Vừa qua, tại thành phố Vũng Tàu diễn ra Hội nghị khuyến công các tỉnh phía Nam. Theo báo cáo tại Hội nghị, giai đoạn 2005-2009, tổng kinh phí từ ngân sách cho hoạt động khuyến công của 21 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam là 78,085 tỷ đồng, chiếm 19,92% tổng kinh phí khuyến công cả nước.


Hoạt động khuyến công đã dần khẳng định được vai trò, tầm quan trọng trong khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn; góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa- hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Với tổng kinh phí hỗ trợ cho chương trình đào tạo nghề, truyền nghề là 22.962,98 triệu đồng (chiếm 29,41%), toàn vùng đã tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề và tạo việc làm cho 67.471 lao động nông thôn. Trong đó có nhiều đề án đào tạo nghề cho lao động vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người và lao động sản xuất nông nghiệp bị thu hồi đất do quá trình công nghiệp hoá và đô thị hoá. Hỗ trợ tổ chức đào tạo nâng cao năng lực quản lý cho 3.826 lượt chủ DN, tổ chức 50 lớp đào tạo, tập huấn về khởi sự doanh nghiệp cho 2.264 lượt học viên, tổ chức 73 đoàn tham quan khảo sát học tập kinh nghiệm cho 1.200 lượt chủ các cơ sở CNNT, cán bộ khuyến công, cán bộ quản lý công nghiệp. Tổ chức 81 Hội thảo, Hội nghị tập huấn chuyên đề phục vụ phát triển công nghiệp nông thôn. Tư vấn, hỗ trợ lập dự án đầu tư, kế hoạch sản xuất kinh doanh cho 77 cơ sở công nghiệp nông thôn. Cả vùng đã hỗ trợ xây dựng 200 mô hình trình diễn kỹ thuật, ứng dụng máy móc thiết bị, chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, tập trung chủ yếu ở các ngành nghề: cơ giới hoá sản xuất tiểu thủ công nghiệp; chế biến nông, lâm, thuỷ sản; sản xuất, gia công, sửa chữa cơ khí phục vụ nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt, từ nguồn kinh phí hỗ trợ là 19.956,42 triệu đồng, đã thu hút được vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tham gia thực hiện chương trình là 438.475 triệu đồng; trung bình cứ 1 đồng vốn từ ngân sách nhà nước thu hút được 22 đồng vốn đầu tư của cơ sở CNNN.


Ông Nguyễn Đình Hoàng Long, Cục trưởng, Cục CNĐP "Khuyến công đã góp phần vào công cuộc xoá đói giảm nghèo, phát triển đời sống văn hoá- xã hội ở nông thôn, đặc biệt ở những vùng kinh tế khó khăn...".

Bên cạnh đó, hàng loạt chương trình được hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công đem lại hiệu quả kinh tế xã hội khá cao. Trong khu vực đã có 152 cơ sở CNNT được tư vấn, hỗ trợ hưởng chính sách ưu đãi trong thuê đất, miền giảm tiền thuê đất. 89 cụm CN-TTCN và làng nghề được hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết và đầu tư kết cấu hạ tầng. 1.907 cơ sở, doanh nghiệp được tư vấn về các chính sách ưu đãi tín dụng, thời gian sử dụng đất và khấu hao tài sản, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. 1.289 cơ sở được tiếp cận, thụ hưởng từ chính sách công nghệ tự động hoá, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin...


Nội dung hoạt động khuyến công ngày càng phong phú, đa dạng với nhiều nội dung mới được thực hiện phù hợp với nhu cầu của các doanh nghiệp. Nhiều đơn vị đã xây dựng, triển khai thực hiện được các đề án khuyến công có chất lượng, có tính trọng tâm, trọng điểm. Theo đánh giá tại Hội nghị, trong 5 năm qua, công tác khuyến công tại 21 tỉnh, thành phố Khu vực phía Nam đã đạt được những thành tựu nhất định, dần khẳng định được vai trò quan trọng trong khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn, đặc biệt trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội đáng kể, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế - lao động ở nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần phát triển đời sống văn hóa xã hội ở nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Khuyến công đã góp phần vào công cuộc xoá đói giảm nghèo, phát triển đời sống văn hoá- xã hội ở nông thôn, đặc biệt ở những vùng kinh tế khó khăn, công nghiệp chậm phát triển. Công tác khuyến công 21 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam góp phần phát triển sản xuất kinh doanh tiểu thủ công nghiệp phục vụ xuất khẩu giai đoạn 2005-2009 tăng 20,8%; mức tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn luôn cao hơn mức tăng giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp; đạt các mục tiêu như Quyết định số 136/2007/QĐ-TTg đề ra.
 

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Nam Hải đánh giá cao thành tựu của hoạt động khuyến công khu vực phía Nam 5 năm qua, đồng thời ghi nhận những đề xuất tại Hội nghị để trình Chính phủ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện cơ chế chính sách, khung pháp lý về khuyến công.
 

Quang Lâm, Cục CNĐP