Chiều 6/1, tại Hà Nội, Cục công nghiệp địa phương chủ trì, phối hợp với Vụ Thị trường trong nước tổ chức Hội nghị tổng kết công tác khối công thương địa phương nhằm đánh giá tình hình sản xuất công nghiệp, kinh doanh thương thương mại địa phương năm 2010, định hướng và bàn biện pháp triển khai thực hiện kế hoach công tác năm 2011.


Tới dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Nam Hải; đại diện của các Bộ, ngành Trung ương; đại diện Lãnh đạo của các Cục, Vụ, các Viện, Trường, các Tập đoàn, Tổng Công ty thuộc Bộ Công Thương; đại diện lãnh đạo các Hội, Hiệp hội; đại diện Lãnh đạo Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.


Theo báo cáo tại Hội nghị, trong năm 2010, nhờ kết quả của những chính sách tích cực để đối phó với khủng hoảng kinh tế toàn cầu của Chính phủ từ các năm 2008 - 2009 và các giải pháp đề ra, tiếp theo Nghị quyết 03/NQ-CP và Nghị quyết 18/NQ-CP, ngành công nghiệp từng bước lấy lại được đà tăng trưởng như thời kỳ trước khủng hoảng. Tăng trưởng của ngành công nghiệp tuy chưa đạt được như những năm 2005-2007 (16-17%), nhưng đã lấy lại được mức năm 2008 (13,9%) và cao hơn nhiều so với năm 2009 (7,6%). Giá trị sản xuất toàn ngành đạt 794.202 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2009. Trong đó, khu vực kinh tế nhà nước tăng 7,4%, khu vực ngoài nhà nước tăng 14,7% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 17,2%. Điều này thể hiện sự nỗ lực rất lớn của toàn ngành, đồng thời là cơ sở thuận lợi cho ngành bước vào thực hiện kế hoạch năm 2011.


Các tỉnh, thành phố đã phát huy được lợi thế so sánh về tài nguyên thiên nhiên để phát triển công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản và vật liệu xây dựng, phát triển thuỷ điện nhỏ, và chế biến nông, lâm sản. Kết cấu hạ tầng trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại được đầu tư, cải thiện đáng kể. Nhiều khu, cụm công nghiệp được công bố quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng. Công tác khuyến công, tư vấn phát triển công nghiệp được tăng cường, góp phần tạo việc làm, nâng cao trình độ và thu nhập cho người lao động của địa phương. Nhiều ngành nghề truyền thống được khôi phục và phát triển. Hoạt động thương mại đạt kết quả cao, đảm bảo tốt nhu cầu sản xuất và tiêu dùng cho nhân dân, đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa, tại các trung tâm đô thị, nhiều hình thức phân phối hàng hoá hiện đại bắt đầu phát triển. Nhiều hoạt động xúc tiến thương mại được triển khai cùng với việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã được người tiêu dùng hưởng ứng tích cực, việc thực hiện Nghị quyết số 26 – NQ/TW về “ Nông nghiệp, nông dân, nông thôn” Của Ban Chấp hành Trung ương Đảng được các cấp, các ngành phối hợp đẩy mạnh thực hiện, vì vậy sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp có sự khởi sắc và đạt mục tiêu tăng trưởng khá so với cùng kỳ.


Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Nam Hải biểu dương những thành tích và kết quả to lớn đã đạt được của khối công thương địa phương đã góp phần vào kết quả chung của toàn ngành công thương. Qua đó, thay mặt Lãnh đạo Bộ Công Thương, Thứ trưởng nêu ra một số đề nghị của Bộ đối với các địa phương nhằm triển khai nhiệm vụ năm 2011 gắn liền với tình hình kinh tế xã hội đất nước, cụ thể:


1. Tập trung chỉ đạo, xây dựng kế hoạch của ngành công thương nhằm triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các tỉnh trong nhiệm kỳ 2010 - 2015. Tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Nghị quyết số 51/2010/QH12 ngày 08 tháng 11 năm 2010 tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XII đã đề ra mục tiêu cụ thể phát triển kinh tế năm 2011 và một số nhiệm vụ, giải pháp chính chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2011.


2. Các Sở tăng cường công tác tham mưu cho Uỷ ban nhân dân Tỉnh và phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, Ngành liên quan kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về vốn, tín dụng, giá nguyên vật liệu, giải phóng mặt bằng, cấp điện, xuất nhập khẩu, thị trường tiêu thụ sản phẩm…, nhất là các dự án trọng điểm.


3. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các quy hoạch đã được phê duyệt. Tiếp tục rà soát, bổ sung điều chỉnh quy hoạch tổng thể về công nghiệp, quy hoạch điện lực, quy hoạch phát triển thương mại... cho phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2015 tầm nhìn 2020 làm cơ sở cho việc thu hút đầu tư. Tiến hành quản lý việc đầu tư theo quy hoạch đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.


4. Tập trung nguồn lực đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu những mặt hàng có lợi thế, mặt hàng truyền thống của các tỉnh. Nâng cao hàm lượng công nghệ trong sản phẩm xuất khẩu, hạn chế xuất khẩu thô, sản phẩm sơ chế, phát triển các mặt hàng mới, chú trọng việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng đẩy mạnh các mặt hàng xuất khẩu có giá trị gia tăng cao, có kim ngạch lớn, có khả năng tăng trưởng cao.


5. Tập trung phát triển các khu, cụm công nghiệp trở thành động lực tăng trưởng kinh tế, phát triển đô thị và dịch vụ. Lựa chọn và tạo điều kiện cho nhà đầu tư tham gia đầu tư xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp đã có quy hoạch. Tiếp tục thu hút đầu tư, lấp đầy các khu, cụm công nghiệp.


6. Tăng cường triển khai các hoạt động khuyến công nhằm khuyến khích, hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, lồng ghép phối hợp với hoạt động xúc tiến thương mại. Tiếp tục đẩy mạnh công tác giúp đỡ hỗ trợ phát triển công nghiệp địa phương, đào tạo nguồn nhân lực, cung cấp thông tin cho phát triển công nghiệp, thương mại.


7. Bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu; chú trọng công tác quản lý thị trường, dự báo nhằm phát hiện nhanh các tình huống phát sinh để kịp thời xử lý, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng và sốt giá ảo.


8. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại. Tích cực tổ chức, tham gia các hội chợ, triển lãm chuyên ngành trong và ngoài nước để tìm kiếm thị trường mới cũng như nắm bắt xu thế tiêu dùng đối với các loại sản phẩm. Hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu và đăng ký thương hiệu hàng hoá.

Theo đó, Bộ Công Thương giao Cục Công nghiệp địa phương làm đầu mối, phối hợp chặt chẽ với Vụ Thị trường trong nước và các Vụ, Cục, các đơn vị khác thuộc Bộ phối hợp hướng dẫn, giúp đỡ các Sở Công Thương các tỉnh, vùng thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về công thương trên địa bàn.

 

CỤC CÔNG NGHIỆP ĐỊA PHƯƠNG