Nhằm đánh giá tình hình triển khai nhiệm vụ của ngành và tìm giải pháp cho những tháng cuối năm, vừa qua Cục công nghiệp địa phương đã phối hợp với Sở Công Thương thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị ngành ngành Công Thương 14 tỉnh Đồng bằng sông ồng và Bắc Trung bộ lần thứ XV.

 

Theo báo cáo trình bày tại Hội Nghị, dưới sự điều hành linh hoạt và tích cực từ Bộ Công Thương sản xuất công nghiệp và thương mại của vùng đạt được những kết quả rất tích cực. Bảy tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp toàn vùng đạt gần 1.080 nghìn tỷ đồng, tăng 32,3% so với cùng kỳ. Một số tỉnh, thành phố chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp của toàn vùng tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ, cụ thể: tỉnh Bắc Ninh (đạt 403 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 37,3%, tăng 86,6%); thành phố Hà Nội (đạt 299 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 27,7%, tăng 11,8%; tỉnh Vĩnh Phúc (đạt hơn 80 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 7,4%, tăng 23,6%).


Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng toàn vùng 7 tháng đạt hơn 440 nghìn tỷ đồng, tăng 13,5% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 29,6% so với toàn quốc. Đặc biệt, vùng đã đạt hơn 27 tỷ USD, tăng 47,1% so với cùng kỳ năm 2012, chiếm tỷ trọng 37,1% so với cả nước. Bắc Ninh là tỉnh có tốc độ tăng trưởng kim ngạch đứng đầu với 215,9% so với cùng kỳ, tiếp đến là: Thành phố Hà Nội ( 21,5%); Hải Dương (4,4%); thành phố Hải Phòng (5,9%); tỉnh Quảng Ninh (3,3%)…


Ngoài ra, Sở Công Thương các tỉnh trong cũng đã tích cực thực hiện hàng loạt nhiệm vụ nhằm tháo gó khó khăn và phát triển sản xuất, thương mại của vùng như: Đẩy mạnh công tác quản lý quy hoạch, kế hoạch, xây dựng chương trình, đề án, tham mưu đề xuất các văn bản quy phạm pháp luật nhằm thúc đẩy phát triển ngành Công Thương; Tăng cường phát triển thương mại, hỗ trợ thị trường, giải quyết hàng tồn kho, thúc đẩy xuất khẩu; Đẩy mạnh sản xuất kinh doanh đảm bảo phát triển bền vững…


Cũng theo báo cáo, căn cứ kết quả thực hiện trong 7 tháng đầu năm 2013 và tình hình thực tế, dự báo kết quả thực hiện một số chỉ tiêu chủ yếu của ngành công thương 14 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ năm 2013 cụ thể: Giá trị sản xuất công nghiệp toàn vùng đạt hơn 1.891 nghìn tỷ đồng, tăng 29,1% so với thực hiện năm 2012. Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng toàn vùng đạt 806 nghìn tỷ đồng, tăng 17,2% so với năm 2012, chiếm tỷ trọng 30,8% tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước. Kim ngạch xuất khẩu toàn vùng đạt 46,6 tỷ USD, tăng 32,3% so với thực hiện năm 2012, chiếm tỷ trọng 37% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Kim ngạch nhập khẩu toàn vùng đạt 62,2 tỷ USD, tăng 24,1% so với thực hiện năm 2012, chiếm tỷ trọng 45,4% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước…


Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa đánh giá cao những kết quả ngành Công Thương 14 tỉnh, thành phố đã đạt được. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng đã chỉ ra những hạn chế yếu kém của ngành Công Thương vùng như: Sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp còn thấp hơn sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực. Phần lớn các cơ sở công nghiệp trong vùng ở quy mô nhỏ và vừa, chưa xây dựng được thương hiệu, chưa thể hiện được uy tín và khả năng cạnh tranh trên thị trường. Công nghiệp phụ trợ của các tỉnh, thành phố trong vùng vẫn phát triển ở mức độ hạn chế, tiềm ẩn nguy cơ mất cân đối về xuất nhập khẩu, tăng trưởng sản xuất công nghiệp thiếu sự bền vững. Tiến độ đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp của một số tỉnh, thành phố còn chậm. Việc đầu tư công trình xử lý nước thải, rác thải công nghiệp tại các cụm công nghiệp còn nhiều hạn chế do vốn đầu tư lớn, khó khăn trong việc bố trí mặt bằng xây dựng hệ thống xử lý nước thải...


Theo đó, Thứ trưởng yêu cầu các địa phương trong vùng: Tập trung thực hiện quản lý tốt các Quy hoạch đã được phê duyệt, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng kế hoạch, đề án phát triển ngành công thương. Đẩy nhanh tiến độ và giám sát chặt chẽ các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án trọng điểm chậm tiến độ và các dự án có khả năng hoàn thành trong năm 2013. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án nguồn và lưới điện. Quản lý chặt chẽ việc khai thác và xuất khẩu khoáng sản nhằm sử dụng có hiệu quả, tăng nguồn thu cho ngân sách. Tăng cường công tác thu hút đầu tư để lấp đầy các cụm công nghiệp, kêu gọi các nhà đầu tư là doanh nghiệp tham gia kinh doanh hạ tầng các cụm công nghiệp đã được phê duyệt. Bám sát các nhà đầu tư cùng phối hợp với các ngành để tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư thúc đẩy phát triển CCN một cách hiệu quả.
Đồng thời, tích cực và chủ động phối hợp với các Bộ, ngành triển khai các giải pháp, các đề án trong Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030. Triển khai giải pháp đẩy mạnh đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thương mại dịch vụ theo Quy hoạch, đặc biệt chú trọng phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại trọng điểm. Phát triển cơ sở hạ tầng thương mại dịch vụ. Nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến thương mại; hỗ trợ các doanh nghiệp tăng cường quảng bá, giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu của địa phương thông qua các hội chợ triển lãm, sàn giao dịch thương mại điện tử; tuyên truyền sâu rộng và thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để nâng cao ý thức, trách nhiệm của doanh nghiệp và người tiêu dùng đối với hàng Việt; tích cực triển khai chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đặc biệt tập trung chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, vận chuyển gia súc, gia cầm nhập lậu. Ngoài ra, Thứ trưởng cũng yêu cầu các địa phương trong vùng đẩy mạnh các hoạt động liên kết vùng…


 

ARID