nhất trong khu vực), giá thuê đất thấp, các chính sách khuyến khích đầu tư thuận lợi. Vì vậy, bên cạnh hoạt động trao đổi thương mại, các doanh nghiệp Việt Nam có thể nghiên cứu, xem xét cơ hội đầu tư sản xuất tại Băng-la-đét trong lĩnh vực như dệt may, cơ khí nông nghiệp, công nghiệp..... để phục vụ nhu cầu trong nước của Băng-la-đét và đối với riêng đối với lĩnh vực dệt may còn có thể xuất khẩu sang nước thứ ba (nhất là tận dụng được những ưu đãi thương mại mà EU dành cho Băng-la-đét).
Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng sẽ dẫn đầu đoàn Phân ban Việt Nam sang tham dự Kỳ họp lần thứ hai Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam – Băng-la-đét từ ngày 06 đến ngày 07 tháng 4 năm 2013 tại thành phố Dhaka, Băng-la-đét. Đây là Kỳ họp Ủy ban Hỗn hợp cấp Chính phủ về hợp tác trong rất nhiều lĩnh vực, bao gồm kinh tế, thương mại, văn hóa, khoa học và kỹ thuật. Trong Kỳ họp lần này, hai bên dự kiến sẽ thảo luận các vấn đề chính như: Kiểm điểm các kết quả đã đạt được trong những năm vừa qua cũng như đưa ra các định hướng, biện pháp, kế hoạch hành động cụ thể để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới trên các lĩnh vực như đầu tư, tài chính ngân hàng, nông nghiệp, công nghiệp, an ninh quốc phòng… Đặc biệt, trong lĩnh vực thương mại, hai bên sẽ tập trung thảo luận về các biện pháp nhằm tăng cường, đẩy mạnh thương mại song phương giữa hai nước, chú trọng vào những mặt hàng thế mạnh của hai bên và xem xét việc gia hạn MOU về thương mại gạo ký giữa hai bên để tạo điều kiện thuận lợi cho việc Băng-la-đét nhập khẩu gạo của Việt Nam trong thời gian tới; Rà soát việc triển khai thực hiện các Hiệp định, Biên bản ghi nhớ đã được ký kết giữa Chính phủ hai nước; Tăng cường hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Băng-la-đét trên các diễn đàn song phương cũng như trên các diễn đàn quốc tế và hợp tác khu vực; Thiết lập kênh trao đổi thông tin trực tiếp nhằm cung cấp cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước các thông tin thị trường và cơ hội hợp tác kinh doanh lẫn nhau; Kỳ họp lần này cũng là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam và Băng-la-đét có thể gặp gỡ, trao đổi trực tiếp; nêu lên các hạn chế, vướng mắc cũng như kiến nghị các giải pháp với các cơ quan chức năng của hai nước nhằm tháo gỡ khó khăn và đẩy mạnh hợp tác kinh doanh giữa doanh nghiệp hai nước.
Lê Phương
Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á