Chợ vốn là một hạ tầng xã hội tất yếu trong đô thị và gắn bó chặt chẽ với sự phát triển của các đô thị. Hàng thế kỷ nay, các chợ thực phẩm truyền thống luôn đóng vai trò là những trung tâm kinh tế và xã hội của các cộng đồng dân cư đô thị. Về mặt văn hóa, chợ không chỉ tạo nên những nét đặc trưng của mỗi cộng đồng dân cư đó, mà còn được coi là những không gian quý giá bảo tồn và gìn giữ bản sắc văn hóa địa phương. Về mặt dinh dưỡng và sức khỏe, chợ là kênh cung cấp cho người dân đô thị các thực phẩm tươi ngon và có lợi cho sức khỏe. Về mặt xã hội, chợ còn là nơi gặp gỡ không chính thức của người dân, giúp thắt chặt và làm bền vững các mối quan hệ trong cộng đồng. Trên địa bàn Thành phố Hà Nội hiện có 411 chợ, trong đó số chợ đã phân hạng là 380 chợ, bao gồm 03 chợ đầu mối, 12 chợ hạng 1; 69 chợ hạng 2 và 299 chợ hạng 3. Bình quân mỗi quận, huyện, thị xã có 14 chợ, mỗi chợ phục vụ gần 15.200 người.
Trước sức ép toàn cầu hóa và thương mại hóa mạnh mẽ, có một xu hướng đang diễn ra tại nhiều thành phố ở các nước đang phát triển, đó là: từ bỏ các chợ thực phẩm truyền thống để chuyển sang phát triển các siêu thị và đại siêu thị. Điều này đang mang lại những ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội, cũng như lối sống và kèm theo đó là những tác động đến sức khỏe của người dân thành phố.
Theo đại diện tổ chức HealthBridge - Canada,, tác động đầu tiên của việc bỏ bớt chợ là làm thay đổi cách tiếp cận thực phẩm của người dân. Đối với các siêu thị, về mặt bản chất, các siêu thị cần có bán kính phục vụ khách hàng lớn hơn so với chợ truyền thống để có thể đảm bảo mục tiêu lợi nhuận. Điều này có nghĩa là các siêu thị cần phân tán, cũng có nghĩa là hầu hết người dân vẫn cần phải lái xe khiến nhu cầu giao thông cơ giới gia tăng và gây thêm sức ép lên hệ thống hạ tầng giao thông trong đô thị. Ngoài ra, nếu quá tập trung vào phát triển kênh bán lẻ hiện đại, quyền kiểm soát nguồn cung thực phẩm trên thị trường sẽ được giao cho các công ty tư nhân và việc kiểm soát thị trường cũng sẽ khó khăn hơn.
Đại diện Vụ Thị trường trong nước đã nêu bật những ưu điểm của mô hình doanh nghiệp kinh doanh, quản lý chợ như:
- Năng động hơn, có khả năng huy động được nhiều nguồn lực để phát triển và quản lý chợ (kể cả nguồn lực tài chính để xây dựng, cải tạo, nâng cấp chợ).
- Quản lý và kinh doanh chợ có hiệu quả hơn do có cơ cấu tổ chức phù hợp với hoạt động kinh doanh và đội ngũ cán bộ nhân viên nhìn chung có trình độ nghiệp vụ và quản lý cao hơn so với nhân viên của các Ban quản lý chợ do phần lớn được đào tạo qua trường lớp và có nhiều kinh nghiệm hơn trong hoạt động kinh doanh.
- Giảm bớt được gánh nặng cho Nhà nước vì không phải tăng biên chế, quỹ lương cho lực lượng cán bộ tham gia quản lý chợ; qua hoạt động kinh doanh, nguồn thu của doanh nghiệp cao hơn, có khả năng tích lũy, tái đầu tư vào con người và các công trình phục vụ chợ cũng như đóng góp cho ngân sách nhà nước.
- Có điều kiện thực hiện tốt hơn công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy và văn minh thương mại.
- Tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn, góp phần giải quyết lao động dôi dư trên địa bàn.
Kết luận tại Hội thảo, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa nhận định, không thể phủ nhận những lợi ích mà chợ truyền thống đem lại cho người tiêu dùng trong các đô thị hiện nay. Nhưng nâng cấp hay chuyển đổi mô hình quản lý vẫn là những thách thức đặt ra trong thời gian tới. Bài học từ việc cải tạo và xây dựng một số chợ theo mô hình trung tâm thương mại như Cửa Nam, Ô Chợ Dừa, Hàng Da… ở Hà Nội như hiện nay, về mô hình và ý tưởng thì hay, nhưng thực tế lại không gắn với nhu cầu cộng đồng của người dân và quản lý không được như mong muốn. Điều này rất cần sự chung tay của các cấp, các ngành để duy trì vai trò và vị trí của chợ truyền thống trong đô thị hiện nay.
Moit.govv.vn