Những mô hình hay, cách làm sáng tạo
3 năm (2011- 2013), Hải Phòng đã chỉ đạo thực hiện 6 đề án, chương trình; 41 mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp với kinh phí hàng trăm tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu sản xuất, nâng cao hiệu quả, đồng thời tăng thu nhập cho người dân nông thôn.
Đơn cử, sau khi xây dựng mô hình ”cánh đồng mẫu lớn” sản xuất lúa và rau màu, với diện tích hơn 500ha, từ đó đã cho năng suất cao hơn từ 8,0 - 15,22% so với sản xuất đại trà; chi phí giảm rõ rệt từ 2,5 - 5% (giảm giống, thuốc bảo vệ thực vật, công lao động…); tổng thu cao hơn từ 21,29 - 26,68%, lãi thuần tăng từ 8,8 - 11 triệu đồng/ha.
Để có kết quả cao như vậy, năm 2013 Hải Phòng đã hỗ trợ với tổng kinh 8,303 tỷ đồng, hỗ trợ người dân 50% chi phí mua máy cơ khí nông nghiệp để thực hiện mô hình cơ giới hoá đồng bộ trong sản xuất lúa và rau góp phần công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.
Điển hình có mô hình trồng ớt tại xã Việt Tiến, xã Vĩnh Tiến – huyện Vĩnh Bảo; năng suất đạt 19,4 – 20,8 tấn/ha (sản xuất trong 9 tháng), doanh thu từ 485,0 triệu đồng – 520,8 triệu đồng/ha, lãi 339,5 triệu đồng; cao hơn từ 10 – 17 lần so với trồng lúa. Mô hình trên là mô hình hay, sáng tạo cần được tuyên truyền, nhân rộng không những trên địa bàn thành phố Hải Phòng mà còn trên cả nước
Hộ nghèo giảm mạnh
Hải Phòng hiện có 39 làng nghề, trong đó có 18 làng nghề đã được UBND TP. Hải Phòng công nhận đạt các tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong 3 năm qua, Hải Phòng đã tổ chức 253 lớp dạy nghề, với gần 10.000 người tham gia, chính các làng nghề đã thu hút, đảm bảo việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định từ 20 - 60 triệu đồng/năm cho trên 15.300 lao động nông thôn, góp phần đưa đời sống nhân dân nông thôn cải thiện và ổn định. Từ đó tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 7,53% năm 2011 xuống còn 6,39% năm 2012; năm 2013 ước tính còn 5,67%. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của Hải Phòng năm 2011 là 19,423 triệu đồng, năm 2012 là 21,827 triệu đồng, và năm 2013 là 24,366 triệu đồng.
Tình hình triển khai tiêu chí số 4 (điện nông thôn) và tiêu chí số 7 (chợ nông thôn)
Về tiêu chí điện, đến hết tháng 3/2014 có 126/139 xã đạt tiêu chí số 4 (điện nông thôn), đạt tỷ lệ 90,6%. Hiện nay, ngoài Công ty Điện lực Hải Phòng, Thành phố còn có 2 công ty cổ phần (tư nhân) và một số HTX phụ trách việc quản lý, mua bán điện. Vì vậy, rất cần có sự chỉ đạo, giám sát sát sao của các cơ quan quản lý Hải Phòng đối với các doanh nghiệp buôn bán điện ngoài quốc doanh, nhất là trong công tác duy tu, bảo dưỡng đường dây, hệ thống điện trong mùa mưa bão. Mặt khác, trong kế hoạch sắp tới, EVN (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) sẽ triển khai vốn hỗ trợ của Ngân hàng Tái Thiết Đức 100 tỷ đồng, của Ngân hàng Thế giới 170 tỷ đồng để đầu tư, nâng cấp hệ thống điện cho TP. Hải Phòng. Từ đó sẽ giải quyết, khắc phục được những tồn tại hiện nay của Thành phố như: Chất lượng điện không đảm bảo, thường xuyên xảy ra tình trạng quá tải, vị trí trạm biến áp đặt xa trung tâm phụ tải dẫn đến điện áp cuối nguồn yếu…
Về tiêu chí chợ, đến hết tháng 3/2014 có 58/139 xã đạt tiêu chí số 7 Chợ nông thôn, đạt 41,7%; trong đó có 17 xã không có chợ nhưng được đánh giá đạt tiêu chí số 7 theo Quyết định số 342/QĐ-TTg ngày 20/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi một số tiêu chí Quốc gia về Nông thôn mới. Hải Phòng có khó khăn hạn chế về việc đánh giá chợ đạt chuẩn theo Thông tư 41/2013/TT-BNNPTNT vì hầu hết các chợ đều xây dựng trước khi có Chương trình XDNTM. Về vấn đề này, đại diện Đoàn công tác, Phó Vụ Trưởng Vụ Thị trường trong nước – ông Dương Duy Hưng cho biết Bộ Công Thương đang xây dựng quy trình hướng dẫn cụ thể hơn, sát thực tế hơn về việc đánh giá chợ đạt chuẩn (quy định đánh giá tiêu chí kỹ thuật riêng cho từng địa bàn khác nhau, ví dụ như: Tiêu chí kỹ thuật ở các vùng miền núi, vùng hải đảo, vùng đồng bằng là khác nhau).
Mặt khác, Hải Phòng đã và đang đẩy mạnh công tác huy động vốn xã hội hóa của nhân dân, các doanh nghiệp, các tổ chức vào xây dựng chợ nông thôn. Tại xã An Thọ, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng (địa bàn thực tế mà Đoàn công tác đã đến thăm), Lãnh đạo UBND xã đã có cách làm hay là tổ chức đấu thầu xây dựng, quản lý, kinh doanh chợ cho doanh nghiệp. Sau khi trúng thầu, doanh nghiệp đầu tư gần 1 tỷ đồng vào xây dựng chợ; chợ có quy mô không lớn nhưng rất gọn gàng, ngăn nắp, hệ thống thoát nước tốt… tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân trong xã đến mua bán, trao đổi hàng hóa.
Đẩy mạnh phát triển nông thôn mới
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng - ông Đỗ Trung Thoại cho biết, tính đến hết tháng 3/2013, bình quân toàn thành phố Hải Phòng đạt 10,83 tiêu chí nông thôn mới. Thành phố chủ động tập trung phát triển sản xuất kinh tế nhằm nâng cao đời sống của người dân, sau đó từng bước đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn theo phương châm: “Từ cánh đồng vào bên trong”.
Năm 2014, toàn Thành phố sẽ phấn đấu bình quân đạt 11-12 tiêu chí/xã. Đặc biệt có từ 10 - 15 xã hoàn thành XDNTM, tập trung chỉ đạo đầu tư đảm bảo mục tiêu đến hết năm 2015 có 41 xã (30% tổng số xã) hoàn thành. Theo kế hoạch, đến hết năm 2015 Hải Phòng phấn đấu có 41 xã (tương ứng 30% số xã) hoàn thành XDNTM.
Tuy nhiên, để đạt được con số trên (trong hoàn cảnh năm 2013 mới chỉ có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới), Hải Phòng sẽ đẩy mạnh tăng cường công tác chỉ đạo quyết liệt hơn nữa, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Và đặc biệt cần phân công, phân cấp nhiệm vụ cụ thể và tăng cường trách nhiệm của các cấp, các ngành, các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội đối với việc tổ chức thực hiện chương trình XDNTM để đưa Hải Phòng từng bước phát triển mạnh và bền vững.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa ghi nhận và đánh giá cao kết quả TP. Hải Phòng đã đạt được. Thứ trưởng cũng đề nghị, Hải Phòng cần có kế hoạch cụ thể cho mục tiêu hoàn thành 41 xã trong năm 2015; huy động vốn hiệu quả (nhất là vốn xã hội hóa)... Đặc biệt cần quan tâm và ưu tiên phát triển làng nghề truyền thống có hiệu quả cao trong thu hút khách du lịch, quảng bá, nâng cao giá trị sản phẩm truyền thống. Về tiêu chí điện và chợ, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chỉ đạo sát sao các đơn vị trong Bộ trong việc đầu tư, nâng cấp hệ thống điện; huy động các đơn vị da giầy, dệt may…xây dựng nhà máy sản xuất, vùng nguyên liệu cho TP. Hải Phòng.
Nguyễn Văn Luyện