Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam lần thứ 7 đã tập trung thảo luận các nội dung: (i) rà soát tiến độ thực hiện Chương trình hành động CLMV năm 2014 và Chương trình hành động CLMV năm 2015 (CLMV AP 2014 và CLMV AP 2015); (ii) thảo luận và thông qua Chương trình hành động CLMV năm 2016 (CLMV AP 2016); (iii) các đề xuất dự án hợp tác CLMV; và (iv) các biện pháp nâng cao hiệu quả của hợp tác.
Hội nghị đánh giá cao nỗ lực của các nước CLMV trong việc thực hiện các hoạt động hợp tác mặc dù còn nhiều hạn chế về nguồn lực. Tỷ lệ hoàn thành các hoạt động, dự án trong CLMV AP 2014 và CLMV AP 2015 lần lượt đạt 82% và 91%. Riêng CLMV AP 2016, ngoài những lĩnh vực hợp tác thường niên như xúc tiến thương mại, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, các nước đã bổ sung thêm Chương trình hợp tác với Cơ quan Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) về “Hỗ trợ sáng kiến hội nhập ASEAN trong khuôn khổ thị trường chung ASEAN (IAI)” nhằm tạo thuận lợi tự do hóa dịch vụ, đầu tư và di chuyển lao động.
Tại Hội nghị, Trưởng đoàn các nước CLMV đã đánh giá cao sự đóng góp của các nhà tài trợ và mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác và hỗ trợ trong tương lai. Các Trưởng đoàn đã giao cấp kỹ thuật rà soát mục tiêu và phạm vi của các Chương trình hành động trong thời gian tới để phù hợp với Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.
Hội nghị nhất trí chuyển giao cho Lào vai trò chủ trì hợp tác trong khung khổ Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế CLMV năm 2016.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú đã phát biểu đánh giá cao nỗ lực của các nước CLMV trong việc thực hiện các biện pháp để thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) trong năm 2015. Đối với các biện pháp chưa hoàn thành, các nước CLMV cần tiếp tục dành nhiều nỗ lực để tập trung thực hiện. Thứ trưởng đã đề nghị các nước CLMV phối hợp chặt chẽ trong đàm phán RCEP để đảm bảo RCEP mang lại lợi ích thực sự cho các nước CLMV. Về Chương trình hành động CLMV AP 2016, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú đề nghị các nước CLMV cần tích cực hơn trong việc phối hợp, tham gia các hoạt động, dự án do từng nước chủ trì; đề nghị các nước CLMV chủ động phối hợp với Ban Thư ký ASEAN và Cơ quan hợp tác quốc tế Đức (GIZ) để sớm triển khai dự án “Hỗ trợ sáng kiến hội nhập ASEAN trong khuôn khổ thị trường chung ASEAN”.
Về phương hướng hợp tác của các nước CLMV trong thời gian tới, Thứ trưởng nêu 03 thách thức: (i) Việc thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 cần đảm bảo lợi ích của 04 nước CLMV; (ii) Việc thực hiện RCEP trong dài hạn; (iii) Nâng cao khả năng cạnh tranh của các nước CLMV.
Trên cơ sở đó, Thứ trưởng đã đưa ra một số đề xuất: (i) Các nước CLMV cần tiến hành các nghiên cứu tính bổ sung lẫn nhau của nền kinh tế các nước CLMV để xây dựng chiến lược phát triển kinh tế CLMV như một tổng thể; (ii) Các nước CLMV cần trở thành một nhóm nước để phát huy sức mạnh tập thể, tập trung vào các lĩnh vực như đầu tư, du lịch, nông nghiệp, cần trở thành một trung tâm sản xuất nông nghiệp và thủy sản quan trọng của khu vực; (iii) Cần ưu tiên nhiệm vụ thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước ASEAN-6 và cần có cơ chế, tiêu chí cụ thể để theo dõi, đánh giá mức độ triển khai nhiệm vụ này; (iv) Về kết nối giữa các nước CLMV, các nước CLMV đã tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kết nối, trong đó có Hành lang Đông Tây. Trong thời gian tới các nước CLMV cần tận dụng tốt hệ thống hạ tầng kết nối này để hỗ trợ cho các doanh nghiệp CLMV; (v) Các nước CLMV cần khai thác tối đa những lợi ích của thương mại biên giới để phát triển các địa phương vùng biên giới giữa các nước CLMV, thúc đẩy mạnh mẽ việc hình thành các chuỗi cung ứng qua biên giới.
Trưởng đoàn các nước CLM đánh giá cao, chia sẻ và nhất trí với đề xuất của Trưởng đoàn Việt Nam và đề nghị Ban Thư ký ASEAN tìm thêm sự hỗ trợ cho CLMV.
Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương (moit)