Ngày 19/10/2012, tại TP. Đà Nẵng, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị giám đốc sở Công Thương các tỉnh, thành phố vùng Duyên hải miền Trung. Tham dự Hội nghị có Phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Phùng Tấn Viết; Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Nam Hải; đại diện Lãnh đạo Cục CNĐP ông Phan Văn Bản; đại diện một số Cục, Vụ thuộc Bộ Công Thương cùng các Giám đốc, Phó Giám đốc các Sở Công Thương trong khu vực.


Theo Báo cáo được trình bày tại Hội nghị, tính chung 9 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp của 9/11 Sở (không tính Quảng Trị và Bình Định), ước đạt 71.921,6 tỷ tăng 10,85% so với cùng kỳ năm 2011.Toàn vùng có 5/11 tỉnh có tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp khá là Phú Yên (tăng 15,72%), tiếp theo là Bình Thuận (tăng 14,67%), Quảng Nam (tăng 14,38%), Quảng Trị (chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 11,89%), Thừa Thiên Huế (tăng 11,01%); Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, đúng định hướng đã đề ra. Cơ cấu ngành công nghiệp cũng chuyển dịch theo hướng hiệu quả hơn, chuyển dần từ những ngành sử dụng nhiều lao động, giá trị gia tăng thấp sang những ngành mới có giá trị gia tăng cao, hàm lượng công nghệ lớn, sử dụng ít tài nguyên và thân thiện với môi trường; Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ của toàn Vùng 9 tháng đầu năm 2012 ước đạt 205.028 tỷ đồng, tăng 20,18% so với cùng kỳ năm 2011, cao hơn bình quân cả nước (cả nước tăng 17,3%).; Hoạt động xuất nhập khẩu trong vùng mặc dù còn chiếm tỷ trọng nhỏ so với cả nước nhưng tiếp tục duy trì và tăng trưởng. Chín tháng đầu năm 2012, tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn Vùng đạt 3.385 triệu USD, tăng 23,54% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng bình quân cả nước (cả nước ước đạt hơn 83,78 tỷ USD, tăng 18,9% so với cùng kỳ).;tổng kim ngạch nhập khẩu của toàn Vùng 9 tháng năm 2012 đạt 2.822 triệu USD, bằng 52,25%  cùng kỳ năm trước (cả nước tăng 6,58%). Nhìn chung, kim ngạch nhập khẩu giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước do nhập khẩu dầu thô giảm mạnh, cán cân thương mại được cải thiện.Về công tác quản lý nhà nước: Các mặt hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực công thương đã được triển khai tích cực và đồng bộ. Các Sở Công Thương trong khu vực đã chủ động phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị liên quan thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, xuất khẩu… để nâng cao năng lực sản xuất của ngành; Công tác liên kết vùng: Sở Công Thương các tỉnh đã tích cực trong công tác liên kết thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư trong vùng như: tổ chức và tham gia hội chợ, triển lãm tại các tỉnh, thành phố; tham gia hội thảo, hội nghị và các hoạt động xúc tiến thương mại trong nước và ngoài nước.   


Bên cạnh những kết quả đạt được, vùng Duyên hải miền Trung cũng còn có một số hạn chế cần quan tâm khắc phục để tiếp tục phát huy lợi thế của vùng về công nghiệp và thương mại, cụ thể: Cơ cấu kinh tế công nghiệp và cơ cấu cơ cấu ngành công nghiệp tuy có sự chuyển biến tích cực, đúng định hướng nhưng còn chậm so với yêu cầu phát triển. Quy mô nền kinh tế của phần lớn các tỉnh còn nhỏ bé, sức cạnh tranh thấp, tỷ lệ lao động nông nghiệp còn cao. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển, nhất là giao thông. Chất lượng nguồn nhân lực thấp, mức độ ứng dụng khoa học - kỹ thuật còn hạn chế, bị động trong bối cảnh hội nhập quốc tế; Hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp đang hoạt động còn nhiều yếu kém, chưa được đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh; chưa thật sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư,...


Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng bộ Công Thương Nguyễn Nam Hải ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của các Sở Công Thương, giao Cục Công nghiệp địa phương và các đơn vị liên quan thuộc Bộ tiếp tục phối hợp chặt để hướng dẫn, hỗ trợ các Sở Công Thương thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực công thương trên địa bàn. Thứ trưởng đề nghị các Sở Công Thương có kế hoạch, chương trình hành động tiếp tục triển khai thực hiện một cách quyết liệt hơn Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2012 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012; Quyết định số 443/QĐ-BCT ngày 18 tháng 01 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc ban hành Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP; Chỉ thị số 13/CT-BCT ngày 17 tháng 8 năm 2012 về việc thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các quy hoạch đã được phê duyệt, rà soát, bổ sung điều chỉnh quy hoạch tổng thể về công nghiệp, quy hoạch điện lực, quy hoạch phát triển hạ tầng thương mại... cho phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2015 tầm nhìn 2020; các Sở, Ngành tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với ngành công thương, tham mưu cho Uỷ ban nhân dân các tỉnh và phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, Ngành liên quan kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về vốn, tín dụng, giá nguyên vật liệu, tiêu thụ hàng tồn kho, giải phóng mặt bằng, cấp điện, xuất nhập khẩu, thị trường tiêu thụ sản phẩm…, nhất là các dự án trọng điểm nhằm tiếp tục đẩy mạnh sản xuất công nghiệp và xuất khẩu hàng hóa với tốc độ cao để bảo đảm tăng trưởng sản xuất công nghiệp và tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu phấn đấu đạt và vượt mức kế hoạch.



AIP