Theo Báo cáo, năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013, hoạt động công nghiệp, thương mại trong Vùng mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng với sự chỉ đạo tích cực của các cấp, các ngành, sự đồng hành của các doanh nghiệp trong vùng đã phấn đấu hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch đề ra. Sản xuất công nghiệp năm 2012 gặp nhiều khó khăn do khủng hoảng kinh tế toàn cầu chưa được hồi phục, sức mua trong nước và nhu cầu xuất khẩu giảm mạnh nên tăng trưởng thấp, chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2012 tăng 4,8% so với năm 2011, đây là mức tăng trưởng thấp so với nhiều năm trở lại đây (năm 2011 tăng 7,3% so với năm 2010; năm 2010 tăng 9,4% so với năm 2009). Năm 2012, giá trị sản xuất công nghiệp toàn vùng đạt 56.511,16 tỷ đồng, tăng 13,9% so với năm 2011. Giá trị sản xuất công nghiệp bình quân mỗi tỉnh trong vùng đạt 4.121 tỷ đồng (tăng bình quân 500 tỷ đồng so với năm trước). Trong 6 tháng đầu năm 2013, giá trị sản xuất công nghiệp của vùng ước đạt 31.676,5 tỷ đồng, tăng 17,17% so với cùng kỳ năm 2012 và đạt 48,11% kế hoạch năm. Một số tỉnh có tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2012 là: Lai Châu tăng 132,28%, Sơn La tăng 43,45%, Lào Cai tăng 39%, Yên Bái, Thái Nguyên tăng trên 22%...
Công tác khuyến công và xúc tiến thương mại được quan tâm, hỗ trợ ngân sách cả từ trung ương và địa phương nên đã có nhiều chuyển biến tích cực; nhiều ngành nghề truyền thống được khôi phục và phát triển. Tổng kế hoạch kinh phí khuyến công năm 2013 được duyệt của 14 tỉnh, thành phố khu vực TDMNBB là 30,172 tỷ đồng, tăng 11,38% so với kinh phí thực hiện năm 2012. Trong đó: Kinh phí khuyến công quốc gia: hỗ trợ là 16,104 tỷ đồng, tăng 16,5% so với thực hiện năm 2012, chiếm 18,25% tổng kinh phí KCQG toàn quốc năm 2013 và chiếm 53,37% kinh phí khuyến công toàn Vùng; Kinh phí khuyến công địa phương: theo báo cáo của các địa phương đến tháng 6 năm 2013 đã có 13/14 tỉnh, thành phố phê duyệt kế hoạch kinh phí khuyến công địa phương, với tổng kinh phí là 14,067 tỷ đồng, bằng 97,5% so với thực hiện năm 2012, chiếm 46,63% tổng kinh phí khuyến công toàn Vùng.
Về tình hình đầu tư và phát triển cụm công nghiệp (CCN). Theo quy hoạch đến năm 2020 trong toàn Vùng có 255 cụm công nghiệp (CCN), với tổng diện tích đất khoảng 9.084 ha. Đến nay trong Vùng đã có 84 cụm CCN có quyết định thành lập, với diện tích 3.033 ha; có 107 CCN đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết; 60 CCN được phê duyệt dự án đầu tư hạ tầng hoặc cấp GCN đầu tư, đang thực hiện các thủ tục hoặc đang tổ chức thi công xây dựng. Về chủ đầu tư hạ tầng, có 26 CCN do doanh nghiệp làm chủ đầu tư, 32 CCN do Trung tâm phát triển CCN làm chủ đầu tư, các CCN còn lại do UBND cấp huyện hoặc đơn vị sự nghiệp khác làm chủ đầu tư. Hiện nay, toàn Vùng có 75 CCN với tổng diện tích 2.420 ha đã đi vào hoạt động, đạt tỉ lệ lấp đầy trung bình khoảng 51%. Các CCN đi vào hoạt động đã thu hút được 500 dự án đi vào sản xuất kinh doanh trong cụm, giải quyết việc làm cho gần 32.000 lao động. Tuy nhiên tốc độ triển khai các dự án đang thực hiện vẫn còn chậm. Các doanh nghiệp chủ yếu duy trì ổn định năng lực sản xuất hiện có.
Thị trường nông thôn được các doanh nghiệp quan tâm với việc đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động "người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã từng bước tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa trong nước chiếm lĩnh được thị trường và tạo niềm tin cho người tiêu dùng; Hoạt động xuất nhập khẩu mặc dù chịu ảnh hưởng của suy giảm kinh tế thế giới, nhưng kim ngạch xuất nhập khẩu của các địa phương trong vùng vẫn tăng trưởng ổn định, sự phối hợp trao đổi thông tin về thị trường xuất khẩu giữa các tỉnh trong khu vực ngày càng được đẩy mạnh. Tình hình phát triển thị trường trong nước dù không đạt được mức tăng trưởng như những năm trước nhưng cũng đạt được kết quả đáng khích lệ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2012 toàn Vùng đạt 120.056 tỷ đồng, chiếm 5,16% cả nước, tăng 20% so với năm 2011, cao hơn mức tăng trung bình của cả nước (cả nước đạt 2.324 nghìn tỷ đồng, tăng 16%). Hoạt động thương mại diễn ra ổn định, các mặt hàng phong phú, đa dạng, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ Trưởng Nguyễn Cẩm Tú đánh giá cao những kết quả đã đạt được của Ngành, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều khó khăn như hiện nay. Thứ trưởng cũng chỉ ra một số hạn chế cần được khắc phục để phát huy lợi thế của Vùng về công nghiệp và thương mại. Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng chỉ đạo cần đổi mới phương thức tổ chức của Hội nghị Công Thương vùng TDMNBB và trước hết là đổi mới công tác chuẩn bị. Theo đó, bên cạnh việc tổng hợp báo cáo tình hình của các địa phương của Cục công nghiệp địa phương thì các đơn vị của Bộ Công Thương cần có báo cáo riêng của mình, đánh giá chi tiết cụ thể về tình hình công thương của các địa phương trong vùng. Thứ trưởng cũng cho rằng, các địa phương trong vùng có lợi thế về công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản và thương mại biên giới. Tuy nhiên, để phát huy được lợi thế, các địa phương cần phải xác định rõ cụ thể lợi thế của mình để có định hướng phát triển phù hợp. Ngoài ra, các địa phương cũng cần liên kết trên cơ sở các bên cùng có lợi, khai thác hết lợi thế Hiệp định thương mại tự do ASEAN- Trung Quốc đem lại. Thứ trưởng đề nghị Cục công nghiệp địa phương phát huy vai trò đầu mối chủ động phối hợp với các đơn vị của Bộ hướng dẫn, hỗ trợ, giải đáp kiến nghị cho các địa phương kể cả công nghiệp và thương mại. Phối hợp với Viện nghiên cứu chiến lược phát triển công nghiệp giúp nhận biết đâu là thế mạnh, hạn chế của các địa phương trong vùng và đưa ra giải pháp thực hiện.
Để tiếp tục phát triển mối quan hệ gắn bó trong ngành Công Thương từ Trung ương với các địa phương, Bộ Công Thương đồng ý với đề nghị của các Sở Công Thương trong vùng về việc Sở Công Thương tỉnh Lào Cai sẽ đăng cai, phối hợp với Cục Công nghiệp địa phương tổ chức Hội nghị ngành Công Thương vùng trung du và miền núi Bắc Bộ lần thứ XVI - năm 2014.
TT