Là một vùng nông nghiệp, xã Sơn Hà có nghề truyền thống đan lưới chã từ hàng trăm năm nay. Trưởng thôn Thao Ngoại, Vũ Văn Ghi dẫn chúng tôi đi tham quan nghề dệt lưới chã của một số hộ dân trong thôn vui vẻ cho biết, đây là nghề phụ nhưng giờ biến thành nghề chính của các hộ dân ở đây. Nghề dệt lưới chã cha ông để lại đã giúp người dân làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, giải quyết việc làm cho 70% số hộ dân trong thôn. Thao Ngoại là thôn Công giáo toàn tòng, một trong 16 xứ đạo được công nhận danh hiệu Làng văn hóa, người dân năng động trong làm ăn, số hộ nghèo trong thôn luôn thấp hơn các địa bàn khác.
Đi trong xóm đạo thanh bình, vang lên lạch xạch tiếng máy dệt, mặc khách đứng ngắm nghía anh Vũ Văn Lếp, một thợ dệt vẫn mải mê bên khung dệt, từng sợi cước trắng muốt qua khung dệt trở thành những tấm lưới vừa chắc, vừa dai. Ngừng tay dệt, anh cho biết: mỗi ngày anh dệt khoảng 25 kg lưới chã, được khoảng 125.000 đồng tiền công, cao gấp nhiều lần so với làm nông nghiệp. Theo những cụ già ở Sơn Hà, xưa kia, các hộ dân chủ yếu đan lưới đánh cá, giá chỉ vài trăm đồng một chiếc, nay nghề này vẫn tiếp tục duy trì nhưng người dân chuyển sang dệt bằng máy, năng suất và ngày công lao động cao hơn nhiều so với trước. Ngoài dệt lưới chã, thôn Thao Ngoại còn làm các nghề thắt lưới đánh cá, dệt tua trang trí hàng mã, làm hoa, may túi.
Trưởng thôn Thao Ngoại Vũ Văn Ghi tự hào với nghề truyền thống của quê hương nhưng cũng than cho cái khó về vốn của các hộ làm nghề. Do không có vốn nên hầu hết các hộ đều dệt thuê cho một số chủ thầu cung cấp nguyên liệu, thu nhập không cao. Nghề phát triển, đời sống bà con cải thiện nhiều so với trước nhưng số hộ giàu chưa nhiều. Cả thôn có khoảng 70-80 máy dệt, nhà nhiều có 2-3 máy, thu nhập mỗi hộ được khoảng 4-5 triệu đồng.
Là một trong 2 làng nghề của xã Sơn Hà, Thôn Thao Nội có nghề may túi da đem lại thu nhập cao nhất trong các nghề phụ của xã. Bám theo trục đường của huyện là những ngôi nhà cao tầng xây theo kiểu hiện đại chủ yếu của các đôi vợ chồng trẻ. Đây là lớp người năng động nhất trong phát triển kinh tế hộ gia đình ở địa phương. Cặp vợ chồng Long- Hương thuộc thế hệ 8X mở xưởng may túi da 4 năm nay có 15 máy may, trả lương cho thợ từ 60.000-120.000 đồng/ngày. Học nghề từ những hộ trong làng, đôi vợ chồng trẻ đã nhanh chóng phát triển xưởng may, tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng chục lao động, cả người già và trẻ em đều có thể phụ việc. Đầu tiên chỉ làm sản phẩm lót giày, bao kính sau đó chuyển sang làm túi, sản phẩm làm ra xuất đi các tỉnh thành phố, cả các tỉnh phía nam.
Trên trục đường từ thôn Thao Nội sang Thao Ngoại, trong những ngôi nhà đầy ắp nguyên liệu may túi, già trẻ, gái trai, ai ai cũng bận rộn, ít thấy cảnh túm tụm ngồi " buôn dưa lê" các quán nước vỉa hè như một số vùng quê khác. Theo cán bộ xã, hiện thôn Thao Nội có 420 hộ dân, trong đó có 341 hộ làm nghề phụ, nghề này đặc biệt phát triển khoảng 10 năm trở lại đây. Điều đáng mừng, nghề này đang được lớp trẻ tiếp cận và phát triển bắt kịp với thị hiếu của người tiêu dùng. Tất cả các mẫu mã khách hàng yêu cầu đều được những thợ thủ công lành nghề làm đúng yêu cầu, giá cả phải chăng, phù hợp với túi tiền của lớp người bình dân, hiện đang chiếm số đông trong xã hội.
Trao đổi PV, lãnh đạo xã Sơn Hà cho biết, nghề dệt lưới chã và may túi đã tạo việc làm thường xuyên cho các lao động trong xã và các xã xung quanh; thúc đẩy phát giá trị sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp-thương mại dịch vụ của địa phương. Tuy nhiên bên cạnh đó sự phát triển của làng nghề còn những hạn chế như vốn sử dụng để sản xuất của người dân trong làng nghề rất hạn hẹp, quy mô sản xuất chủ yếu là các hộ gia đình hình thức sản xuất nhỏ lẻ. Năm 2009, cả xã Sơn Hà có 1420 hộ dân trong đó có 1058 hộ làm nghề, góp phần nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp của xã lên 48 tỷ 939 triệu đồng.
Chia tay xứ đạo Thao Ngoại, mang theo tâm sự của những giáo dân mong muốn đồng hành cùng đồng bào các giới xây dựng cuộc sống no ấm ở quê hương, chúng tôi hy vọng một ngày không xa, nơi đây sẽ trở thành một làng quê sung túc bởi tinh thần vượt khó vươn lên, mở mang thêm ngành nghề mới bắt kịp xu hướng thị trường, đồng thời duy trì, phát triển nghề truyền thống của cha ông./.
Tuyết Mai