Làng nghề gốm ở Biên Hoà (Đồng Nai) đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng của suy giảm kinh tế. Nhiều doanh nghiệp đã phải đóng cửa, chỉ còn lại vài doanh nghiệp phải cố duy trì sản xuất theo kiểu “cầm chừng”, nếu không có biện pháp giải cứu thì nguy cơ mai một làng gốm truyền thống này đang trở thành hiện thực.
 
                          * Khó khăn đã được dự báo trước
 
          Trong những tháng mùa khô này là mùa làm ăn của làng gốm, vào dịp này năm ngoái, ai về Biên Hòa theo tuyến đường quốc lộ 1K đến khu vực ấp Cầu Hang thuộc xã Hóa An và kế đến là các xã Bửu Hòa, Tân Vạn… sẽ bắt gặp hàng đoàn xe container đang chờ để chất hàng gốm xuất khẩu. Nhưng mùa khô năm nay đối với làng gốm Biên Hòa (Đồng Nai) không còn thấy cảnh hàng đoàn xe container ra vào ăn hàng nhộn nhịp như trước đây.
 
          Theo báo cáo của Hiệp Hội gốm Đồng Nai, khó khăn của ngành gốm Biên Hòa (Đồng Nai) cũng đã được dự báo trước từ những tháng cuối năm 2008, với hàng loạt hợp đồng xuất khẩu bị giảm mạnh. Thực tế đã xảy ra ở các tháng đầu năm 2009, cụ thể là hiện nay đã có hàng loạt doanh nghiệp sản xuất gốm mỹ nghệ đã phải ngưng hoạt động. Trong đó, điển hình như Công Ty cổ phần gốm Đồng Thành là một doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu mặt hàng gốm có tầm cỡ và đã có thương hiệu trên thương trường trên 10 năm, nhưng nay đã ngưng hoạt động, tiếp theo là hàng loạt doanh nghiệp và cơ sở sản xuất gia công hàng gốm mỹ nghệ xuất khẩu ở các xã Tân Vạn, Bửu Hòa... cũng đã đóng cửa.
 
          Đến Công ty Cổ phần gốm Đồng Tâm là một doanh nghiệp trong nhiều năm liền đã mạnh dạn đầu tư nguồn vốn lớn thay đổi công nghệ sản xuất, đây cũng là doanh nghiệp sản xuất gốm có kim ngạch xuất khẩu hàng năm đứng nhất nhì so với các doanh nghiệp sản xuất gốm ở Đồng Nai. Là một doanh nghiệp năng động trong cơ chế thị trường, sản phẩm của công ty đã xuất khẩu trực tiếp sang nhiều nước Châu Âu, Hoa Kỳ… nhưng hiện nay cũng đang phải rơi vào cảnh sản xuất cầm chừng. Anh Phan Hồ Nhật, Giám đốc công ty cho rằng: Trong khoảng hai ba năm trở về trước vào các tháng mùa khô này cũng là mùa làm ăn của ngành gốm, riêng doanh nghiệp chúng tôi đã phải “chạy đôn, chạy đáo” khắp nơi để tìm thêm lao động mới sản xuất kịp hàng giao cho khách. Nhưng từ cuối năm 2008 đến nay, doanh nghiệp đã phải cắt giảm lao động liên tục vì không có đơn hàng. Cụ thể như năm 2007, doanh nghiệp có số lao động lên đến 750 người, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 8 triệu USD. Sang năm 2008, giảm còn 450 người, kim ngạch cũng giảm còn 4,5 triệu USD. Năm 2009, công ty đang tìm kiếm thêm thị trường tiêu thụ nhằm cố gắng duy trì kim ngạch xuất khẩu vào khoảng trên 3 triệu USD để tạo công ăn việc làm cho số lao động lành nghề ở công ty.
 
         
                         * Khuyến công cần phải tham gia
 
         
       Trước đây, trên địa bàn Đồng Nai có trên 60 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh hàng gốm mỹ nghệ thuộc các thành phần kinh tế, giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động tại địa phương. Gốm Biên Hòa (Đồng Nai) đã được xuất khẩu đi hầu hết các nước ở Châu Á, Châu Âu và Châu Mỹ, hàng năm mang lại hàng chục triệu USD kim ngạch xuất khẩu cho địa phương.
 
          Ngành gốm sứ mỹ nghệ Đồng Nai có đặc trưng riêng, mang tính văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, UBND tỉnh đã chọn nhãn hiệu riêng cho “Gốm sứ mỹ nghệ Đồng Nai” để đăng ký bảo hộ thương hiệu và đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận bảo hộ. Chính phủ cũng đã công nhận hàng gốm mỹ nghệ nằm trong danh mục ưu đãi đầu tư và ưu đãi xuất khẩu. Mặt khác, hầu hết 100% sản phẩm gốm mỹ nghệ ở Đồng Nai chủ yếu là xuất khẩu. Do có nhiều năm hoạt động xuất khẩu, sớm tiếp cận thị trường nước ngoài nên nhiều doanh nghiệp cũng dự cảm được những thách thức trong tiến trình hội nhập kinh tế thế giới để có sự chuẩn bị đầu tư, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm. Trong đó có một số doanh nghiệp có quy mô công nghiệp, xây dựng được bộ máy quản lý theo Luật Doanh nghiệp và Luật HTX như: Công ty Cổ Phần gốm Việt Thành, Đồng Tâm, HTX gốm Thái Dương, Công ty TNHH Minh Tiến, Song Tiến…
 
          Tuy nhiên, do nguồn lực còn yếu, nhiều doanh nghiệp sản xuất gốm mỹ nghệ trong tỉnh vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn (hầu hết rơi vào các doanh nghiệp có qui mô nhỏ) do vốn ít, việc đầu tư tái sản xuất và mở rộng chủ yếu nhờ vào lợi nhuận chưa phân phối, lấy lãi bù đắp dần chi phí, ít sử dụng nguồn vốn tín dụng. Do đó, việc đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm còn nhiều hạn chế, khả năng cạnh tranh thấp. Một số ít doanh nghiệp có khả năng xuất khẩu trực tiếp, còn phần nhiều doanh nghiệp không có khả năng này, mà chủ yếu làm hàng gia công cho các công ty xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh hoặc các doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu lớn trong tỉnh. Điều này cũng đồng nghĩa với việc khó chủ động được kế hoạch sản xuất kinh doanh và chiến lược đầu tư lâu dài. Mặt khác, tình hình tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp gốm trong vài năm trở lại đây liên tục gặp bất lợi do chi phí đầu vào tăng nhanh, trong khi đó thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, giá bán không tăng hoặc tăng rất ít làm cho nhiều doanh nghiệp không có lãi, việc đầu tư chiều sâu, mở rộng sản xuất rất khó thực hiện. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh về giá cả trên thị trường xuất khẩu diễn ra gay gắt ngay giữa các doanh nghiệp gốm trong tỉnh và các tỉnh bạn, nhiều doanh nghiệp nhỏ phải chấp nhận những đơn hàng nhỏ, giá thấp (chất lượng có thể kém hơn một chút) để có việc làm cho người lao động mà không tính được lợi ích lâu dài của ngành Gốm Đồng Nai.
 
          Ngoài ra, việc qui hoạch cụm gốm sứ của Tỉnh triển khai quá chậm đã làm mất đi nhiều cơ hội đầu tư của các doanh nghiệp. Đa số các doanh nghiệp ở trong diện phải di dời đều rơi vào tình trạng làm cầm chừng để chờ quy hoạch. Do đó, kế hoạch đầu tư, xây dựng lâu dài còn đang bỏ ngỏ vì chưa nắm được thông tin cụ thể. Mặt khác, nguồn lao động có tay nghề cao của ngành Gốm ngày càng thiếu hụt do thu nhập không ổn định, người lao động không tha thiết với nghề. Vì vậy, khi tới thời điểm mùa vụ, các doanh nghiệp phải chạy tìm thợ. Tình trạng này cũng khiến các doanh nghiệp khó thực hiện các chế độ lao động theo qui định của pháp luật.
 
          Các chương trình hỗ trợ phát triển ngành Gốm hiện nay tuy đang rất được sự quan tâm của UBND Tỉnh, các sở, ngành chức năng, nhưng có một thực tế hiên nay là, việc tiếp cận các chương trình này của doanh nghiệp còn hạn chế, một phần vì việc xây dựng dự án tham gia hội chợ triển lãm, thành lập đoàn khảo sát trong và ngoài nước chưa sát với nhu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thêm vào đó, các doanh nghiệp ít có điều kiện tham gia vì kinh phí hạn hẹp. Trong khi đó, theo nhiều doanh nghiệp phản ảnh thì phần kinh phí hỗ trợ xúc tiến thương mại của Tỉnh dành cho doanh nghiệp Gốm tham gia hội trợ triển lãm theo kế hoạch hàng năm cũng chỉ bằng 1/10 chi phí thực tế của doanh nghiệp.
 
          Để khôi phục, duy trì và phát triển làng nghề gốm sứ của tỉnh Đồng Nai, còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết mà khuyến công Đồng Nai cần phải tham gia. Trước mắt, khuyến công của tỉnh cần góp phần giải quyết mặt bằng cho các cơ sở sản xuất, chú trọng công tác đào tạo công nhân lành nghề cho làng nghề gốm, đổi mới công nghệ thiết bị, tổ chức lại sản xuất một cách phù hợp với tình hình mới, đa dạng hóa sản phẩm, đẩy mạnh xúc tiến thương mại và tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ… phù hợp trong xu thế hội nhập kinh tế của nước ta./.