Ngày 19/7, Cục công nghiệp địa phương, Bộ Công thương đã phối hợp với Sở Công thương tỉnh Kon Tum tổ chức Hội nghị ngành Công thương 14 tỉnh, thành phố vùng duyên hải miền Trung - Tây nguyên (DHMTTN). Đây là hoạt động thường niên nhằm đánh giá tình hình hoạt động của ngành công thương vùng những tháng đầu năm và tìm giải pháp hoàn thành nhiệm vụ những tháng cuối năm.

 

Theo đó, 6 tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp của các tỉnh, thành phố vùng DHMNTN vẫn duy trì được mức tăng trưởng khá với giá trị sản xuất công nghiệp đạt 80.349,6 tỷ đồng, tăng 10,4% so với cùng kỳ, đạt 46,8% kế hoạch. Một số mặt hàng chủ yếu của vùng đều có sản lượng tăng khá như: Đường kết tinh, lọc hóa dầu, may mặc, bia, tinh bột sắn, lốp xe máy, khoáng sản, dăm gỗ... Hoạt động xuất nhập khẩu cũng là điểm nhấn của ngành Công thương vùng trong những tháng đầu năm với 1.470,4 triệu USD xuất siêu. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 3.367 triệu USD, tăng 3,4% so với cùng kỳ và đạt 50,2% kế hoạch năm, kim ngạch nhập khẩu đạt 1.896,6 triệu USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ và đạt 46,8% kế hoạch năm..

 

 Đặc biệt, kể từ sau Hội nghị ngành Công thương lần thứ VI của vùng được tổ chức tại Đà Nẵng năm 2012, công tác liên kết vùng đã được các địa phương trong vùng tích cực thực hiện. Điển hình, tỉnh Ninh Thuận triển khai kế hoạch chương trình hợp tác ngành Công thương giữa 3 tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận và Bình Thuận nhằm thúc đẩy trao đổi thông tin và hỗ doanh nghiệp các tỉnh liên kết tìm hiểu và mở rộng đầu tư, phát triển thị trường tiêu thụ hàng hóa. Quảng Nam phối hợp với các tỉnh trong vùng để phát triển công nghiệp và thương mại như việc quy hoạch vùng nguyên liệu phục vụ cho sản xuất công nghiệp (sắn, cao su, gỗ rừng trồng, nuôi trồng thủy sản...). Quảng Trị chủ trì tổ chức Hội chợ Công thương miền Trung Tây Nguyên - Nhịp cầu xuyên Á năm 2012 tại Quảng Trị với trên 280 doanh nghiệp trong vùng và các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ tham gia...

 

Theo đánh giá của Cục công nghiệp địa phương, 6 tháng đầu năm 2013, sản xuất công nghiệp của vùng đã có dấu hiệu hồi phục và duy trì được mức tăng trưởng, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 10,4% so với cùng kỳ. Quy mô và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hoá của các địa phương và toàn vùng có mức tăng trưởng khá. Thị trường truyền thống được giữ vững. Các địa phương đã triển khai kịp thời các biện pháp bình ổn thị trường, không có tình trạng thiếu hàng sốt giá...

 

Tuy nhiên, với tình hình thị trường còn nhiều yếu tố bất ổn, nhiệm vụ duy trì tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp ở mức cao trong thời gian tới là khó khăn. Giá trị gia tăng trong sản xuất công nghiệp của vùng còn thấp, tỷ lệ sản xuất gia công còn cao. Cơ cấu xuất khẩu chuyển dịch chậm, tốc độ tăng trưởng thấp hơn bình quân cả nước. Phần lớn sản phẩm xuất khẩu của các địa phương thường là những sản phẩm thô hoặc gia công, giá trị gia tăng thấp, sức cạnh tranh của sản phẩm còn hạn chế... Đây thực sự là những thách thức lớn mà ngành Công thương vùng DHMTTN cần phải nỗ lực vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch phát triển trong 6 tháng cuối năm 2013 và những năm tiếp theo.

 

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Dương Quang đã thay mặt Lãnh đạo Bộ Công Thương biểu dương những thành tích và kết quả to lớn đã đạt được của ngành công thương vùng duyên hải miền Trung - Tây Nguyên. Bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng cũng chỉ ra  một số hạn chế cần quan tâm khắc phục để tiếp tục phát huy lợi thế của vùng về công nghiệp và thương mại, nổi lên là: Liên kết vùng tuy đã được quan tâm và đổi mới nhưng vẫn chưa tạo được sự cộng hưởng để các lợi thế được phát huy tốt nhất; cơ chế phối hợp điều hành chưa cụ thể, bài bản; chưa có tác dụng mạnh mẽ trong việc thúc đẩy liên kết nhằm tạo ra sự thống nhất, đồng thuận để đạt hiệu quả cao trong phát triển kinh tế - xã hội của Vùng;  Công tác tham mưu, đề xuất xây dựng cơ chế chính sách, xây dựng và thực hiện quy hoạch phát triển sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại  còn hạn chế. Số lượng, chất lượng nguồn nhân lực trong vùng chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển, tỷ lệ lao động lành nghề, có trình độ chuyên môn đã qua đào tạo còn thấp,... Tiếp đó, Thứ trưởng đề nghị Cục công nghiệp địa phương phát huy vai trò đầu mối chủ động phối hợp với các đơn vị của Bộ hướng dẫn, hỗ trợ, giải đáp kiến nghị cho các địa phương kể cả công nghiệp và thương mại nhằm tạo điều kiện giúp hoàn thành kế hoạch của từng địa phương và toàn Vùng trong những tháng cuối năm 2013.

 

TTTT