Trong khuôn khổ hợp tác nội khối, các Bộ trưởng đã thống nhất việc ASEAN cần nỗ lực cao nhất để triển khai đầy đủ các chương trình, sáng kiến, các cam kết tự do hoá thương mại trong Lộ trình thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015. Cụ thể, các Bộ trưởng đã thống nhất các chương trình, biện pháp cụ thể nhằm ưu tiên thúc đẩy việc thực thi các Hiệp định quan trọng của ASEAN như Hiệp định Thương mại Hàng hoá ASEAN, Hiệp định Đầu tư toàn diện ASEAN và các Gói cam kết thuộc Hiệp định khung về Dịch vụ, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực khác nhằm tạo ra nền tảng vững chắc cho hội nhập kinh tế ASEAN từ nay đến 2015 và các năm sau đó. Đến hết tháng 10 năm 2012, ASEAN đã thực hiện được 74,5% tổng số biện pháp và sáng kiến đề ra trong Kế hoạch tổng thể xây dựng AEC. Việt Nam là một trong số những nước có mức độ hoàn thành cao trong ASEAN. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu tiếp tục khó khăn và thời gian thực hiện AEC còn lại không nhiều, các Bộ trưởng đã đề ra định hướng hoạt động trong thời gian tới bao gồm: i) duy trì động lực tự do hóa và hội nhập kinh tế thông qua tăng cường cam kết về mục tiêu AEC 2015, xác định các ưu tiên nhằm tập trung nguồn lực thực hiện, đi đối với tăng cường giám sát thực hiện; ii) giải quyết các cản trở đối với việc thực hiện đầy đủ cam kết, đặc biệt trong các lĩnh vực dịch vụ, đầu tư, thuận lợi hóa hải quan và giao thông vận tải; iii) thông tin hiệu quả các hoạt động xây dựng AEC, đặc biệt là tích cực thực hiện chương trình truyền thông AEC và phát huy các kênh đối thoại nhằm tăng cường sự tham gia của các bên có liên quan trong tiến trình hội nhập.
Các Bộ trưởng cũng đã thống nhất việc ký kết một số hiệp định quan trọng giữa các nước ASEAN cũng như giữa ASEAN và đối tác, bao gồm:
- Hiệp định ASEAN về Di chuyển thể nhân: Hiệp định này là bước đi đầu tiên tạo khuôn khổ pháp lý cho việc thúc đẩy di chuyển lao động giữa các nước ASEAN.
- Nghị định thư thứ ba sửa đổi Hiệp định khung ASEAN-Trung Quốc về hợp tác kinh tế toàn diện để tạo khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của Ủy ban hỗn hợp thực hiện Hiệp định ACFTA và Nghị định thư bổ sung các biện pháp về rào cản kỹ thuật (TBT) và các biện pháp về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động-thực vật (SPS), tạo thuận lợi hơn cho việc xuất khẩu một số mặt hàng nông sản.
Về hợp tác với các nước ngoài khối, các Bộ trưởng cũng đã thống nhất nội dung trình lên các Nhà Lãnh đạo ASEAN để ra tuyên bố khởi động đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vào ngày 20 tháng 11 năm 2012 nhằm tăng cường hội nhập kinh tế khu vực giữa ASEAN và các nước đối tác: Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Niu Di-lân, Ôtx-trây-lia và Trung Quốc. Đây sẽ là cuộc đàm phán để tiến tới thành lập một khu vực thương mại tự do có quy mô lớn nhất thế giới với sự tham gia của các nước có dân số tổng cộng trên 50% dân số thế giới và có tổng GDP gần 30% GDP toàn cầu. Đây cũng là sáng kiến mang tính tiên phong trong việc hình thành cơ cấu hợp tác kinh tế mới trong khu vực, thể hiện vai trò trung tâm và đi đầu của ASEAN. Bên cạnh đó, các Bộ trưởng cũng đã thống nhất các chương trình hợp tác với các đối tác quan trọng của ASEAN, như Ấn Độ, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, v.v. để trình lên các Nhà Lãnh đạo bàn và thống nhất với các đối tác của ASEAN.
Bên cạnh các cuộc họp chính thức, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cũng đã có một số cuộc gặp và trao đổi với một số đối tác nhằm thúc đẩy các nội dung về hợp tác kinh tế, thương mại trong thời gian tới.
Nguồn: moit.gov.vn