Hội nghị được tổ chức nhằm đưa ra các giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp công nghiệp và thương mại trong vùng. Đến dự Hội nghị có các đồng chí lãnh đạo Sở công thương các tỉnh, thành phố thuộc vùng Đông Nam bộ
Theo báo cáo được trình bày tại Hội nghị, những tháng đầu năm 2012, trong bối cảnh có nhiều khó khăn: thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, hàng tồn kho nhiều, sức mua yếu, nhiều doanh nghiệp thiếu vốn đầu tư sản xuất, giá cả hàng hoá biến động tăng, nhất là các mặt hàng xăng dầu, điện, than... đã ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất kinh doanh, đầu tư mở rộng sản xuất của doanh nghiệp và tiêu dùng trong Vùng. Bên cạnh những sản phẩm có mức tăng trưởng khá, vẫn còn một số sản phẩm vốn được coi là thế mạnh của vùng lại có sự giảm sút đáng kể như: lốp hơi dùng cho xe máy, xe đạp; đá phiến; đèn compac; chăn mền; bê tông tươi; phân NPK; thuốc lá sợi; xi măng; phôi thép; hạt điều nhân,...Một số sản phẩm công nghiệp chế biến có mức tồn kho tăng cao.
Các khó khăn tồn tại trên của doanh nghiệp trong vùng được xác định bởi các nguyên nhân: do nhu cầu trong và ngoài nước suy giảm do những khó khăn chung của kinh tế thế giới và trong nước, thị trường bị thu hẹp gây khó khăn cho việc tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, những khó khăn nội tại của kinh tế cả nước (sức mua thấp, lãi suất cao, doanh nghiệp khó vay vốn,…) vẫn tiếp tục tác động bất lợi đến sản lượng sản xuất công nghiệp. Tồn kho tăng cao, thiếu đơn hàng đã tác động đến sản xuất, khiến cho doanh nghiệp thu hẹp sản xuất. Mặc dù các ngân hàng đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay với mới và nợ cũ xuống dưới 15%/năm nhưng vẫn còn nhiều thủ tục vướng mắc, các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn khó tiếp cận vốn; Thực trạng công nghiệp phụ trợ trong nước chưa phát triển, hơn 70% nguyên phụ liệu phải nhập khẩu với chi phí cao, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu chịu phụ thuộc lớn (cả về lượng và giá) vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu; những mặt hàng xuất khẩu của các địa phương thường là những mặt hàng thô hoặc những sản phẩm gia công, giá trị gia tăng thấp nên kim ngạch xuất khẩu không cao; trong khi lại nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên, nhiên, phụ liệu,…là những sản phẩm công nghiệp hoàn chỉnh, có giá cao, đã tạo áp lực lớn lên cán cân thương mại, tăng nhu cầu ngoại tệ trong dài hạn; đồng thời làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa, doanh nghiệp trong nước; Tình trạng hàng giả, hàng nhái nhãn hiệu, hàng kém chất lượng còn trà trộn trên thị trường,...
Trước thực trạng trên, Hội nghị đã dành nhiều thời gian tập trung thảo luận các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp công và thương mại trong vùng, các giải pháp được thống nhất thực hiện trong thời gian tới, cụ thể: Các địa phương trong vùng tiếp tục quán triệt Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 03/01/2012, của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012 và Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10/5/2012 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường; Tăng cường đẩy mạnh công tác liên kết vùng nhằm phát huy tiềm năng thế mạnh của các địa phương trong vùng, tránh đầu tư chồng chéo; Tiếp tục tập trung mọi nỗ lực để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý; triển khai thỏa thuận hợp tác giữa các địa phương trong vùng giai đoạn 2012-2015; tăng cường công tác điều phối cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường, công tác quy hoạch thương mại, thương mại điện tử, bảo vệ người tiêu dùng; phối hợp công tác xây dựng và triển khai các chương trình bình ổn thị trường; thực hiện chính sách hỗ trợ, trợ giúp danh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn thuận lợi hơn; thực hiện chính sách tháo gỡ khó khăn về mặt bằng sản xuất cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp.
AIP