Hội nghị đã đánh giá kết quả hoạt động Công Thương của vùng năm 2012, Quý 1 năm 2013 và mục tiêu nhiệm vụ cùng một số giải pháp thực hiện 9 tháng cuối năm 2013; và đánh giá kết quả một năm thực hiện kết luận của Lãnh đạo Bộ Công Thương tại Hội nghị ngành năm 2012.
Theo báo cáo, năm 2012, hoạt động công nghiệp, thương mại trong vùng còn gặp nhiều khó khăn nhưng với sự chỉ đạo tích cực của các cấp, các ngành, sự đồng hành của các doanh nghiệp trong vùng đã phấn đấu hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch đề ra, cụ thể: Chỉ số sản xuất công nghiệp đạt mức tăng trưởng cao hơn cả nước (cả nước tăng 4,8%). Trong đó các tỉnh, thành phố đầu tàu của vùng đạt mức tăng trưởng cao như: TP.HCM 5,1%, Bà Rịa - Vũng Tàu 6,7%, Bình Dương 10,5% và Đồng Nai, 7,4%; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đạt 853.994 tỷ đồng, tăng 19,18% so năm 2011 (cả nước tăng 16%) và chiếm tỉ trọng 36,7% so cả nước; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 69.668 triệu USD, tăng 10,5% so năm 2011(cả nước tăng 18,3%) và chiếm tỉ trọng 60,8% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước; Kim ngạch nhập khẩu đạt 51.534 triệu USD, tăng 2,46% so năm 2011 (cả nước tăng 7,1%) chiếm tỉ trọng 45,1% so cả nước; Các sản phẩm công nghiệp chủ yếu trong vùng vẫn giữ mức tăng trưởng khá, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng chung của giá trị sản xuất công nghiệp và chỉ số sản xuất công nghiệp toàn vùng.
Công tác khuyến công và xúc tiến thương mại được quan tâm, được hỗ trợ ngân sách cả từ trung ương và địa phương nên đã có nhiều chuyển biến tích cực; nhiều ngành nghề truyền thống được khôi phục và phát triển; Thực hiện tốt công tác khuyến công về chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực nông thôn và một số lĩnh vực khác được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp. Tổng kinh phí khuyến công toàn vùng Đông Nam Bộ thực hiện là 27,04 tỷ đồng (gồm khuyến công quốc gia 5,873 tỷ đồng và khuyến công địa phương 21,164 tỷ đồng), tăng 20,17% so với năm 2011, bình quân đạt 3,8 tỷ đồng/01 tỉnh.
Về tình hình đầu tư và phát triển cụm công nghiệp (CCN), tính đến hết tháng 12 năm 2012, toàn vùng có 62 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động thu hút được khoảng 773 dự án vào cụm, tỷ lệ lấp đầy bình quân là 46,23% (tính trên các cụm công nghiệp đã thành lập), tạo việc làm cho xấp xỉ 62.915 lao động (chủ yếu là lao động nông thôn). Trong số các cụm đã và đang xây dựng hạ tầng, có 06 cụm công nghiệp đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Các doanh nghiệp đã quan tâm đến thị trường trong nước với việc đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", từng bước tạo điều kiện để các sản phẩm trong nước chiếm lĩnh được thị trường và tạo niềm tin cho người tiêu dùng; Hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu tuy còn chịu ảnh hưởng của suy giảm kinh tế thế giới, nhưng kim ngạch xuất nhập khẩu của các địa phương trong vùng vẫn tăng trưởng ổn định, sự phối hợp trao đổi thông tin về thị trường xuất khẩu giữa các tỉnh trong khu vực ngày càng được đẩy mạnh.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú đã phát biểu kết luận Hội nghị: đánh giá cao các kết quả mà các địa phương của vùng đạt được: công nghiệp vùng tăng trưởng cao, đóng góp lớn cho nền kinh tế; thương mại phát triển ổn định; công tác khuyến công ngày càng được quan tâm, giải quyết được nhiều việc làm; xúc tiến thương mại được khai thông; đầu tư cũng được giữ vững và phát triển. Đồng thời, Thứ trưởng cũng nêu lên 5 tồn tại của vùng cần khắc phục trong thời gian tới, đó là duy trì tốc độ tăng trưởng công nghiệp đang trong xu hướng bị chậm lại, hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa còn nhiều khó khăn, xuất khẩu chưa phát huy cao so với tiềm năng và lợi thế các địa phương của vùng, công tác mở rộng thị trường gắn liền nâng cao chất lượng sản phẩm và nâng cao nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình hiện nay.
Về phương hướng nhiệm vụ của 9 tháng cuối năm 2013, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhất trí mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp như trong báo cáo đã nêu. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng đề nghị cần tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 01/NQ-CP, 02/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 320/QĐ-BCT của Bộ Công Thương về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, kiềm chế lạm phát, hỗ trợ thị trường, xúc tiến đầu tư, thương mại, đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và liên kết vùng ngành công thương vùng Đông Nam Bộ. Trong đó, đặc biệt đối với vấn đề để liên kết vùng phát triển và bền vững, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú cho rằng, ngành công thương từng địa phương phải sàng lọc, lựa chọn nghề nào cần liên kết hợp tác, cần phát triển, ưu tiên ngành nghề đạt hiệu quả kinh tế cao và có tính thống nhất theo quy hoạch phát triển của vùng.
Hội nghị cũng đã thống nhất và trao cờ cho Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận đăng cai và phối hợp với Cục Công nghiệp địa phương để tổ chức Hội nghị ngành công thương các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ lần thứ XV năm 2014 tại tỉnh Bình Thuận /.
ARID