Ngày 16 tháng 10 năm 2014, Cục Công nghiệp địa phương - Bộ Công Thương phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị công tác khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ IX - năm 2014.


Đến dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Đỗ Xuân Hạ - Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương, đồng chí Trương Ngọc Biên - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Yên Bái. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo Cục, lãnh đạo các đơn vị thuộc Cục CNĐP; lãnh đạo Sở, Trung tâm khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp của 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc (từ Hà Tĩnh trở ra).


Tại Hội nghị, đồng chí Phan Văn Bản - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương thay mặt Ban tổ chức báo cáo kết quả hoạt động công tác khuyến công năm 2013 và 9 tháng đầu năm 2014. Theo đó, tổng kinh phí khuyến công thực hiện năm 2013 của cả nước là 215,668 tỷ đồng (đạt 90,84% kế hoạch); trong đó, kinh phí khuyến công quốc gia với 232 đề án là 75,421 tỷ đồng (chiếm 35% tổng kinh phí thực hiện), kinh phí khuyến công địa phương là 140,247 tỷ đồng (chiếm 65% tổng kinh phí thực hiện của cả nước).


Tổng kinh phí khuyến công thực hiện năm 2013 của 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc là 106,128 tỷ đồng (chiếm 49,21% tổng kinh phí của cả nước). Trong đó, kinh phí khuyến công quốc gia là 46,549 tỷ đồng, kinh phí khuyến công địa phương là 59,578 tỷ đồng.Qua 9 tháng đầu năm 2014, tổng kế hoạch kinh phí khuyến công của 28 tỉnh, thành phố được phê duyệt là 98,911 tỷ đồng, giảm 13,95% so với năm 2013. Trong đó, khuyến công quốc gia hỗ trợ là 47,53 tỷ đồng (chiếm 54% tổng kinh phí khuyến công quốc gia của cả nước, 48% kinh phí của toàn khu vực), kinh phí khuyến công của 26/28 địa phương đã phê duyệt là 51,38 tỷ đồng. Còn 02/28 tỉnh chưa phân bổ kinh phí khuyến công địa phương là Lai Châu và Điện Biên. Công tác tư vấn phát triển công nghiệp của 22/28 Trung tâm của các tỉnh, thành phố trong khu vực qua 9 tháng đầu năm 2014 đạt doanh thu 11,273 tỷ đồng với 390 dự án được tư vấn. Nội dung hoạt động tư vấn công nghiệp chủ yếu trong các lĩnh vực: xây lắp điện, tiết kiệm năng lượng, lập quy hoạch chi tiết CCN, giám sát công trình xây dựng...


Tại Hội nghị, đại diện Lãnh đạo Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công các tỉnh: Thái Bình, Quảng Ninh, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Giang, Ninh Bình… và đại diện một số doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn được hưởng lợi từ Chương trình Khuyến công quốc gia đã tham gia phát biểu tham luận. Các ý kiến chủ yếu tập trung vào việc cải cách một số thủ tục hành chính, hướng dẫn việc lập hồ sơ đề án, thủ tục thanh quyết toán, định mức kinh phí hỗ trợ, đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền, hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng cho các cụm công nghiệp…


Thừa ủy quyền của Lãnh đạo Bộ Công Thương, đồng chí Đỗ Xuân Hạ - Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương thay mặt Ban tổ chức Hội nghị đã phát biểu và đánh giá cao những ý kiến tham luận rất sôi nổi của các đại biểu và biểu dương nỗ lực phấn đấu của Trung tâm Khuyến công thuộc 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, đồng chí nhấn mạnh: để thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ, các Trung tâm Khuyến công ở địa phương cần tăng cường hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn lập Đề án khuyến công quốc gia và quy định cụ thể về thời gian nộp các đề án để Cục CNĐP thẩm định, trình Bộ Công Thương sớm phê duyệt kế hoạch kinh phí khuyến công quốc gia hàng năm.


Kết thúc Hội nghị, Ban tổ chức đã trao Cờ luân lưu cho Sở Công Thương tỉnh Hưng Yên để tổ chức Hội nghị công tác khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ X, năm 2015.

 


Lê Thủy (ARID)