Theo báo cáo được trình bày tại Hội nghị, những tháng đầu năm 2012, trong bối cảnh có nhiều khó khăn: thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, hàng tồn kho nhiều, sức mua yếu, nhiều doanh nghiệp thiếu vốn đầu tư sản xuất, giá cả hàng hoá biến động tăng, nhất là các mặt hàng xăng dầu, điện, than... đã ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất kinh doanh, đầu tư mở rộng sản xuất của doanh nghiệp và tiêu dùng trong Vùng. Bên cạnh những sản phẩm có mức tăng trưởng khá, vẫn còn một số sản phẩm vốn được coi là thế mạnh của Vùng lại có sự giảm sút đáng kể. Một số sản phẩm có mức tồn kho tăng cao như: phân bón hóa học hỗn hợp, sản phẩm quả và hạt chế biến, bia đóng chai, thuốc lá đầu lọc, chỉ khâu các loại, đồ uống không cồn, bột giấy, giấy và bìa, xi măng... Nguyên nhân trực tiếp là nhu cầu trong và ngoài nước suy giảm do những khó khăn chung của kinh tế thế giới và trong nước, thị trường bị thu hẹp gây khó khăn cho việc tiêu thụ sản phẩm. Vùng Trung du miền núi phía Bắc là khu vực có địa hình rất hiểm trở, giao thông đi lại không thuận lợi, xa các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, vốn đầu tư, hỗ trợ, khuyến khích cho phát triển công nghiệp quá thấp; môi trường đầu tư, phát triển công nghiệp còn hạn chế. Mặt khác các doanh nghiệp trên địa bàn chủ yếu là doanh nghiệp với quy mô nhỏ (ngoại trừ một số doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản); phần lớn các địa phương chưa thành lập được quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ ... nên các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh.
Trước thực trạng trên, Hội nghị đã dành nhiều thời gian tập trung thảo luận các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp công và thương mại trong vùng, các giải pháp được thống nhất thực hiện trong thời gian tới, cụ thể: Các địa phương trong vùng tiếp tục quán triệt Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 03/01/2012, của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012 và Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10/5/2012 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường; tiếp tục tập trung mọi nỗ lực để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý theo Chỉ thị số 13/CT-BCT ngày 17/8/2012 của Bộ Công Thương. Triển khai thực hiện tốt chính sách ưu đãi thuế đối với tổ chức cá nhân theo Nghị quyết số 8/2011/QH13 ngày 6/8/2011 của Quốc hội; đảm bảo hoàn thành các đề án khuyến công được giao đúng tiến độ, sử dụng kinh phí hỗ trợ đúng mục đích, chế độ cũng như các quy định khác về quản lý hoạt động khuyến công. Nâng cao năng lực hoạt động của các Trung tâm Khuyến công để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; kiến nghị các ngân hàng thương mại trên địa bàn tăng cường huy động vốn, tạo điều kiện cho các DN vay vốn theo hạn mức cũ và lãi suất vay hợp lý, nhất là ưu tiên các DN, dự án thuộc lĩnh vực chế biến nông, lâm sản xuất khẩu; công trình, dự án cơ khí, sắt thép ảnh hưởng đến việc làm của nhiều người lao động; sản xuất vật liệu xây dựng,...
Bên cạnh đó các địa phương trong vùng cần triển khai đồng bộ giải pháp hỗ trợ hệ thống doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thương mại dịch vụ theo Quy hoạch, đặc biệt chú trọng phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại trọng điểm. Phối hợp tốt phát triển cơ sở hạ tầng thương mại dịch vụ và cửa khẩu, tạo môi trường thông thoáng trong lưu thông hàng hoá xuất khẩu, cải tiến các thủ tục thông quan, hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các thủ tục liên quan trong xuất khẩu và hưởng các ưu đãi thuế quan trong hội nhập quốc tế; chú trọng công tác hỗ trợ đầu tư xây dựng chợ theo kế hoạch; ưu tiên phát triển các mô hình Thương mại dịch vụ tiên tiến, hiện đại; thiết lập hệ thống phân phối, điều tiết hàng hoá cơ bản từ trung tâm tới các huyện, xã; xúc tiến tìm kiếm mở rộng thị trường; khuyến khích đưa hàng Việt về nông thôn và các Vùng sâu Vùng xa, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước.
AIP