Vừa qua, tại thành phó Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang Bộ Công Thương đã phối hợp Sở Công thương tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội nghị ngành công thương vùng ĐBSCL, qua đó đánh giá những kết quả đã đạt được của ngành 9 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm.



Theo báo cáo tại Hội nghị, 9 tháng đầu năm ngành công thương của vùng đã đạt được những thành tích đáng khích lệ. Giá trị sản xuất công nghiệp của vùng đạt 97.880 tỷ đồng, đạt 68,7% kế hoạch, tăng 11,98% so với cùng kỳ năm 2010, trong đó công nghiệp chế biến vẫn chiếm ưu thế hàng đầu đạt 91.309 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng đến 93,29%), đạt 68,5% kế hoạch năm, tăng 12,93% so cùng kỳ năm 2010; tiếp đến là công nghiệp Công nghiệp khai thác đạt 483 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 0,49%), đạt 82% kế hoạch năm, giảm 0,71% so cùng kỳ năm 2010; công nghiệp sản xuất và phân phối điện, nước ước đạt 6.088 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 6,22%), đạt 70,73% kế hoạch năm, tăng 0,4% so cùng kỳ năm 2010. Một số tỉnh có quy mô và tốc độ tăng trưởng công nghiệp cao so với các tỉnh trong vùng là: Long An, Bạc Liêu, Đồng Tháp, Tiền Giang, Hậu Giang…


Riêng hoạt động khuyến công 9 tháng đầu năm đã giải ngân được hơn 15.611 triệu đồng, trong đó: Khuyến công quốc gia thực hiện 10.562 triệu đồng đạt 83,5% so với kế hoạch 2011; Khuyến công địa phương thực hiện 5.049 triệu đồng, đạt 86,4% so với kế hoạch 2011. Hoạt động khuyến công đã giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn xác định hướng đầu tư đúng, có hiệu quả, nâng cao được năng lực quản lý, mở rộng sản xuất kinh doanh và gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.


Bên cạnh đó, 9 tháng đầu năm 2011, thị trường nội vùng tiếp tục có những bước phát triển khá, tổng mức bản lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của Vùng ĐBSCL đạt 258.097 tỷ đồng, bằng 87,3% so với kế hoạch năm, tăng 27,18% so với cùng kỳ. Dẫn đầu các tỉnh, thành phố trong vùng về tổng mức BLHH và doanh thu dịch vụ là: An Giang (36.381 tỷ đồng), thành phố Cần Thơ (29.260 tỷ đồng), Kiên Giang (26.021 tỷ đồng)...


Hoạt động xuất nhập khẩu 9 tháng đầu năm của vùng cũng có nhiều chuyển biến rích cực với giá trị nhập siêu đạt 3,73 tỷ USD, trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 6,02 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ. Một số tỉnh, thành phố có mức tăng kim ngạch xuất khẩu cao, chiếm tỷ trọng lớn trong vùng: Long An tăng 20%, chiếm tỷ trọng 21,15%; Cần Thơ tăng 72%, chiếm tỷ trọng 13%; Đồng Tháp tăng 43%, chiếm tỷ trong 9,42%; Cà Mau tăng 14%, chiếm tỷ trọng 10,5%; An Giang tăng 20%, chiếm tỷ trọng 9,8%. Kim ngạch nhập khẩu đạt 2,29 tỷ USD, tăng 28,26% so với cùng kỳ, đạt 79,8% kế hoạch năm.


Ngoài ra, trong những tháng đầu năm Sở Công Thương các tỉnh ĐBSCL đã thực hiện rất tốt công tác liên kết vùng thông qua việc: tiếp tục triển khai thực hiện Thoả thuận hợp tác phát triển ngành công thương khu vực qua các chương trình liên kết; tham gia Hội nghị tổng kết Chương trình liên kết, hợp tác ngành Công Thương thành phố Cần Thơ với các tỉnh ĐBSCL giai đoạn 2008 - 2010 và ký kết Chương trình liên kết, hợp tác giai đoạn 2011 - 2015; thành lập Ban chỉ đạo điều phối và Tổ chuyên viên giúp việc thực hiện Chương trình liên kết, hợp tác giai đoạn 2011 – 2015; Liên kết đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu, cụm công nghiệp…
 

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Nam Hải đã đánh giá cao những nỗ lực của ngành công thương vùng ĐBSCL. Trong đó, đáng chú ý là giá trị SXCN luôn được giữ vững và tăng trưởng cao. Lĩnh vực hoạt động thương mại có bước phát triển đáp ứng được nhu cầu sản suất cũng như tiêu thụ hàng hóa. Hoạt động khuyến công có nhiều chuyển biến tích cực, đầu tư xây dựng cụm công nghiệp được chú trọng, công tác xúc tiến thương mại cũng như quản lý thị trường có nhiều chuyển biết tốt. Tuy nhiên, thứ trưởng cũng lưu ý các địa phương trong vùng về các mặt còn hạn chế như: quy mô công nghiệp còn nhỏ lẻ chưa xứng với tiềm năng của vùng, cơ sở hạ tầng yếu kém chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, quá tải ở các chợ và công tác liên kết vùng chưa được chặt chẽ… Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, lãnh đạo các tỉnh cũng như ngành công thương cần quan tâm hơn nữa đến việc thực hiện đồng bộ các giải pháp kiềm chế lạm phát theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, quan tâm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là về lĩnh vực vốn và nguyên liệu phục vụ sản xuất.

 

AIP