Hội nghị đã dành nhiều thời gian thảo luận các nội dung của báo cáo hoạt động khuyến công 9 tháng đầu năm 2012; nhiệm vụ và giải pháp để hoàn thành kế hoạch khuyến công các tháng cuối năm 2012; đề xuất các giải pháp nhằm đổi mới nâng cao chất lượng công tác xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện kế hoạch khuyến công.
Theo báo cáo được trình bày tại Hội nghị. Hoạt động khuyến công tại các tỉnh, thành phố khu vực miền Nam vẫn duy trì, phát triển. Kế hoạch kinh phí khuyến công năm 2012 được duyệt của 20 tỉnh, thành phố khu vực miền Nam là 77,228 tỷ đồng (năm 2011 là 42,250 tỷ đồng), tăng 82,78% so với năm 2011, chiếm 35,89% tổng kinh phí khuyến công cả nước; Kinh phí khuyến công bình quân một tỉnh đạt 3,861 tỷ đồng/tỉnh, cao hơn mức bình quân chung của cả nước (3,418 tỷ đồng/tỉnh), một số nội dung hoạt động khuyến công có mức tăng trưởng cao so với năm 2011: Đào tạo nghề, truyền nghề tăng 66,72%, Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học kỹ thuật 84,46%, nâng cao năng lực quản lý và tổ chức thực hiện tăng 112,88%,...
Trong 9 tháng đầu năm 2012, đã giải ngân được 35,921 tỷ đồng, đạt 46,47% kế hoạch; công tác khuyến công từng bước khẳng định vai trò, vị thế trong việc thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn; góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế - lao động ở nông thôn; tạo việc làm tăng thu nhấp, đẩy mạnh xoá đói giảm nghèo và phát triển đời sống văn hoá - xã hội ỏ nông thôn.
Hoạt động khuyến công đã góp một phần tích cực vào thực hiện kế hoạch sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở các địa phương. Tham gia góp phần tích cực trong triển khai thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước như: Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03/01/2012 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu trong chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012; Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển đất nước 5 năm 2011-2015; Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2012 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường.
Các Trung tâm khuyến công và TVPTCN đã được quan tâm kiện toàn, củng cố và đầu tư cơ sở vật chất, tăng biên chế: số lượng biên chế toàn vùng tăng 3,5%; hoạt động tư vấn phát triển công nghiệp tăng cả về số lượng và chất lượng. Số lượng Trung tâm triển khai hoạt động tư vấn phát triển công nghiệp ngày càng tăng. Đã góp phần quan trọng trong nâng cao năng lực cho các Trung tâm Khuyến công và TVPTCN.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Cục trưởng Cục CNĐP ông Đỗ Xuân Hạ biểu dương, đánh giá cao sự nỗ lực phấn đấu của các Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công thuộc 20 tỉnh, thành phố khu vực miền Nam về hoạt động khuyến công năm 2011 và 9 tháng đầu năm 2012, đồng thời ghi nhận những đề xuất tại Hội nghị để trình Chính phủ và Bộ Công Thương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện cơ chế chính sách, khung pháp lý về khuyến công. Bên canh đó, Cục trưởng cũng nêu ra các giải pháp chủ yếu để các địa phương thực hiện nhiệm vụ kế hoạch khuyến công năm trong thời gian tiếp theo, cụ thể: Các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án khuyến công, phấn đấu hoàn thành kế hoạch khuyến công năm 2012 được giao; Ở cả Trung ương và địa phương cần tập trung rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động khuyến công của địa phương phù hợp với quy định của NĐ 45/2012/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2012 của Chính phủ về khuyến công; tập trung hoàn thành công tác tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định số 136/2007/QĐ-TTg và xây dựng Chương trình khuyến công quốc gia và địa phương giai đoạn 2013-2020; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến chính sách khuyến công trên các phương tiện thông tin đại chúng với các phương thức phong phú, đa dạng, làm cho mọi người nắm được và tham gia chương trình; phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ khuyến công để khẳng định vai trò, tầm quan trọng của hoạt động khuyến công trong khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn; góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa- hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
TT-ĐT (AIP).