Thời gian qua, hoạt động khuyến công tỉnh Hậu Giang tập trung triển khai các nội dung: Đào tạo, tập huấn; tư vấn, hỗ trợ; giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm thị trường; trình diễn kỹ thuật, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến và chuyển giao công nghệ…


Kết quả công tác khuyến công


 Hoạt động khuyến công của Tỉnh đã hỗ trợ rất thiết thực cho các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) trong phát triển nguồn nhân lực, hiện đại hóa máy móc thiết bị, nâng cao năng lực sản xuất, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm… Nhờ đó, các cơ sở CNNT trên địa bàn thụ hưởng chính sách khuyến công đã tăng trưởng đáng kể về doanh thu, nâng cao chất lượng, số lượng sản phẩm và nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu thiết thực của các cơ sở CNNT.


Để phát huy vai trò của hoạt động khuyến công trong khuyến khích phát triển CNNT trên địa bàn, tỉnh Hậu Giang cũng từng bước hoàn chỉnh cơ chế, chính sách khuyến công của Tỉnh sao cho phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương, nhằm hỗ trợ một cách thiết thực và hiệu quả hơn cho các cơ sở CNNT.


Khó khăn trong hoạt động


Hậu Giang là tỉnh còn nhiều khó khăn của khu vực phía Nam, trong những năm qua việc xây dựng kế hoạch, đề án từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương vẫn còn rất hạn chế. Đến năm 2015, kinh phí khuyến công địa phương của Tỉnh mới được thực hiện để hỗ trợ cho các cơ sở, doanh nghiệp CNNT.


Trên địa bàn đa phần các cơ sở, doanh nghiệp và HTX đang hoạt động sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đều mang tính tự phát với quy mô nhỏ lẻ. Hầu hết các chủ cơ sở sản xuất, doanh nghiệp chưa nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng và lợi ích thiết thực từ các chính sách khuyến công nên chưa thật sự mặn mà tham gia vào các hoạt động khuyến công ở địa phương.


Quá trình triển khai các hoạt động khuyến công, việc phối hợp thực hiện giữa các ban, ngành, sở còn nhiều lúng túng. Đây là những nguyên nhân khó khăn của Hậu Giang trong việc xây dựng kế hoạch kinh phí khuyến công hàng năm.


Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công


Để nâng cao hiệu quả hoạt động trong công tác khuyến công, theo Lãnh đạo Sở Công Thương Hậu Giang, đơn vị tham gia công tác quản lý, thực hiện các hoạt động dịch vụ khuyến công phải tích cực và chủ động trong việc tiếp cận các cơ sở, doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu và tư vấn, hướng dẫn cho các cơ sở, doanh nghiệp làm thủ tục để được hỗ trợ, thụ hưởng các chính sách khuyến công. Các chương trình khuyến công tập trung hỗ trợ đầu tư một số dự án có lợi thế cạnh tranh, điển hình để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, từ đó sẽ tạo ra sự lan tỏa cho nhiều ngành nghề và lĩnh vực khác.


Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền để phổ biến chủ trương chính sách của Nhà nước về hoạt động khuyến công, làm cho các cơ sở CNNT biết được chính sách khuyến công và nội dung của hoạt động khuyến công, để từ đó tích cực chủ động tham gia. Công tác đào tạo nghề, truyền nghề và phát triển nghề phải gắn với nhu cầu sử dụng lao động của các cơ sở, doanh nghiệp để giải quyết việc làm cho người lao động sau đào tạo.


Hơn nữa, phải được sự quan tâm và ủng hộ, hỗ trợ của các cấp, Sở, ban, ngành, đoàn thể địa phương; sự phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan, đồng thời có sự phối hợp tốt trong hoạt động giữa Chương trình Khuyến công với các chương trình khác như Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững... thì hiệu quả hoạt động khuyến công đạt được sẽ cao hơn.


M.H