Theo báo cáo của các tỉnh, năm 2011, kinh tế - xã hội của các địa phương tiếp tục phát triển ở mức cao và đạt kết quả toàn diện, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp với giá trị sản xuất công nghiệp tăng khá cao so với cùng kỳ 2010. Trong đó, Lào Cai và Yên Bái tăng 18%; Thái Bình tăng 15,5%; Hà Nam tăng 23,9%; Nam Định tăng 22%... Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp chế biến. Mục tiêu của các tỉnh là tiếp tục phấn đấu tăng giá trị sản lượng công nghiệp 17% trở lên, tạo thêm việc làm cho hàng ngàn lao động nông thôn. Đặc biệt, hoạt động đầu tư xây dựng và thu hút các DN vào hoạt động tại các khu, cụm công nghiệp được lãnh đạo các tỉnh hết sức quan tâm.
Chú trọng phát triển các khu-cụm công nghiệp
Hiện nay, Lào Cai có 03 Khu, CCN với 127 dự án đầu tư đang triển khai, tổng vốn đầu tư đạt trên 15.000 tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Vịnh, chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết, năm 2011, sản xuất của các DN trong các Khu-CCN tăng trưởng cao, doanh thu đạt trên 8.200 tỉ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 1.100 tỉ đồng, bằng 45% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh”.
Bên cạnh đó, phát triển khu kinh tế cửa khẩu (KTCK) cũng có bước tiến lớn, đặc biệt là ở khu vực cửa khẩu quốc tế. Tại khu này hiện có 155 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên 6.866 tỷ đồng. Trong đó có 17 dự án FDI, tổng vốn đăng ký 53,3 triệu USD và 138 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký 5.800 tỷ đồng. Riêng khu KTCK Lào Cai có 1.930 doanh nghiệp đăng ký hoạt động. Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, đầu tư xây dựng Khu KTCK đã và đang trở thành động lực chủ yếu cho phát triển kinh tế và làm tốt vai trò cầu nối trong tuyến hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng.
Với định hướng lấy công nghiệp làm khâu đột phá trong phát triển kinh tế, những năm qua, tỉnh Yên Bái đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích ưu tiên xây dựng các khu, cụm công nghiệp. Đến nay, Yên Bái đã có 05 khu công nghiệp với tổng diện tích trên 1.680 ha; xây dựng quy hoạch 19 cụm công nghiệp tại các huyện với tổng diện tích trên 1.000 ha. Tỷ lệ lấp đầy của các cụm công nghiệp đạt tới 73%...
Khó khăn về hạ tầng
Mặc dù đạt được những kết quả khả quan trong phát triển công nghiệp, song hầu hết các tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn về hạ tầng như giao thông; lưới điện; môi trường; vốn đầu tư; tỷ lệ lấp đầy trong các khu, cụm công nghiệp; sản lượng, chất lượng sản phẩm công nghiệp…Với định hướng: “Lấy phát triển công nghiệp là đột phá”, các tỉnh đều mong muốn Bộ Công Thương chỉ đạo các Tập đoàn, Tổng công ty thuộc Bộ đẩy nhanh tiến độ dự án tại các địa phương phù hợp với lộ trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ví dụ: Lào Cai đề nghị xây dựng nhanh tuyến đường vận chuyển quặng sắt từ mỏ sắt Quý Xa đến nhà máy gang thép Lào Cai; Dự án mở rộng nâng công suất nhà máy luyện đồng Lào Cai; Nhà máy gang thép Bản Qua; khai thác, tuyển, luyện quặng vàng gốc Minh Lương; khai thác quặng sắt Làng Vinh, Làng Cọ; khai thác và tuyển quặng đồng Tả Phời; thu hồi Pyrit, đất hiếm trong đuôi thải nhà máy tuyển đồng Sin Quyền; Dự án sản xuất DAP số 2; dự án thăm dò, khai thác, chế biến quặng Apatit; Dự án tuyển quặng Apatit loại II. Đặc biệt là các dự án đầu tư phục vụ truyền tải điện và cung cấp điện.
Ngoài ra, Lào Cai cũng đề nghị giai đoạn 2012 - 2015 cho phép tỉnh được mở rộng quy hoạch khu thương mại công nghiệp Kim Thành từ 152ha lên 400ha. Đồng thời có cơ chế để lại nguồn thu cho tỉnh giai đoạn 2015-2020 và tăng mức vốn có mục tiêu hàng năm để đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển KTCK.
Yên Bái đề nghị Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục hỗ trợ tỉnh về cơ chế, chính sách, vốn đầu tư xây dựng hạ tầng khu, cụm công nghiệp.
Thái Bình đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng liên vùng, trong đó chú trọng hệ thống giao thông, thông tin liên lạc, quan tâm thực hiện tốt các giải pháp hạn chế nhập siêu, tạo kênh vốn cho các doanh nghiệp sản xuất thép, cơ khí, vật liệu xây dựng, chế biến nông, lâm sản… Đẩy nhanh tiến độ các dự án, sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch khảo sát, thăm dò khai thác và chế biến than Đồng bằng Sông Hồng để triển khai thử nghiệm trong thời gian tới.
Nam Định đề nghị ưu tiên đầu tư phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, các dự án công nghệ cao, có giá trị xuất khẩu lớn, thúc đẩy các ngành sản xuất phục vụ xuất khẩu… sớm thẩm định và phê duyệt báo cáo khả thi dự án BOT Nhà máy nhiệt điện Nam Định để đảm bảo tiến độ chung của dự án.
Hà Nam đề nghị Bộ Công Thương tạo điều kiện để Cty CP bia Sài Gòn Phủ Lý sớm sáp nhập và đầu tư xây dựng dây chuyền II tại Hà Nam; giúp Hà nam đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút các nhà đầu tư vào KCN hỗ trợ Đồng Văn III có quy mô từ 300 – 400 ha tại huyện Duy Tiên với một số ngành nghề chính như: sản xuất phụ kiện ô tô – xe máy, linh kiện điện tử; Hỗ trợ bổ sung nguồn vốn khuyến công quốc gia; xây dựng cơ sở hạ tầng cụm công nghiệp, hệ thống xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp; Đẩy nhanh tiến độ đầu tư lưới điện cao thế theo quy hoạch, hỗ trợ nguồn vốn để nâng cấp, cải thiện chất lượng cung cấp địên cho các khu công nghiệp, nông nghiệp nông thôn…
Cùng nhau gỡ khó
Trả lời kiến nghị của các tỉnh, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định, Bộ Công Thương luôn ủng hộ và sẵn sàng cùng địa phương tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển lĩnh vực công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tại các buổi làm việc, Bộ trưởng chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty tập trung nguồn vốn, đẩy nhanh tiến độ các dự án trên các địa phương, phối hợp với các cấp chính quyền địa phương trong việc xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, đầu tư xây dựng các nhà máy và thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn lao động. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu hàng hóa....
Bộ trưởng cũng đề nghị các tỉnh phát huy các tiềm năng, thế mạnh của địa phương, quan tâm chú trọng hơn nữa đến vấn đề quy hoạch. Ngoài việc thực hiện các quy hoạch đã phê duyệt theo quy định thì cần kịp thời bổ sung các quy hoạch còn thiếu để đáp ứng với nhu cầu thực tế của địa phương. Ngoài ra, cần tập trung lấp đầy các khu công nghiệp, cụm công nghiệp hiện có, đặc biệt quan tâm đến vấn đề môi trường. Quan tâm hơn đến chức năng của mỗi khu, cụm công nghiệp để thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt thu hút công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp nông thôn và TTCN nên gắn với giải quyết việc làm người nông dân trong chương trình phát triển nông thôn mới; Tiếp tục xây dựng chiến lược xuất khẩu mặt hàng chủ lực, quan tâm hơn đến chất lượng dịch vụ của các ngân hàng tài chính. Đặc biệt, các tỉnh cần chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư.
Bộ trưởng cũng lưu ý: Với những tỉnh miền núi thường gặp nhiều khó khăn trong bố trí quỹ đất, giải phóng mặt bằng, bố trí vốn cũng như lấp đầy các khu công nghiệp tập trung. Vì vậy, nên đầu tư các cụm công nghiệp tại các huyện, thị với quy mô nhỏ, linh hoạt, vừa phù hợp vói điều kiện địa hình, suất đầu tư thấp, vừa phát huy được thế mạnh của từng địa phương trong tỉnh.Gợi mở định hướng xây dựng kế hoạch, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đề nghị các tỉnh cần chủ động lập hồ sơ đăng ký trong quá trình xây dựng kế hoạch kinh tế-xã hội hàng năm của địa phương gửi Bộ Công thương. Bộ sẽ tổng hợp và phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng xem xét, quyết định hỗ trợ vốn đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp.
Ngọc Loan