Thực hiện Nghị quyết 13 của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, hôm nay ngày 4-10-2012, Bộ Công Thương đã tổ chức hội nghị Giám đốc Sở công thương các tỉnh, thành phố vùng Tây Nguyên tại thành phố Buôn Ma Thuột – Tỉnh Đắc Lắc.


Hội nghị do Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Nam Hải chủ trì, nhằm đánh giá hoạt động ngành Công Thương 5 tỉnh thời gian qua và tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trên địa bàn. Tham dự Hội nghị có Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương Đỗ Xuân Hạ, phó cục trưởng Cục Công nghiệp dịa phương Phan Văn Bản cùng các lãnh đạo các Cục, Vụ của Bộ Công Thương. Về phía địa phương có Phó chủ tịch uỷ ban nhân dân tỉnh Đắc Lắc Y Dham ENuôi và giám đốc, doanh nghiệp các sở Công thương Đắc Lắc, Đắc Nông, Lâm Đồng, Kon Tum và Gia Lai.


Theo báo cáo, 9 tháng đầu năm 2012 chỉ số sản xuất công nghiệp của các vùng Tây Nguyên tăng 21% so với cùng kỳ năm 2011. Một số tỉnh trong Vùng vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá cao như Lâm Đồng ( 27,72%), Đắc Nông (tăng 17,42%), Kon Tum (17,2%), Gia Lai (16,1%), Đắc Lắc (12,2%). Một số mặt hàng thuộc nhóm sản phẩm công nghiệp có thế mạnh của Vùng có số lượng tăng khá so với cùng kỳ như: bentonite, cao lanh, cát tự nhiên, chè, cà phê bột, hạt điều chế biến, chế biến gỗ, sản phẩm may mặc.....Về hoạt động thương mại, trong 9 tháng đầu năm 2012 tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ toàn vùng Tây Nguyên ước đạt 76.675 tỷ đồng, tăng 22,97% so với cùng kỳ năm 2011. Một số tỉnh có mức lưu chuyển hàng hoá và doanh thu dịch vụ cao là Đắc Lăk (26.936 tỷ đồng), Lâm Đồng (23.142 tỷ đồng), Gia Lai ( 16.047 tỷ đồng), Đắc Nông (6.015 tỷ đồng) …. Về Xuất khẩu trong 9 tháng đầu năm 2012 tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn Vùng đạt 1,56 tỷ USD, tăng 10,53% so với cùng kỳ năm trước. Đứng đầu xuất khẩu toàn vùng là Đắc Lăk đạt 570 triệu USD, Đắc Nông đạt 426 triệu USD, Gia Lai đạt 325 triệu USD. Bên cạnh đó hoạt động xúc tiến thương mại đã và đang được các tỉnh trong Vùng quan tâm, nhất là sự phối hợp tốt giữa các tỉnh trong việc cung cấp, trao đổi thông tin về tình hình xuất nhập khẩu nông sản qua các cửa khẩu như các tỉnh Gia Lai ( Lệ Thanh), Kontum (Bờ Y), Đắc Lăk ( Đắc ruê) và Đắc Nông ( Đắc per, Bup' rang) . Nhiều hoạt động xúc tiến thương mại đã được các địa phương triển khai tốt như tổ chức phân phối hàng Việt tại cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh Đức Cơ, tổ chức phiên chợ Việt đến các khu vực vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa huyện Sa Thầy tỉnh Kon Tum.... Ngoài ra công tác quản lý thị trường cũng được các tỉnh chú trọng triển khai trong 9 tháng từ đó kịp thời đề xuất các biện pháp cụ thể để xử lý những vấn đề nhạy cảm xảy ra trên địa bàn nhất là các tỉnh có đường biên giới như công tác chống buon lậu, vận chuyển hàng hoá trái phép qua biên giới, công tác chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng cũng như làm tốt công tác phối hợp trong phòng chống dịch bệnh và kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm được triển khai thực hiện tốt trên thị trường nội địa. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đã đạt được của Vùng, vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục như quy mô sản xuất công nghiệp các tỉnh trong Vùng còn nhỏ, hạ tầng công nghiệp, thương mại còn yếu kém, công tác khuyến công, xúc tiến thương mại và đầu tư còn hạn chế. Ngoài ra hoạt động khai thác khoáng sản chưa được quản lý triệt để do đó cần những chính sách cụ thể để đưa hoạt động này vào sự quản lý chặt chẽ của nhà nước.


Tại hội nghị các địa phương vùng Tây nguyên đều có những đề xuất tương đối giống nhau đó là đề nghị Bộ Công Thương có ý kiến với ngân hàng nhà nước về việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong vấn đề vay vốn cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vay vốn vì đến thời điểm này các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn không còn đủ hội tụ những điều kiện của ngân hàng để có thể vay được vốn ưu đãi hay các doanh nghiệp xuất khẩu được vay vốn bằng ngoại tệ để giảm đỡ lãi suất của ngân hàng. Ngoài ra vấn đề truyền tải điện đến vùng sâu vùng xa cũng cần được nhà nước quan tâm, như vấn đề giá mua bán điện của các doanh nghiệp thuỷ điện vừa và nhỏ cũng cần có cơ chế hỗ trợ để các doanh nghiệp đầu tư vào thuỷ điện vừa và nhỏ có đủ kinh phí vận hành và trang trải được chi phí vay ngân hàng...


Tổng hợp những ý kiến của các địa phương, các Vụ, Cục của Bộ công Thương trong thẩm quyền của mình cũng đã trả lời ngay những khúc mắc của các địa phương. Ngoài ra những vấn đề địa phương thắc mắc không nằm trong thẩm quyền, Cục công nghiệp địa phương sẽ có trách nhiệm tổng hợp những khúc mắc chuyển cho các đơn vị chức năng trong Bộ để trả lời địa phương.


Kết luận hội nghị thứ trưởng Nguyễn Nam Hải đã phát biểu: Bộ Công Thương rất quan tâm đến việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp các địa phương, trong thẩm quyền của của mình Bộ sẽ chỉ đạo sát sao các Cục, Vụ tạo điều kiện tối đa cho các địa phương trong điều hành hoạt động Công thương. Ngoài ra Bộ Công thương sẽ kiến nghị Chính phủ cũng như các Bộ, ngành khác phối hợp trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Thứ trưởng cũng yêu cầu các địa phương cần Liên kết vùng để đẩy mạnh các hoạt động phối hợp, hợp tác phát triển giữa các địa phương trong việc thu hút đầu tư theo hướng chuyên môn hóa, phối hợp chặt chẽ nhằm khai thác tiềm năng và thế mạnh của từng địa phương trong công tác quy hoạch, xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, khai thác hiệu quả các nguồn lực để phát triển nhanh và bền vững. Bên cạnh đó cần tăng cường triển khai các hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại nhằm khuyến khích, hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong Vùng giảm bớt khó khăn, tạo điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm lợi thế của các địa phương .

 

Lê Hùng (AIP)