Được những người trong nghề nhận định là nơi còn lưu giữ một cách hoàn hảo những tinh hoa của nghệ thuật tạc tượng Việt Nam, sản phẩm tượng của làng nghề Võ Lăng (xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai, Hà Nội) luôn được lấy làm chuẩn mực để đánh giá một bức tượng đẹp cả về giá trị thẩm mỹ, nhân văn và cả giá trị kinh tế. Theo lời chia sẻ của anh Nguyễn Văn Quyết, một trong những thợ trẻ tài hoa và là chủ một CSSX lớn, sở dĩ tượng của Võ Lăng được đánh giá cao bởi mỗi bức tượng đều toát lên vẻ thần thái, uy nghi mà rất mềm mại, sống động. Thêm vào đó, mỗi bức tượng đều là sự sáng tạo, là sự tìm tòi cái mới trong cách thể hiện và mang đậm dấu ấn riêng của người tạc.
Cùng với nhu cầu ngày càng tăng của thị trường thì khoảng 5 năm trở lại đây nghề tạc tượng của Võ Lăng phát triển rất mạnh, theo thống kê của UBND xã dân Hòa, cả thôn hiện có 20 tổ hợp và 30 cơ sở sản xuất, hàng năm Võ Lăng sản xuất ra hàng chục nghìn bức tượng với các kích cỡ khác nhau đem lại doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Để tăng năng suất lao động, Võ Lăng đã cơ giới hóa 50% công đoạn và đang chuyển dần sang chuyên môn hóa sản xuất.
Hơn thế nữa, khoảng 2 năm trở lại đây một số CSSX lớn của Võ Lăng đã xuất khẩu được sản phẩm của làng nghề sang Thái Lan, Đài Loan. Sản phẩm xuất khẩu của Võ Lăng chủ yếu là tượng phật bà, tượng quan âm có kích thước từ 30-70cm, cũng có một số tượng có kích thước lớn khoảng từ 1-1,3m được xuất khẩu nhưng số lượng không nhiều. Theo lời chia sẻ của anh Nguyễn Văn Quyết, tượng xuất khẩu chủ yếu là tượng trang trí, khối lượng nhỏ gọn, nhưng đòi hỏi phải sử dụng những loại gỗ tốt và có giá trị như hoàng đàn, gỗ hương, gỗ pơmu và trong quá trình sản xuất chủ yếu phải làm bằng tay, phải đảm bảo độ mềm, mượt trong từng đường nét chi tiết nhưng bù lại lợi nhuận thu được từ những sản phẩm này lại gấp đôi những sản phẩm thông thường. Hiện nay, tượng của Võ Lăng xuất khẩu chưa nhiều, chỉ khoảng gần 3 tỷ đồng/năm nhưng đã mở ra hướng đi mới đầy triển vọng cho làng nghề.
Đóng góp vào sự phát triển nhanh chóng của Võ Lăng ngày hôm nay có sự góp sức to lớn của các nghệ nhân và lực lượng lao động của làng nghề. Với 80% lao động làm nghề, người thợ Võ Lăng đã góp phần không nhỏ trong việc giữ gìn và phát huy những tinh hoa của nghệ thuật tạc tượng truyền thống. Hơn thế nữa Võ Lăng cũng rất coi trọng việc đào tạo, nâng cao tay nghề cho lớp thợ trẻ của làng nghề, hàng năm Võ Lăng đều tổ chức 2 lớp truyền nghề với khoảng 50 lao động do các nghệ nhân của làng nghề như nghệ nhân Phạm Văn Cường, nghệ nhân Nguyễn Tuấn Tâm truyền dạy. Lực lượng thợ trẻ này được hy vọng là sẽ phát huy và phát triển hơn nữa nghề truyền thống của làng. Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu lao động cho sản xuất các tổ hợp, cơ sở sản xuất của làng nghề đều tự tuyển lao động ở các địa phương xung quanh và đào tạo theo hình thức vừa học vừa làm. Tuy nhiên, số lao động này chủ yếu chỉ làm phần thô, còn khâu tạo hình khuôn mặt và hoàn thiện sản phẩm chủ yếu do người thợ Võ Lăng làm.
Với những sản phẩm đẹp, độc đáo sản phẩm tượng của Võ Lăng đã và đang tạo được niềm tin với người tiêu dùng, hy vọng với hướng phát triển sản phẩm phục vụ cho xuất khẩu làng nghề Võ Lăng sẽ phát triển hơn nữa và góp phần quảng bá sâu rộng những tinh hoa nghệ thuật truyền thống của Việt Nam.
Việt Nga