Tham dự Hội thảo có ông Nguyễn Quang – Vụ trưởng Vụ KHCN&MT, Ban Tuyên giáo Trung ương; đại diện một số tập đoàn, tổng công ty, Viện thuộc Ngành Công Thương, v.v…
Hội thảo nhằm đánh giá kết quả đạt được, đồng thời nêu lên những mặt tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện công tác bảo vệ môi trường Ngành Công Thương, đồng thời đưa ra những đề xuất, định hướng bảo vệ môi trường Ngành Công Thương trong giai đoạn 2011 – 2020.
Tại Hội thảo, ông Trịnh Văn Thuận (Cục KTAT và MTCN) đã báo cáo những kết quả đã đạt được trong công tác bảo vệ môi trường của Ngành Công Thương thời gian qua. Hàng năm, Bộ Công Thương đều thực hiện các hoạt động tuyên truyền phổ biến kiến thức về bảo vệ môi trường cho cán bộ, doanh nghiệp trong Ngành. Tính đến cuối năm 2010, Bộ Công Thương đã phát động, tổ chức và hưởng ứng thực hiện nhiều phong trào như: Hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia về nước sạnh, vệ sinh môi trường và ngày Môi trường thế giới, Hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạnh hơn, tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề, tập huấn về vấn đề môi trường với các nội dung: “Doanh nghiệp Việt Nam với các vấn đề môi trường trong quá trình Hội nhập”, “Năng suất xanh và Hệ thống quản lý môi trường ISO 14001 – những vận dụng cho các doanh nghiệp Việt Nam”, v.v…
Một vấn đề cũng được Bộ Công Thương chú trọng thực hiện là công tác kiểm soát ô nhiễm và quản lý chất thải. Trong những năm qua, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm môi trường Ngành Công Thương tại các cơ sở sản xuất (năm 2009 kiểm tra 36 cơ sở, năm 2010 kiểm tra 40 cơ sở). Thông qua đó, đã kịp thời đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở đẩy nhanh việc khắc phục ô nhiễm, thực hiện đúng các quy định về bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, để thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường Ngành Công Thương, Bộ Công Thương đã chú trọng đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao, ứng dụng công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực cho bảo vệ môi trường; đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm đáp ứng yêu cầu về môi trường trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện nhiệm vụ về bảo vệ môi trường Ngành Công Thương vẫn còn bộc lộ một số hạn chế và tồn tại cần khắc phục: Nhận thức và ý thức bảo vệ môi trường chưa theo kịp quá trình phát triển; Hệ thống quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường triển khai chưa đồng bộ; Kinh phí cho hoạt động bảo vệ môi trường còn hạn hẹp, chưa đáp ứng được nhu cầu của các Bộ, ngành địa phương; Việc chỉ đạo phát triển ngành công nghiệp môi trường còn hạn chế.
Tại Hội thảo, Bộ Công Thương đã đưa ra những đề xuất, nhiệm vụ ưu tiên của Ngành Công Thương trong công tác bảo vệ môi trường giai đoạn 2011 – 2020, trong đó nhấn mạnh đến một số mục tiêu: Các cở sở sản xuất kinh doanh mới thành lập phải áp dụng công nghệ sạch hoặc trang bị các thiết bị giảm ô nhiễm, xử lý chất thải đảm bảo yêu cầu; Trên 80% các cơ sở sản xuất kinh doanh hiện có phải đạt tiêu chuẩn về môi trường; 95% chất thải rắn thông thường, 85% chất thải nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất công nghiệp được xử lý đạt tiêu chuẩn; 100% các cơ sở gây ô nhiễm theo Quyết định 64/2003/QĐ-TTg Ngành Công Thương được chứng nhận hoàn thành; Phát triển ngành công nghiệp môi trường thành ngành kinh tế có đóng góp quan trọng vào GDP của đất nước; Xanh hóa ngành công nghiệp và phát triển ngành công nghiệp theo hướng bền vững, v.v…
Văn phòng Bộ