
Tuy nhiên, sản xuất tại các làng nghề đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề như: khả năng tổ chức quản lý, thiết bị và nguồn lực tài chính, kiến thức thị trường, kỹ năng marketting, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, công nghệ… Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm của làng nghề còn chưa đồng đều, mẫu mã sản phẩm chậm đổi mới… từ đó, làm giảm tính cạnh tranh trên thị trường, nhất là thị trường quốc tế. Vì vậy, cần phải có những giải pháp đồng bộ để khôi phục, phát triển và tìm hướng đi mới cho các làng nghề.
Hiện trạng
Hà Nam có 163 làng nghề truyền thống, làng nghề tiểu thủ công nghiệp và làng có nghề, trong đó có 52 làng nghề truyền thống, làng nghề tiểu thủ công nghiệp, được chia thành các nhóm làng nghề: Nhóm làng nghề thủ công mỹ nghệ, sản xuất mặt hàng mây tre đan, thêu ren, sừng mỹ nghệ, gốm mỹ nghệ, trứng sơn mài, trống, sản phẩm chủ yếu là xuất khẩu; Nhóm làng nghề dệt, nhuộm, có giá trị sản xuất lớn, sản phẩm gồm dệt lụa, đũi, vải, khăn mặt, xe tơ; Nhóm làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm, sản xuất bún, bánh cuốn, bánh đa, bánh đa nem, miến, bánh phở, đậu phụ là mặt hàng tiêu dùng hàng ngày của nhân dân phát triển rất mạnh mẽ và có giá trị sản xuất rất lớn, do được đầu tư máy móc, thiết bị vào sản xuất với năng suất rất cao, giá thành sản xuất hạ, chất lượng sản phẩm ổn định; Nhóm làng nghề chế biến gỗ, rất phát triển, đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động mang lại thu nhập bình quân cho người lao động từ 2,5 - 3,5 triệu đồng/người/tháng. Các cơ sở sản xuất gỗ được trang bị máy móc phù hợp nên năng suất lao động cao, hạ giá thành sản phẩm. Nhiều sản phẩm gỗ dân dụng có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài tỉnh; Nhóm làng nghề sản xuất tre nứa dùng cho xây dựng, sản xuất và tiêu dùng, sản xuất các sản phẩm như: thúng, rổ, sảo, nong, nia, cót, mành nứa, nón lá hoàn toàn bằng thủ công, không thay thế bằng máy móc, thiết bị nên năng suất lao động thấp; Nhóm làng nghề cơ khí, sản xuất khá ổn định và phát triển. Sản phẩm rũa được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu qua đường tiểu ngạch. Phần lớn việc sản xuất của các hộ trong làng nghề đã được áp dụng máy móc.
Theo báo cáo, đến cuối năm 2012, giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làng nghề của Hà Nam ước đạt 2280,1 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu ước đạt 35,522 triệu USD; số người trong độ tuổi lao động tham gia sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làng nghề là 110.940 người, chiếm khoảng 28% tổng số người trong độ tuổi lao động; số hộ tham gia sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làng nghề là 22.984 hộ. Công tác phát triển làng nghề đã giúp cho việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; động viên nhân dân nâng cao ý thức trách nhiệm, tích cực tham gia làm nghề; nghiên cứu, áp dụng công nghệ mới tạo ra các sản phẩm mới; giải quyết nhiều việc làm cho lao động ở các làng nghề. Một vài làng nghề đã gắn việc sản xuất với tham quan du lịch, tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu sản phẩm làng nghề.
Bên cạnh những kết quả đạt được, thời gian qua việc phát triển làng nghề còn một số hạn chế: Môi trường của một số làng nghề dệt may, chế biến lương thực, thực phẩm, thủ công mỹ nghệ đã và đang bị ô nhiễm; doanh nghiệp làng nghề ít vốn và khó tiếp cận các nguồn vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, trình độ quản lý và tổ chức sản xuất kinh doanh hạn chế; lao động trong các làng nghề nhiều độ tuổi khác nhau nên gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp thu công nghệ, nâng cao trình độ tay nghề; cơ chế, chính sách phát triển làng nghề chưa đồng bộ; nguồn lực hỗ trợ còn hạn chế chưa trở thành động lực cho phát triển làng nghề.
Giải pháp
Để các làng nghề vượt qua khó khăn, phát triển ổn định, bền vững, các cấp, ngành của Hà Nam đã cố gắng đưa ra nhiều giải pháp. Theo đó, cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp như: Tăng cường phối kết hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về công tác phát triển làng nghề; Gắn công tác tuyên truyền, phổ biến các cơ chế chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề với việc bảo vệ môi trường; Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển làng nghề gắn với xây dựng nông thôn mới; tăng cường nguồn vốn hỗ trợ xây dựng hạ tầng cụm CN - TTCN - làng nghề, bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống, xử lý môi trường làng nghề; hỗ trợ các cơ sở sản xuất làng nghề đầu tư phát triển sản xuất, tiếp cận với máy móc thiết bị tiên tiến, đổi mới công nghệ, cung cấp nguyên vật liệu và bao tiêu sản phẩm làng nghề; Thu hút, di chuyển các cơ sở sản xuất trong các làng nghề, khu vực dân cư nông thôn hạn chế về mặt bằng sản xuất, hoạt động sản xuất gây ô nhiễm môi trường vào các cụm CN - TTCN - làng nghề, khu sản xuất tập trung; Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu lao động cho các làng nghề, cụm CN - TTCN - làng nghề. Định kỳ có kế hoạch tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ các tổ chức dịch vụ khuyến công, tập huấn về khởi sự và quản trị doanh nghiệp; Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong các làng nghề, cụm CN - TTCN - làng nghề tham gia hoạt động xúc tiến thương mại để quảng bá các sản phẩm truyền thống của địa phương, tham gia các hội chợ triển lãm, khai thác thị trường; Xây dựng và phát triển các mô hình du lịch - làng nghề; Khuyến khích phát triển làng đa nghề, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các ngành nghề hướng đến khai thác lợi thế lao động và nguyên liệu tại địa phương. Khuyến khích lao động chuyên sâu một nghề và biết nhiều nghề, thích ứng được tác động của cơ chế thị trường, mạnh dạn đầu tư phát triển nghề…
Loan Phương