Ngày 18 tháng 02 năm 2011, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã tổ chức Hội nghị sơ kết một năm triển khai thực hiện Cuộc vận động. Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.


Tham dự Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, ban, ngành Trung ương; các đồng chí trong Ban chỉ đạo Trung ương và Ban Thường trực Cuộc vận động; đại diện các Ban chỉ đạo của các Bộ, ban, ngành ở Trung ương, Đảng ủy khối Doanh nghiệp và khối các cơ quan Trung ương; đại diện các doanh nghiệp tiêu biểu thực hiện tốt Cuộc vân động; một số hiệp hội làng nghề, đại diện người tiêu dùng ở Trung ương và địa phương.

Sau một năm thực hiện Cuộc vận động, nhìn chung, các cấp, các ngành, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội, nghề nghiệp từ Trung ương đến cơ sở đã tích cực triển khai Cuộc vận động và đề ra các giải pháp, chương trình hành động cụ thể, có bước đi rõ ràng. Cuộc vận động đã tác động tích cực đến toàn xã hội, giúp người tiêu dùng, cơ quan, đơn vị, tổ chức nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm, quyền lợi của người tiêu dùng đối với sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước; từ đó thay đổi thái độ, hành vi ưu tiên mua sắm, tiêu dùng hàng hóa thương hiệu Việt, coi đó là thể hiện lòng yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc và bước đầu hình thành nét đẹp văn hóa của người tiêu dùng Việt Nam. Sau một năm thực hiện Cuộc vận động, người tiêu dùng mua sắm hàng hóa Việt đã tăng lên đáng kể, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa thương hiệu Việt và phát triển thị trường nội địa.

Bên cạnh đó, Cuộc vận động đã giúp cho các doanh nghiệp và giới doanh nhân nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn về trách nhiệm của doanh nghiệp đối với sự phát triển kinh tế đất nước trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Các doanh nghiệp phát huy thế mạnh, tiềm năng và vai trò đi đầu của minh trong việc thực hiện Cuộc vận động, chiếm lĩnh thị trường nội địa và từng bước vươn ra thị trường quốc tế. Đồng thời, thúc đẩy các doanh nghiệp và giới doanh nhân chủ động hơn trong phát triển sản xuất kinh doanh nhằm phát huy tối đa lợi thế của doanh nghiệp trên thị trường, chú trọng đổi mới công nghệ và quản lý để sản xuất ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao, hình thức đẹp, giá thành hạ. Nhiều sản phẩm mang thương hiệu Việt đã được rất nhiều nhà chuyên môn quốc tế và người tiêu dùng Việt Nam đánh giá cao về chất lượng và kiểu dáng, mẫu mã sản phẩm.


Bên cạnh những kết quả đạt được, Cuộc vận động vẫn còn một số hạn chế, tồn tại. Đó là một số cấp uỷ, chính quyền, ban ngành, Mặt trận và các đoàn thể chưa quan tâm đúng mức đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Cuộc vận động ở địa phương, có nơi, có lúc còn buông lỏng. Sau một năm triển khai, đến tháng 12/2010, vẫn còn một số tỉnh, thành phố chưa thành lập ban chỉ đạo và xây dựng kế hoạch thực hiện Cuộc vận động; Một số cơ quan, đơn vị truyền thông thực hiện nội dung thông tin, hình thức tổ chức tuyên truyền chưa đáp ứng được mục tiêu của Cuộc vận động; Tình trạng hàng gian, hàng giả, hàng nhập lậu giá rẻ chưa được ngăn chặn có hiệu quả gián tiếp gây khó khăn trở lại cho đơn vị sản xuất kinh doanh trong nước; Công tác kiểm tra, đôn đốc Cuộc vận động chưa kịp thời, sát sao. Một số địa phương, cơ quan, đơn vị có biểu hiện hình thức, đối phó, làm chiếu lệ, chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc mục đích, ý nghĩa, nội dung Cuộc vận động, v.v...

Theo kết quả cuộc điều tra về Cuộc vận động cho thấy, nhóm hàng hoá sản xuất trong nước được người Việt Nam ưa chuộng hơn so với những năm trước đây như: "Sản phẩm dệt may, quần áo, giày dép" sản xuất trong nước có tới 80% người tiêu dùng ưa chuộng; tương tự "Thực phẩm, rau quả" là 58%; "Các sản phẩm đồ gia dụng" là 49%; "Vật liệu xây dựng, đồ nội thất" là 38%; "Đồ chơi, dụng cụ học tập dành cho cho trẻ em" là 34%; "Văn phòng phẩm" là 33%; "Các sản phẩm điện tử, điện lạnh" là 26%; "Thuốc men, dược phẩm, dụng cụ y tế" là 26%; "Ô tô, xe máy" là 18%; "Hoá mỹ phẩm" là 10%.

Để tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động, trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động sẽ tập trung vào 11 nhiệm vụ chủ yếu. Trong đó sẽ tiếp tục tuyên truyền, quán triệt sâu sắc bốn nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Cuộc vận động theo tinh thần Thông báo Kết luận số 264 - TB/TW của Bộ Chính trị; Tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra thực hiện Cuộc vận động ở các cấp, nhất là các địa phương, cơ quan, đơn vị đến nay chưa báo cáo về triển khai thực hiện Cuộc vận động. Có kế hoạch tổ chức kiểm tra thực hiện Cuộc vận động ở các địa bàn đông dân cư, các tỉnh cửa khẩu, đặc biệt là những cửa khẩu là điểm nóng hàng nhập lậu nhập hàng hoá. Đồng thời, đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, hàng giả, hàng nhái, hàng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; Chủ động nắm tình hình và kịp thời phát hiện những vướng mắc khó khăn trong sản xuất, phân phối lưu thông của các doanh nghiệp để kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành các cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, lưu thông và tiêu dùng hàng hoá sản xuất trong nước; Chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và hàng hoá sản xuất trong nước. Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tăng cường tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên và nhân dân ưu tiên mua sắm, tiêu dùng hàng Việt, lồng ghép nội dung thực hiện Cuộc vận động với các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương, đơn vị và bình xét các danh hiệu thi đua của các tập thể, cá nhân; Xây dựng kế hoạch kinh phí đảm bảo triển khai Cuộc vân động của Ban chỉ đạo Trung ương và kiến nghị cấp kinh phí triển khai Cuộc vận động ở các địa phương, cơ quan, đơn vị, v.v...
 

Nguồn: moit.gov.vn