Tỉnh Hậu Giang, những năm qua công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn là nhiệm vụ trọng tâm trong những hoạt động khuyến công của tỉnh.


Những kết quả từ khuyến công

 Qua công tác đào tạo nghề, ngoài mục đích giúp người lao động nông thôn tìm được việc làm, tăng thu nhập còn góp phần xây dựng đội ngũ lao động có tay nghề để hỗ trợ nguồn nhân lực đã qua đào tạo cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn.Bà Huỳnh Ngọc Thanh, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Phước Hưng (xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành) cho rằng, tại thời điểm này sản phẩm thủ công làm từ cọng lục bình của HTX rất được khách hàng ưa chuộng. Nguồn nguyên liệu lục bình của tỉnh rất lớn, nhờ đó đã tạo công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân nông thôn và góp phần nâng giá trị sản phẩm tiểu thủ công nghiệp. Thực tế, nhờ có các chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn từ hoạt động khuyến công đã giúp cho HTX có được những lao động tay nghề cao.

 

 Bên cạnh hỗ trợ đào tạo nghề, việc hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn đã giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa có được những cơ hội phát triển. Bà Cao Thị Ngọc Lan, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Phát triển Công nghiệp Hải Sơn, ở ấp Phước Long, xã Đông Phước, huyện Châu Thành, cho biết: Công ty chuyên làm sơn tĩnh điện, gia công cơ khí, năm 2008, Công ty được sự hỗ trợ từ kinh phí khuyến công quốc gia đã xây dựng thành công mô hình trình diễn kỹ thuật phun sơn tĩnh điện. Từ đó đến nay, Công ty đã có nhiều thay đổi và phát triển, quy mô sản xuất ngày càng mở rộng, sản phẩm làm ra nhiều hơn, chất lượng nâng lên và Công ty cũng được nhiều khách hàng tìm đến và ký kết nhiều hợp đồng với trị giá lớn. Từ sự hỗ trợ ban đầu này không chỉ đã giúp doanh nghiệp xây dựng quy trình sản xuất vững chắc, mà hàng hóa làm ra đảm bảo chất lượng, đủ sức cạnh tranh trên thương trường.

 

Cần nhiều hỗ trợ cho hoạt động khuyến công

 

Hậu Giang là tỉnh thuần nông, đa phần các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất còn lạc hậu và thủ công, năng lực tiếp cận các nguồn vốn khá hạn chế. Tính hợp tác, liên kết của các doanh nghiệp trong tỉnh chưa cao. Bên cạnh đó, các thủ tục về chính sách ưu đãi, hỗ trợ triển khai còn chậm nên chưa kích thích các doanh nghiệp tham gia đầu tư mở rộng, phát triển sản xuất; Việc huy động nguồn vốn từ xã hội còn rất thấp. Đặc biệt, bên cạnh mức hỗ trợ kinh phí của hoạt động khuyến công chưa thật sự hấp dẫn thì trong nhiều năm nay hoạt động khuyến công của Hậu Giang chưa có được sự hỗ trợ kinh phí từ địa phương trong khi các doanh nghiệp trên địa bàn đa phần là nhỏ, trang thiết bị, công nghệ sản xuất còn lạc hậu, nguồn vốn không cao.

 

Theo Lãnh đạo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hậu Giang, bên cạnh những nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ được giao thì để nâng cao chất lượng các hoạt động khuyến công Trung tâm rất cần có sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương cho các hoạt động khuyến công địa phương. Đồng thời đề nghị tỉnh xem xét đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để nâng cao năng lực hoạt động cho Trung tâm nhằm tổ chức thực hiện tốt hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, cũng kiến nghị Cục Công nghiệp địa phương và Sở Công Thương Hậu Giang cần tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn thường xuyên trong công tác xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án khuyến công hàng năm cho Trung tâm. Đồng thời tổ chức các lớp tập huấn về hoạt động khuyến công, xây dựng kế hoạch, lập đề án, quản lý đề án, thanh quyết toán, đánh giá hiệu quả đề án khuyến công…

 

KC.