Theo Báo cáo, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn 9 tháng đầu năm 2012 giá trị sản xuất công nghiệp toàn Vùng vẫn đạt được 107.224,4 tỷ đồng tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2011(chỉ số sản xuất công nghiệp cả nước 8 tháng tăng 4,7%). Một số tỉnh trong Vùng duy trì được tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp cao hơn so với cùng kỳ năm 2011 như: Hậu Giang (tăng 33,17%), Tiền Giang (tăng 21%), Bến Tre (tăng 20,8%), Long An (tăng 15,03%)....
9 tháng đầu năm 2012, tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn Vùng ước đạt 7.237,4 triệu USD, tăng 6,33% so với cùng kỳ năm trước. Một số tỉnh có giá trị kim ngạch xuất khẩu cao như: Long An (1.721,8 triệu USD), Cần Thơ (912 triệu USD), Tiền Giang (686 triệu USD).... Hoạt động xúc tiến thương mại tiếp tục được tăng cường, đã tạo ra cơ hội thuận lợi để người tiêu dùng lựa chọn sử dụng hàng Việt có chất lượng, giá cả cạnh tranh, đồng thời tạo được điều kiện để doanh nghiệp giữ vững và mở rộng thị trường nội địa,vươn ra thị trường thế giới. Công tác xúc tiến thương mại thông qua các hội chợ quốc tế, các đoàn khảo sát thị trường đã hỗ trợ tốt cho các địa phương.
Ngoài ra, theo số liệu báo cáo của các sở Công Thương, đến hết tháng 6 năm 2012 toàn vùng có xấp xỉ 79 nghìn doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 204 doanh nghiệp so với năm 2011, số doanh nghiệp mới thành lập là gần 1800 doanh nghiệp, số doanh nghiệp phá sản 955 doanh nghiệp, ngừng hoạt động khoảng 92 doanh nghiệp. Nhìn chung, tình hình hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) gặp nhiều khó khăn do tài chính của DNNVV yếu kém, có ít tài sản thế chấp, lãi suất vay đang ở mức cao, khó tiếp cận, thời hạn vay vốn ngắn, giá cả biến động khó dự báo ..v..v.
Tại hội nghị các địa phương đã nêu lên những khó khăn của mỗi tỉnh nhưng tựu chung lại là khó khăn trong xuất khẩu gạo, thuỷ hải sản, việc tiếp cận nguồn kinh phí xúc tiến thương mại quốc gia về tổ chức các phiên chợ Việt, quản lý các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trong mỗi dịp tăng giá, v.v… Nhất là việc tiếp cận vốn của các doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Tại Hội nghị, những khó khăn, vướng mắc của các địa phương thuộc về Bộ đã được đại diện các vụ, cục bộ Công Thương trả lời thấu đáo. Tuy nhiên để giải quyết triệt để, Bộ sẽ tổng hợp các ý kiến để đưa ra các giải pháp chỉ đạo cụ thể cùng các địa phương tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng bộ Công Thương Nguyễn Nam Hải yêu cầu các Sở Công Thương tiếp tục triển khai thực hiện một cách quyết liệt hơn Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2012 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012; Quyết định số 443/QĐ-BCT ngày 18 tháng 01 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc ban hành Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP; Chỉ thị số 13/CT-BCT ngày 17 tháng 8 năm 2012 về việc thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Các Sở, Ngành tăng cường công tác tham mưu cho Uỷ ban nhân dân Tỉnh và phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, Ngành liên quan kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về vốn, tín dụng, giá nguyên vật liệu, giải phóng mặt bằng, cấp điện, xuất nhập khẩu, thị trường tiêu thụ sản phẩm,…giúp doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, khai thác tối đa năng lực sản xuất. Tập trung thực hiện nhiệm vụ khuyến công để đẩy mạnh phát triển công nghiệp nông thôn. Có cơ chế, chính sách thích hợp thu hút và đào tạo nguồn nhân lực cả về lao động khoa học kỹ thuật và lao động có tay nghề. Tận dụng tối đa lợi thế nguồn nguyên liệu từ nông, lâm, hải sản để tập trung phát triển các ngành công nghiệp chế biến sâu, các ngành công nghiệp có hàm lượng cao để chế biến nông, lâm, hải sản, đồng thời hướng mạnh vào xuất khẩu. Tiếp tục triển khai chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu vùng xa, từng bước nâng cao ý thức, trách nhiệm đối với hàng Việt Nam và thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động. Quan tâm xây dựng chợ như: chợ truyền thống, chợ nông thôn mới, siêu thị, trung tâm thương mại... đặc biệt là chợ xã. Các địa phương cần xây dựng cơ chế và triển khai hợp tác để đẩy mạnh liên kết vùng trong các lĩnh vực chủ yếu như: xây dựng vùng nguyên liệu, phát triển công nghiệp chế biến, phối hợp trong việc mở rộng thị trường; xây dựng các công trình xử lý chất thải rắn, hệ thống cấp nước, chợ đầu mối... quy mô vùng. Ngoài ra, các Sở Công Thương tiếp tục trao đổi, học tập kinh nghiệm trong các mặt công tác như: xúc tiến đầu tư, khuyến công, quản lý thị trường;... và đặc biệt là liên kết với các hiệp hội, doanh nghiệp...
AIP