Qua báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy: Trong năm 2013, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng bằng việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, đầu tư xây dựng và mở rộng thị trường, ngành Công Thương đã nỗ lực thực hiện nhiệm vụ công tác và đã đạt được kết quả tích cực. Thị trường trong nước giữ được mức tăng trưởng khá, cung - cầu các hàng hóa thiết yếu được đảm bảo. Nhiều hoạt động xúc tiến thương mại trong nước được triển khai gắn với thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, từng bước tạo nên sự thay đổi trong nhận thức của các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.
Sản xuất công nghiệp được thúc đẩy triển khai, qua đó sản xuất công nghiệp có sự phục hồi, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, ước chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng 5,9%, cao hơn mức tăng cùng kỳ năm 2012. Quy mô và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa đều vượt mức kế hoạch đề ra. Đặc biệt, xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước bắt đầu khôi phục và có xu hướng tăng dần. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt khoảng 132,17 tỷ USD, tăng khoảng 15,4% so với năm 2012, cao hơn 10% so với mục tiêu Quốc hội đề ra. Tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt khoảng 131,3 tỷ USD, tăng khoảng 15,4% so với năm 2012.
Công tác quản lý thị trường được triển khai quyết liệt ngay từ đầu năm, nhờ đó, tình trạng nhập lậu qua biên giới cơ bản được khống chế. Trong năm đã có gần 500 kế hoạch, phương án kiểm tra được lực lượng Quản lý thị trường cả nước xây dựng và triển khai; kiểm tra, xử lý gần 80.000 vụ vi phạm với tổng số tiền thu nộp trên 350 tỷ đồng.
Để thực hiện kế hoạch năm 2014-2015, ngành Công thương đã đề ra một số giải pháp chủ yếu, đó là tiếp tục giữ vững cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu của nền kinh tế quốc dân; thực hiện hiệu quả kế hoạch và chương trình bình ổn thị trường ở các địa phương; tiếp tục thực hiện chủ trương quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước đối với điện, than, xăng dầu, dịch vụ công. Phát triển xuất khẩu một cách bền vững, làm động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tiếp tục nâng cao tỷ trọng hàng chế biến và có hàm lượng công nghệ cao trong cơ cấu xuất khẩu; kiểm soát nhập siêu có hiệu quả, hạn chế nhập khẩu hàng tiêu dùng không thiết yếu. Thực hiện tái cơ cấu sản xuất công nghiệp, tăng hàm lượng khoa học công nghệ và tỷ trọng giá trị nội địa trong sản phẩm; đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp ở nông thôn. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật về ngành Công Thương, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp và thương mại phù hợp với thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và thông lệ quốc tế..
ARID