Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: thời gian qua, Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan thuộc Chính phủ đã nghiêm túc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội; Chỉ thị số 22/CT-TW của Bộ Chính trị, thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ phân công trong quá trình tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 và tổ chức lấy ý kiến về Dự thảo Hiến pháp sửa đổi trong phạm vi lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương. Thực tiễn cho thấy quá trình tổng kết Hiến pháp và quá trình lấy ý kiến về Dự thảo Hiến pháp sửa đổi đã thực sự trở thành đợt sinh hoạt chính trị sôi nổi, rộng khắp trong toàn ngành Công Thương.
Sự cần thiết phải thay đổi Hiến pháp 1992
Giới thiệu những nội dung chính của Hiến pháp tại Hội nghị, PGS. TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội cho biết: trước khi bản Hiến pháp 2013 ra đời, nước Việt Nam đã có 4 bản Hiến pháp (các năm 1946, 1959, 1980, 1992). Mỗi bản Hiến pháp ra đời đánh dấu những mốc lịch sử quan trọng của nước ta trong công cuộc giữ nước, dựng nước và phát triển hội nhập quốc tế.
PGS. TS Đinh Xuân Thảo giới thiệu những nội dung cơ bản của Hiến pháp
Hiến pháp năm 1992 đã đóng góp nhiều cho Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm đi vào cuộc sống, Hiến pháp 1992 đã bộc lộ nhiều quy định không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời đại công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Bên cạnh đó, tốc độ phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật, cùng với sự phức tạp của tình hình thế giới hiện nay đặt ra những yêu cầu cấp bách cần phải thay đổi. Do đó, toàn đảng toàn dân đã thống nhất thay đổi Hiến pháp năm 1992 để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phù hợp hơn với tình hình phát triển chung. Hiến pháp năm 2013 được xem là bản hiến pháp thứ 5 trong lịch sử lập hiến của Việt Nam.
PGS. TS Đinh Xuân Thảo cho biết: Hiến pháp thứ 5 ra đời đảm bảo 3 yêu cầu, 6 quan điểm của Đảng đề ra. 3 yêu cầu là, sửa Hiến pháp 1992 trên cơ sở kế thừa và phát triển những nôi dung còn phù hợp; phải quán triệt và cụ thể hóa tư tưởng và Nghị quyết của Đảng; đảm bảo tính hiện đại để Hiến pháp tồn tại lâu dài, phù hợp với các chiến lược phát triển bền vững. 6 quan điểm là, thay đổi Hiến pháp mới trên cơ sở tổng kết Hiến pháp 1992 để phát hiện những vấn đề bất cập, chỉ sửa những vấn đề không còn phù hợp, được thực tiễn kiểm nghiệm và nhân dân đồng thuận; khẳng định Nhân dân là chủ thể quyền lực tối cao; khẳng định vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam; khẳng định kiên trì xây dựng mô hình kinh tế thị trường với nhiều thành phần kinh tế; coi trọng quyền cơ bản con người, quyền cơ bản công dân; việc sửa đổi hiến pháp vô cùng nhạy cảm, cần tiến hành nghiêm túc, công khai lấy ý kiến góp ý của toàn dân, v. v...
Nhân dân là chủ thể quyền lực tối cao
Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 28/11/2013, Chủ tịch nước công bố ngày 08/12/2013, có hiệu lực từ ngày 01/01/2014. Đây là bản HIến pháp của thời kỳ đổi mới toàn diện, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế của nước ta trong thời kỳ đổi mới, đồng thời đánh dấu bước phát triển mới của lịch sử lập hiến Việt Nam.
Hiến pháp vừa được thông qua có tên là Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam (sửa đổi) với 11 chương, 120 điều (giảm 1 chương và 27 điều so với Hiến pháp năm 1992) có nhiều điểm mới cả về nội dung và kỹ thuật lập hiến; bố cục hợp lý, chặt chẽ và khoa học, bảo đảm các quy định của Hiến pháp đúng tầm là đạo luật cơ bản, có hiệu lực pháp lý cao nhất, có tính ổn định lâu dài; phản ánh được ý chí, nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân; thể hiện rõ và đầy đủ hơn bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước và chế độ ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; quy định rõ ràng, đúng đắn và đầy đủ về chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, bảo vệ Tổ quốc, tổ chức bộ máy nhà nước, về hiệu lực và quy trình sửa đổi Hiến pháp.
Hiến pháp năm 2013 được thông qua ngày 28/11/2013 là sự kiện có tính chất lịch sử quan trọng của đất nước ta trong thời kỳ mới - thời kỳ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế. Bản Hiến pháp trình Quốc hội thông qua lần này là kết quả của quá trình chuẩn bị công phu, làm việc cần mẫn, tâm huyết, tận tụy, nghiêm túc chắt lọc tinh hoa trí tuệ của toàn dân, tiếp thu ý kiến xác đáng của cử tri trong và ngoài nước, các chuyên gia, nhà khoa học, các ngành, các cấp và cả hệ thống chính trị của các vị đại biểu Quốc hội. Sự ra đời của Hiến pháp cũng nhận được sự ủng hộ, đồng tình của đông đảo bạn bè quốc tế.
Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội Đinh Xuân Thảo nhấn mạnh: Hiến pháp năm 2013 đặc biệt coi trọng quyền lực của Nhân dân. Trong toàn bộ nội dung Hiến pháp, chủ thể Nhân dân được viết hoa trang trọng. 3 nội dung cơ bản của Hiến pháp đều liên quan mật thiết đến Nhân dân: một là, chủ thể Nhân dân được nhắc đến xuyên suốt; hai là, đề cao vị trí con người công dân; ba là, tổ chức quyền lực nhà nước thông qua mối quan hệ giữa các cơ quan trung ương và trung ương với người dân.
Có thể khẳng định: Hiến pháp mới đã phản ánh được ý chí, nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân; thể hiện rõ và đầy đủ hơn bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước và chế độ ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Hội nghị phổ biến Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam đã nhận được sự quan tâm của đông đảo các cán bộ, công chức, viên chức Bộ Công Thương. Rất nhiều câu hỏi xoay quanh nội dung Hiến pháp được các cán bộ công chức đặt ra và đã được PGS. TS Đinh Xuân Thảo giải đáp cụ thể và rõ ràng.
Nguồn: moit.gov.vn