Từ ngàn xưa Hà Nội là vùng đất “Tụ khí anh hoa”, “Địa linh nhân kiệt” nay lại trở thành “đất trăm nghề”, với những địa danh và con người đi vào lịch sử nên việc phát triển làng nghề, ngành nghề thủ công mỹ nghệ trên cơ sở của một miền đất được thiên nhiên ban tặng với nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử đã trở thành huyền thoại với bao địa điểm cho du lịch để Hà Nội trở nên hấp dẫn và là điểm hẹn của du khách trong và ngoài nước.

Hiện nay, Hà Nội có 308 làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận thuộc 23 quận, huyện và thị xã, trong đó có 11 làng nghề sơn mài, khảm trai; 20 làng làm nghề nón, mũ lá; 83 làng làm nghề mây tre, giang đan; 23 làng làm nghề chế biến lâm sản; 29 làng làm nghề thêu ren; 25 làng làm nghề dệt may; 09 làng làm nghề da giầy, khâu bóng; 13 làng làm nghề cơ kim khí; 16 làng làm nghề chạm điêu khắc; 05 làng làm nghề đan tơ lưới; 54 làng làm nghề chế biến nông sản thực phẩm; 06 làng làm nghề cây sinh vật cảnh và 14 làng thuộc ngành nghề khác (gốm sứ, làm đàn, dát quỳ vàng bạc…).

Theo thống kê tính đến năm 2019, tổng doanh thu của 308 làng nghề truyền thống và các làng có nghề đạt trên 22.000 tỷ đồng. Một số làng nghề có doanh thu cao như làng nghề điêu khắc mỹ nghệ thôn Sơn Đồng đạt 2.850 tỷ đồng; làng nghề bánh kẹo dệt kim La Phù đạt 1.301 tỷ đồng; làng nghề chế biến nông sản thực phẩm Minh Khai đạt 1.061 tỷ đồng; làng nghề chế biến nông sản thực phẩm Dương Liễu đạt 1.600 tỷ đồng; làng nghề cơ khí nông cụ Phùng Xá doanh thu đạt 1.209 tỷ đồng; làng nghề đồ mộc- may thôn Hữu Bằng đạt gần 1.000 tỷ đồng ...

Thu nhập bình quân của người lao động ở các làng nghề truyền thống phổ biến ở mức từ 4 đến 5 triệu đồng/lao động/tháng. Thu nhập bình quân lao động từng làng nghề truyền thống ở các quận, huyện không đều. Các quận, huyện có lao động thu nhập bình quân đạt cao như: Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Hoài Đức, Bắc Từ Liêm, Thạch Thất…đạt từ 50 triệu đồng/người/năm. Các huyện đạt dưới 50 triệu đồng/người/năm như: Chương Mỹ, Quốc Oai, Mỹ Đức…Ngay tại các làng nghề khác nhau, mức thu nhập của các lao động cũng có sự khác nhau như: làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng, phường Phú Thượng, Tây Hồ thu nhập lao động bình quân đạt 18,5 triệu đồng/người/ tháng; làng nghề truyền thống nhiếp ảnh thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức thu nhập lao động bình quân đạt 10,8 triệu đồng/người/ tháng; làng nghề mây tre đan thôn Thái Hòa, xã Bình Phú, huyện Thạch Thất thu nhập bình quân đạt 11,2 triệu đồng/người/tháng;…

Trong 10 năm trở lại đây, do bước đầu kết hợp công nghệ truyền thống với công nghệ hiện đại, sản phẩm của làng nghề đã tinh xảo, hiện đại hơn, năng suất lao động được nâng cao. Các công đoạn sản xuất vốn sử dụng lao động cơ bắp trước đây như xay nghiền bột ở làng nghề chế biến nông sản thực phẩm, khoan, bào, cưa, xẻ ở làng nghề chế biến lâm sản, kéo bễ quạt lò ở các làng nghề cơ kim khí, nghiền trộn đất ở làng nghề gốm Bát Tràng ... nay đã thay thế bằng máy móc cơ khí, năng suất lao động được nâng cao. Mặc dù có một số công đoạn được sử dụng bằng máy móc thiết bị song đối với ngành nghề thủ công truyền thống như: gốm sứ, mây tre đan, làm nón, gỗ mỹ nghệ, công đoạn sản xuất chính vẫn phải làm bằng tay, không thể áp dụng máy móc cơ giới toàn bộ cho quy trình sản xuất, vì vậy sản phẩm làng nghề vẫn giữ được nét độc đáo riêng có. Song do phần lớn máy móc công cụ là tự chế tạo, chuyển đổi công năng hoặc có nguồn gốc do các doanh nghiệp quốc doanh thanh lý hoặc nhập khẩu từ các nước có trình độ công nghệ thấp nên năng suất và chất lượng sản phẩm bị ảnh hưởng. Qua đó cũng có thể thấy về tiềm năng áp dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm thủ công nói chung và thủ công mỹ nghệ nói riêng.

Bên cạnh những kết quả đạt được nói trên, làng nghề Hà Nội cũng có nhiều khó khăn hạn chế. Khó khăn về vốn, mặc dù Chính phủ và Thành phố trong thời gian qua đã có chính sách hỗ trợ vốn vay cho các làng nghề sản xuất hàng xuất khẩu, nhưng thực tế có tới 80% các làng nghề, các chủ làng nghề không tiếp cận được với các nguồn vốn hỗ trợ, ưu đãi đó; Thị trường bấp bênh, trải qua nhiều khâu trung gian. Sức cạnh tranh của các sản phẩm xuất khẩu kém, thường bị ép giá trên thị trường. Công tác quảng bá thương hiệu sản phẩm của làng nghề chưa mạnh, quy mô nhỏ theo hướng “mạnh ai nấy làm”; Chưa có chiến lược quảng bá chung cho các sản phẩm làng nghề; Công nghệ lạc hậu, không cải tiến, các sản phẩm xuất khẩu của các làng nghề Hà Nội có chất lượng chưa tốt, chưa đồng đều, trình độ thẩm mỹ chưa cao, mẫu mã chưa đổi mới. Sản phẩm chủ yếu được sản xuất theo các mẫu thiết kế của khách hàng nước ngoài;  Khó khăn về vùng nguyên liệu, tuy nước ta có nhiều nguồn nguyên liệu quý, có thể cung cấp nguyên liệu cho sản xuất tại các làng nghề nhưng lại thiếu các quy hoạch cụ thể và phù hợp. Thực tế, nguyên liệu khai thác trên địa bàn Thành phố mới đáp ứng 20% nhu cầu sản xuất của các làng nghề; Cơ sở hạ tầng nhiều làng nghề bị xuống cấp (đường xá hư hỏng, thiếu điện, nước v.v…); Mặt bằng của các cơ sở sản xuất tại các làng nghề chật hẹp, không có nơi để chứa nguyên liệu và sản phẩm;….

Để phát triển các làng nghề của Hà Nội trong thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp như: Tăng cường vai trò quản lý nhà nước về việc khai thác và sử dụng nguồn nguyên liệu tại địa phương. Có chính sách khuyến khích các làng nghề sản xuất hàng xuất khẩu hạn chế sử dụng các loại nguyên liệu quý hiếm, không có khả năng tái tạo (các loại gỗ quý, đất sét, đá quý), và tận dụng các nguyên liệu thiên nhiên sẵn có, dồi dào về số lượng và có thể nuôi trồng cho sản phẩm nhanh (các loại đá mềm trong lòng đất; các loại cây mây, song; cây sơn; các loại trai, ốc…); Lập quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu cho các làng nghề sản xuất hàng xuất khẩu ; Xem xét hình thành các chợ đầu mối cung cấp nguyên liệu đầu vào cho các làng nghề sản xuất hàng xuất khẩu, nhằm tạo sự ổn định nguồn cung cho hoạt động sản xuất kinh doanh; Xây dựng và thực hiện chương trình xuất khẩu hàng thủ công trên cơ sở xác định nhu cầu của thị trường và khả năng sản xuất của các làng nghề; Tiếp tục tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia các hội chợ triển lãm về hàng thủ công ở nước ngoài để tìm hiểu thị trường và nắm bắt nhu cầu của khách hàng; Tổ chức liên kết trong sản xuất kinh doanh để nâng cao năng lực sản xuất đảm bảo chất lượng hàng hoá và thời gian giao hàng theo hợp đồng đã cam kết. Đây là cách tốt nhất để vừa nâng cao uy tín của doanh nghiệp trong quan hệ mua bán quốc tế, vừa duy trì và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm của mình một cách ổn định và bền vững; Hỗ trợ vốn đầu tư cho phát triên các làng nghề truyền thống kết hợp với du lịch; khắc phục ô nhiễm môi trường làng nghề; tăng cường kinh phí thực hiện các chương trình, dự án, đề án, mô hình hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn.v.v...

 Nguyễn Hương (TTCN)