Ngày 11/6/2013, UBND tỉnh Lâm Đồng có QĐ số 1120/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch hỗ trợ phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực và có lợi thế cạnh tranh (SPCNCL) của tỉnh đến năm 2020.


Theo đó, các ngành công nghiệp: Bảo quản và chế biến rau quả; chế biến chè, cà phê chất lượng cao; tinh chế gỗ; khai thác và chế biến khoáng sản, được xác định là ngành công nghiệp chủ lực và có lợi thế cạnh tranh. Mục tiêu đến năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp của các sản phẩm công nghiệp chủ lực chiếm trên 55% giá trị sản xuất công nghiệp; Tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2013-2018, đạt trên 23,5% và đến 2020 đạt tỷ trọng công nghiệp trong GDP của tỉnh trên 30%.

 

Việc hỗ trợ phát triển SPCNCL, bao gồm:Hỗ trợ đầu tư chuyển giao công nghệ và máy móc, thiết bị tiên tiến, gồm: Hỗ trợ lãi suất vốn vay để thực hiện việc đổi mới thiết bị, công nghệ tiên tiến vào sản xuất; Hỗ trợ đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị trong lĩnh vực chế biến nông sản và lâm sản với mức hỗ trợ tối đa 30% chi phí chuyển giao công nghệ tiên tiến; Hỗ trợ có thu hồi từ 5% - 10% giá trị dự án đầu tư máy móc, thiết bị công nghệ tiên tiến (không quá 1 tỷ đồng) để sản xuất SPCNCL dưới dạng cho vay không tính lãi; Hỗ trợ có đối ứng kinh phí xây dựng một số mô hình trình diễn áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp.

 

Việc xây dựng và bảo vệ nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm được hỗ trợ một phần kinh phí đào tạo về thương hiệu, tư vấn thương hiệu, thực hiện các bước trong qui trình xây dựng thương hiệu; hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với các nhãn hiệu SPCNCL.

 

Đối với đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ đào tạo nghề cho đơn vị sản xuất SPCNCL có tổ chức đào tạo mới, đào tạo lại công nhân tại doanh nghiệp theo các quy định hiện hành của tỉnh; hỗ trợ 50% tổng chi phí tổ chức các khóa bồi dưỡng theo chuyên đề; cập nhật kiến thức với thời gian đào tạo không quá 15 ngày; hỗ trợ 50% tổng chi phí tập huấn nâng cao trình độ về áp dụng công nghệ mới và quản lý doanh nghiệp; tập huấn về các tiêu chuẩn chất lượng, khảo sát học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong và ngoài nước về cải tiến và nâng cao năng suất, chất lượng; hỗ trợ 100% kinh phí tập huấn sản xuất sạch hơn cho cán bộ quản lý, kỹ sư và tham quan mô hình trình diễn áp dụng sản xuất sạch hơn trong và ngoài tỉnh theo kế hoạch được duyệt.

 

UBND tỉnh sẽ ưu tiên bố trí đủ nhu cầu về đất theo quy hoạch tại các khu, cụm công nghiệp khi có dự án sản xuất SPCNCL đầu tư mới, đầu tư mở rộng, đầu tư chiều sâu (kể cả dự án kết hợp với di chuyển địa điểm sản xuất) đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.Về xúc tiến thương mại, phát triển thị trường: Hỗ trợ 100% kinh phí cho các công việc thông tin thương mại, tuyên truyền xuất khẩu, tư vấn xuất khẩu; đào tạo nâng cao năng lực và kỹ năng kinh doanh dịch vụ và xuất khẩu cho doanh nghiệp; Hỗ trợ một phần nhưng không vượt quá 50% tổng chi phí thực hiện cho các công việc quảng bá thương hiệu cho SPCNCL xuất khẩu của tỉnh, hỗ trợ chi phí thuê gian hàng để trưng bày tại các hội chợ, triễn lãm trong và ngoài nước theo quy định của Bộ Tài chính; khảo sát tìm kiếm thị trường xuất khẩu trong và ngoài nước để phát triển sản xuất và dịch vụ, ứng dụng phát triển thương mại điện tử phục vụ xuất khẩu theo quy mô, tính chất từng hoạt động được phê duyệt.

 

Hỗ trợ xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, sở hữu trí tuệ: Hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến như ISO 9000, ISO 22000, ISO 14000, HACCP, GAP v.v và các công cụ cải tiến như 5S, 6 sigma, Kaizen, TQM để nâng cao năng suất chất lượng; thực hiện chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy; hướng dẫn tạo lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ; tham gia hội chợ công nghệ thiết bị; hỗ trợ hướng dẫn, đăng ký quyền sở hữu trí tuệ về thương hiệu.

 

TT.