Báo cáo tại hội nghị, ông Lê Văn Thành - Phó chủ tịch UBND Thành phố Hải Phòng nhấn mạnh, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 32, Hải Phòng đã đạt được nhiều kết quả to lớn, quy mô kinh tế mở rộng, GDP tăng bình quân gần 11%/năm gấp 1,57 lần mức tăng của cả nước, đứng thứ 2 trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, theo đó tỷ trọng GDP nhóm ngành công nghiệp – xây dựng, dịch vụ tăng từ 84,1% năm 2002 lên 89,7% năm 2012. Thu ngân sách năm 2012 tăng gấp 5,6 lần so với 2002; Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài liên tục tăng, đến nay Hải Phòng đã có 372 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 6,74 tỷ USD; sản lượng hàng hóa qua cảng Hải Phòng đạt từ 48,8 triệu tấn, gấp 3,8 lần so với năm 2002, tốc độ tăng trưởng bình quân 16,7% năm.
Đặc biệt, nhiều công trình trọng điểm có ý nghĩa quan trọng làm thay đổi diện mạo đô thị, vị thế của Hải Phòng đã và đang tích cực triển khai như quốc lộ 10, cầu Bính, đường cao tốc Hà NộiHải Phòng, cầu đường Tân Vũ - Lạch Huyện, cảng quốc tế Lạch Huyện, cảng Hàng không quốc tế Cát Bi...
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu, nhưng Hải Phòng vẫn còn nhiều tồn tại, chưa có kết quả mang tính đột phá, nhảy vọt, quy mô kinh tế chưa xứng tầm với vai trò, vị trí và tiềm năng của thành phố trọng điểm phía Bắc, chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa bền vững.
Ông Dương Anh Điền – Phó Bí thư, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng cho rằng, có được những thành tựu ấy, có sự hỗ trợ của Bộ Công Thương trong việc giúp Hải Phòng thực hiện Nghị quyết 32 của Bộ Chính trị, góp phần tạo nguồn lực quan trọng để xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm công nghiệp, thương mại của cả nước. Đơn cử như việc ủng hộ, đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định các cơ chế áp dụng trong khu Kinh tế Đình Vũ – Cát Hải, hay đưa khu công nghiệp Tràng Duệ vào phạm vi khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải tạo lợi thế thu hút đầu tư các dự án có quy mô lớn, công nghệ cao.
Trong thời 10 năm qua, Bộ Công Thương cũng đã trực tiếp phê duyệt 13 quy hoạch liên quan đến Hải Phòng thuộc các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đặc biệt Bộ đã chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc đầu tư nhiều dự án quan trọng như Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng, nhà máy phân bón DAP, nhà máy xơ sợi tổng hợp polyeste... góp phần quan trọng vào tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp của Hải Phòng.
Ông Điền cũng cho rằng, với những lợi thế về mặt vị trí địa lý, được sự quan tâm của Nhà nước nhưng Hải Phòng đang “tụt hậu” so với các địa phương ít tiềm năng hơn. Vì vậy thời gian tới sẽ là cơ hội để Hải Phòng vươn lên, thu hút đầu tư phát triển kinh tế, tránh tình trạng trâu chậm uống nước đục.
Tăng cường phối hợp thường xuyên
Để tiếp tục thực hiện Nghị quyết 32 có hiệu quả trong thời gian tới, lãnh đạo Hải Phòng đề xuất hai bên sẽ tăng cường phối hợp hàng năm, tiếp tục thể chế hóa các nội dung của Nghị quyết, thông báo kết luận của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ, cũng như trao đổi đánh giá kết quả...trong đó tập trung ưu tiên các nhiệm vụ nhằm đưa Hải Phòng trở thành trung tâm công nghiệp và thương mại lớn của cả nước.
Hải Phòng cũng sẽ phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, kêu gọi đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp của thành phố. Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực trong nhiều lĩnh vực kinh tế thương mại.
Theo đó, Hải Phòng đã kiến nghị với Bộ Công Thương hỗ trợ triển khai xây dựng và phát triển công nghiệp chuyên sâu, công nghiệp hỗ trợ. Chỉ đạo tập đoàn điện lực Việt Nam đẩy nhanh tiến độ thi công nhà máy nhiệt điện Hải Phòng II, bố trí đủ vốn để thực hiện các công trình theo quy hoạch đã được phê duyệt nhằm ưu tiên đảm bảo đủ điện cho nhu cầu phát triển của thành phố. Chỉ đạo, định hướng các tập đoàn, tổng công ty tiếp tục đầu tư vào dự án sản xuất công nghiệp lớn, thân thiện môi trường, tạo nguồn thu cho ngân sách.
Bên cạnh đó đề nghị Bộ Công Thương và các ban ngành khác tạo điều kiện cho Hải Phòng thành lập các trung tâm thương mại nhằm mở rộng hoạt động giao thương buôn bán, trao đổi mậu dịch thông qua cửa khẩu quốc tế cảng biển Hải Phòng giữa Việt Nam – Asean – Trung Quốc – Liên bang Nga, v.v...
Xây dựng cơ chế, chính sách riêng cho hoạt động xuất nhập khẩu tại các cảng biển, nhất là hoạt động tạm nhập tái xuất hàng hóa qua cảng, phân cấp cho thành phố cấp phép đối với hàng hóa xuất nhập khẩu do Bộ Công Thương cấp.
Hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ xuất nhập khẩu, thương mại điện tử, sàn giao dịch, hỗ trợ xây dựng trung tâm xúc tiến thương mại của vùng từ nguồn kinh phí quốc gia.
Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư ưu tiên bố trí vốn từ Ngân sách trung ương hoặc vốn ODA để đẩy nhanh xây dựng các chợ đầu mối nông sản tổng hợp, thủy sản trên địa bàn thành phố Hải Phòng và các nguồn vốn hỗ trợ cho các chương trình năng lượng tái tạo, tuyên truyền tiết kiệm năng lượng, công tác khuyến công, v.v...
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đánh giá cao những thành tựu mà Hải Phòng đã đạt được, ông cũng chỉ đạo các ban ngành liên quan trả lời những vướng mắc liên quan đến các lĩnh vực mà Hải Phòng quan tâm như các dự án điện, hóa chất, công nghiệp phụ trợ, xúc tiến thương mại, đầu tư nước ngoài... và cam kết sẽ luôn đồng hành, ủng hộ, tạo điều kiện tối đa cho Hải Phòng trong việc xây dựng các cơ chế chính sách, thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, phát triển công nghiệp, khuyến khích các doanh nghiệp thuộc Bộ quản lý nghiên cứu, tiếp tục đầu tư và hoạt động kinh doanh hiệu quả tại Hải Phòng.
Nguồn: Báo Công Thương