Với ưu điểm tạo nhiều công ăn việc làm, thu hút lao động dư thừa, là nòng cốt của nền sản xuất công nghiệp hiện đại - CNPT trợ đóng vai trò rất quan trọng trong việc tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp chính và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá theo hướng vừa mở rộng, vừa chuyên sâu. CNPT phát triển sẽ làm cho các công ty lắp ráp và những công ty sản xuất thành phẩm cuối cùng khác sẽ không phải phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, tỷ lệ nội địa hóa sẽ tăng cao đáng kể.
Khẳng định tầm quan trọng của CNPT, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg ngày 24/02/2011 về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ và Quyết định số 1483/QĐ-TTg ngày 26/8/2011về Ban hành danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển. Đặc biệt từ năm 2007, Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) đã phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020.
Nhưng đến nay, CNPT Việt Nam vẫn chưa phát huy được hiệu quả, vẫn chưa “nổi” được. Theo ước tính của Bộ Công thương, ngành CNPT hiện phụ thuộc đến 80% vào nguồn nguyên liệu, phụ tùng, linh kiện nhập khẩu. Tỷ lệ các phụ tùng mua tại Việt Nam thấp hơn nhiều so với bất kỳ nước nào trong khối ASEAN, điều này buộc các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam nhất là Nhật Bản phải nhập khẩu những phụ tùng cần thiết từ các nước khác như Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc… Năm 2010 ngành điện tử Việt Nam xuất khẩu đạt 3,4 tỷ USD, nhưng nhập khẩu trên 4,6 tỷ USD, Việt Nam chỉ cung cấp được các sản phẩm bao bì carton, vỏ nhựa. Với công nghiệp ô tô, tỷ lệ nội địa hóa cũng rất thấp, chỉ 5%-10%, như công ty Honda Việt Nam tỷ lệ nội địa hóa đạt 10%, công ty Toyota Việt Nam 7%, hai công ty Daewoo Việt Nam và Ngôi Sao 4%, Suzuki 3% và Ford Việt Nam 2%. Trong 6 tháng đầu năm 2011, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may đạt 6,16 tỷ USD nhưng đã phải nhập tới 5,76 tỷ USD nguyên phụ liệu trong đó 80% nhu cầu về sợi polyeste, do đó giá trị gia tăng tạo được chưa đầy 500 triệu USD.
Việc nhập khẩu các nguyên liệu đơn giản trên đã kìm hãm tăng trưởng của nền kinh tế và chảy máu ngoại tệ. Như vậy, CNPT trong nước hiện còn quá thiếu và yếu, đang tạo ra rào cản lớn cho việc hội nhập phát triển kinh tế cũng như đánh mất nhiều cơ hội thu hút đầu tư.
Đối với Hà Nam, CNPT đang trong giai đoạn hình thành. Năm 2010, giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 8.000 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở một số ngành xi măng, bia và sữa. Còn đối với các ngành CNPT, mặc dù chưa có con số thống kê chính xác nhưng giá trị sản xuất của ngành này đem lại là một con số hạn chế.
Với khoảng 110 doanh nghiệp đăng ký hoạt động sản xuất trong lĩnh vực CNPT, chiếm 11% tổng số doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh, tập trung chủ yếu vào một số nhóm ngành như dệt - may, sản xuất cấu kiện kim loại, sản xuất sợi polyeste, nhựa, bao bì, carton, sơn, vecni … Cụ thể:
- Nhóm ngành dệt - may có khoảng 40 doanh nghiệp, đa số nằm trong các cụm công nghiệp, sản phẩm chủ yếu là là của ngành dệt bao gồm xơ, sợi, vải thô… Ngoài ra còn có hơn 200 cơ sở sản xuất trong làng nghề truyền thống Dệt Nha Xá – Duy Tiên với sản phẩm là vải lụa tơ tằm các loại.
- Nhóm ngành điện tử - tin học (07 doanh nghiệp), cơ khí chế tạo (07 doanh nghiệp), lắp ráp ô tô (01 doanh nghiệp) tập trung chủ yếu trong các KCN, có sản phẩm đăng ký như linh kiện điện tử, chất bán dẫn, phụ tùng máy nông nghiệp, hệ thống dây dẫn... Với những ngành CNPT này, đòi hỏi đội ngũ công nhân có trình độ tay nghề thực sự, có sức khỏe tốt mới đáp ứng được áp lực của công việc. Đổi lại, mức lương ở những ngành nghề này tương đối cao so với mặt bằng chung.
- Các ngành công nghiệp phụ trợ khác (khoảng 55 doanh nghiệp) sản xuất các sản phẩm như nhựa, bao bì, sơn, dây cáp điện, ...phân bố rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh. Mới đây, công ty Honda Việt Nam (DN có vốn FDI) thành lập chi nhánh và thực hiện Dự án “Sản xuất xe máy và linh kiện xe máy” tại KCN Đồng Văn. Đây là một điểm sáng cho CNPT Hà Nam.
Như vậy, đối chiếu với quy định tại Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thuộc các nhóm ngành ngành dệt – may, điện tử - tin học, cơ khí chế tạo, lắp ráp ô tô sẽ có cơ hội được hỗ trợ để phát triển sản xuất.
Qua đây ta thấy, CNPT trên địa bàn tỉnh Hà Nam chưa phát triển, chưa có doanh nghiệp sản xuất các thành phẩm chính, sản phẩm cuối cùng đủ lớn nhằm tạo nguồn cầu cho ngành CNPT, càng không có mạng lưới các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm phụ trợ. Trong thời gian tới, để ngành CNPT Hà Nam phát triển, cần thực hiện một số giải pháp như:
Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển cụm công nghiệp nhằm thu hút các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ. Cụ thể, chúng ta nên mở rộng cụm TTCN Hoà Hậu – Lý Nhân, hoàn chỉnh cụm TTCN làng nghề Nha Xá – Duy Tiên để phát triển ngành Dệt.
Khôi phục các làng nghề ươm tơ, se tơ, sản xuất sợi để trở thành thị trường cung cấp nguyên liệu ổn định cho ngành dệt.
Kiên quyết xử lý thu hồi đất đối với các dự án không hiệu quả: nhận đất xong để đấy hoặc sử dụng không đúng mục đích, không thực hiện các nghĩa vụ về tài chính cho nhà nước… để giao cho các nhà đầu tư khác thực sự cần đất.
Có cơ chế ưu đãi đặc thù để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các doanh nghiệp lớn để sản xuất ra các sản phẩm cuối cùng tạo bứt phá cho ngành công nghiệp, nhằm bao tiêu sản phẩm cho ngành CNPT. Ưu tiên các nhà đầu tư có vốn FDI.
Hạn chế phát triển ngành may gia công bởi vì hiện tại trên địa bàn tỉnh đã thu hút được rất nhiều doanh nghiệp hoạt động nghề này. Doanh nghiệp ra đời ồ ạt, lấy đi một diện tích đất không nhỏ, một lượng lớn máy móc thiết bị được đầu tư nhưng không được sử dụng hiệu quả do gặp khó khăn trong công tác tuyển dụng lao động.
Tổ chức các cuộc hội thảo xúc tiến đầu tư có quy mô lớn nhằm tiếp cận được với các đối tác đầu tư nước ngoài có nhu cầu đầu tư, phát triển CNPT tại Hà Nam.
Định hướng cho các doanh nghiệp cần có lựa chọn, sản xuất bền vững, đầu tư có chiều sâu về công nghệ, máy móc thiết bị, quản trị doanh nghiệp…
Để bức tranh công nghiệp phụ trợ Hà Nam xuất hiện những điểm sáng thì rất cần các cơ quan quản lý có những hoạch định vĩ mô, tầm nhìn chiến lược, đồng thời các doanh nghiệp có sự lựa chọn đầu tư sáng suốt, bền vững./.
Nguồn: Sở Công Thương tỉnh Hà Nam