Thưa ông, Nghị định 84 có những thay đổi ưu việt gì so với Nghị định 55 trước đây về cơ chế kinh doanh xăng dầu?
- Nghị định 84/2009/NĐ-CP xây dựng trên tư duy chung là hướng tới một thị trường hóa xăng dầu có sự quản lý của Nhà nước.
Trước đây, Nghị định 55/2007/NĐ-CP chỉ liên quan đến vấn đề nhập khẩu đảm bảo cho tiêu dùng nội địa, như quản lý việc nhập khẩu, hạn mức, giá cả... nhưng nghị định mới coi kinh doanh xăng dầu là hoạt động, cùng với hoạt động đảm bảo cho thị trường nội địa còn có xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, gia công xuất khẩu xăng dầu, nguyên liệu; sản xuất và pha chế xăng dầu; phân phối xăng dầu tại thị trường trong nước... Tóm lại là thị trường hóa xăng dầu ở mức cao nhất. Từ đó cụ thể hóa mọi quản lý của Nhà nước với việc coi xăng dầu là mặt hàng an ninh năng lượng quốc gia, hoạt động theo Luật Thương mại, theo danh mục hàng hóa có điều kiện.
Nghị định quy định những điều kiện để kinh doanh xăng dầu trên thị trường nội địa, xử lý giá thế nào, rồi kiểm soát hạn mức dự trữ, an ninh năng lượng, tiến độ nhập khẩu, tiến độ giao hàng… Nghị định 84 là hướng mở, tạo quyền chủ động cho DN trong kinh doanh, như hôm nay DN có thể mua nhiều, nhưng sau đó có thể bán, xuất khẩu..., Vì thế có quy định mới về xuất khẩu hàng nhập khẩu. Đây là sự thay đổi lớn trong cơ chế mới.
Trước đây, Nghị định 55 quy định 6 điều kiện đối với doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu, nhưng điều kiện đầu tiên đã thu hẹp cơ hội thành phần tham gia thị trường, đó là điều kiện DN đầu mối phải là doanh nghiệp nhà nước, nhưng nay Nghị định 84 quy định các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thuộc mọi thành phần và hoạt động theo quy định của luật pháp Việt Nam nếu đảm bảo các điều kiện quy định trong nghị định. Như vậy, khả năng mở ra rất nhiều, với mong muốn mở ra thị trường cạnh tranh, mở đầu cho việc các thành phần kinh tế tham gia vào thị trường xăng dầu, từ đó tích tụ để tạo ra nhân tố mới, tạo ra thị trường cạnh tranh tốt hơn.
Nghị định 84 cũng thể hiện rõ các quan điểm quản lý nhà nước đối với kinh doanh xăng dầu. Trước đây Nghị định 55 đặt vấn đề quản lý nhà nước về giá cả nhưng không thể chế hóa được, nhưng nay việc quản lý nhà nước từ khâu quy hoạch (quy hoạch cầu cảng, đường ống kho đầu mối, kho trung chuyển...) đến việc quyết định về dự trữ, điều kiện kinh doanh đều có phân vai, ví như quy hoạch mạng lưới bán lẻ ai làm. Đặc biệt là về xây dựng giá, quy định DN được quyền làm gì, vai trò giám sát của quản lý nhà nước thế nào, vào lúc nào, thời điểm nào thì Nhà nước can thiệp...
- Có nhiều ý kiến lo ngại, khi mở hướng cho các thành phần kinh tế tham gia vào thị trường xăng dầu, phát triển cạnh tranh, khả năng sẽ có thêm nhiều đầu mối kinh doanh, điều đó sẽ dẫn đến khó kiểm soát?
- Việc thiết kế chính sách phải hướng về lâu dài. Ở đây, nghị định đưa tiêu chí là hướng tới một thị trường cạnh tranh ngày càng hoàn thiện và lành mạnh chứ không phải định ra một thiết chế để Nhà nước quản lý chi tiết. Nhưng hiện nay, khi chưa có cạnh tranh thì Nhà nước phải thò “bàn tay vào quản lý, song xu hướng, phải buông dần ra để thị trường tiến tới cạnh tranh.
Nhà nước chỉ quy định các điều kiện để DN tham gia hoặc rút lui khỏi thị trường. Ví dụ, điều kiện để Dn tham gia là phải có cầu cảng, phương tiện vận chuyển, hệ thống kho đầu mối, hệ thống phân phối, số lượng cửa hàng tối thiểu … Mà những điều kiện đó không phải ai cũng dễ dàng đầu tư được, không phải cứ muốn là có thể “vào” được thị trường, bởi vì xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, phải đảm bảo an ninh. Cho đến bây giờ nhiều người vẫn lầm tưởng, cơ chế mới có thế cho phép nhập xăng dầu thoải mái, tuy nhiên, để làm được việc đó, thương nhân phải có một hệ thống cơ sở vật chất, đó chỉ là một trong những điều kiện để Nhà nước quản lý.
- Nghị định 84 có lường trước việc mở cửa thị trường cho doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài vào đầu tư hay không, khi đó số phận của DN Việt Nam thế nào, thưa ông?
- Có thể khẳng định, theo cam kết mở cửa dịch vụ phân phối, Việt Nam không mở cửa thị trường xăng dầu. Nhưng điều đó không có mốc và chưa có giới hạn thời gian, đến nay chưa có doanh nghiệp FDI tham gia vào thị trường xăng dầu. Tuy nhiên, trong Nghị đinh 84 vẫn tính toán đến xu hướng có thể mở cửa. Vì thế, ngay từ bây giờ, tốt nhất là DN Việt Nam phải tận dụng cơ hội để phát triển, tạo ra sự cạnh tranh tốt. Nghị định đã mở ra cho các thành phần khác tham gia vào thị trường, nhưng kèm theo đó phải quan tâm đến đầu tư cơ sở vật chất. Cụ thể là, đối với phương tiện vận chuyển, cầu cảng, kho bể, cửa hàng..., DN có thể sở hữu, đồng sở hữu hoặc thuê nhưng riêng việc xây dựng, thiết kế hệ thống cửa hàng của mình (từ cửa hàng của thương nhân đầu mối đến cửa hàng của tổng đại lý, đại lý bán lẻ) không được phép thuê mượn. Điều kiện đó nhằm để chống tình trạng “sau một đêm một loạt cửa hàng xăng dầu trong nước có thể trở thành đại lý khi mở cửa”, bởi vì các DN phải tính đến khả năng có thể mở cửa thị trường xăng dầu.
- Việc quản lý hệ thống đại lý vẫn còn rất nan giải đối với nhiều DN đầu mối, Nghị định 84 đã đề xuất giải pháp quản lý tối ưu hơn?
- Nghị định mới chỉ đề ra các điều kiện cho tổng đại lý và đại lý bán lẻ chứ không cấp phép, chỉ quy định cấp “Giấy đủ điều kiện kinh doanh” cho cửa hàng xăng dầu. Không cấp phép không có nghĩa là không quản lý, đối với các tổng đại lý, đại lý lại phải tăng cường hậu kiểm. Ví dụ một thương nhân đầu mối xăng dầu khi ký với một tổng đại lý thì phải kiểm tra xem tổng đại lý có đủ tiêu chuẩn quy định tổng đại lý hợp pháp hay không, nếu không, thương nhân đầu mối phải chịu trách nhiệm, hoặc tổng đại lý phải kiểm tra xem đại lý bán lẻ có đủ điều kiện hay không mới ký hợp đồng.
Để xử lý việc các thương nhân đầu mối khó quản lý hệ thống phân phối, lần này nghị định mới quy định, việc treo biển hiệu hay không là thực hiện theo Luật Sở hữu trí tuệ. Thương nhân đầu mối và đại lý thỏa thuận với nhau, nếu đại lý làm tốt, có uy tín thì mới cho phép treo biển hiệu của mình. Ngoài ra, để tránh việc tranh giành đại lý gây bất ổn trong hệ thống bán hàng, Bộ Công Thương dự kiến nâng thời gian làm đại lý cho một thương nhân đầu mối từ 6 tháng lên 1 năm.
- Nhiều ý kiến nghi ngờ rằng, khi Nghị định 84 có hiệu lực, cho phép DN được quyền tự quyết định giá bán thì khả năng tăng giá xăng dầu sẽ diễn ra nhanh hơn, mức độ cao hơn là khi hạ giá, Nhà nước giải quyết mâu thuẫn này như thế nào?
- Trong Nghị định mới đã nói rõ, việc tính giá bán xăng dầu dựa trên cơ sở giá nhập plast Xingapo cộng thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, phí… Việc công khai thành phần giá để tránh tình trạng doanh nghiệp kêu lỗ và người tiêu dùng cũng kêu giá cao, quản lý nhà nước chậm so với thị trường thế giới. Việc cho phép DN được quy định giá đã làm thoát ly việc quản lý quá chi tiết và nhằm mục đích để giá trong nước biến thiên được phù hợp với giá thế giới, tức là khi giá thế giới bình thường thì giá trong nước cũng biến thiên bình thường, nhưng khí giá thế giới tăng giảm thì giá trong nước sẽ cùng một nhịp.
Hơn nữa, khi lên giá xăng dầu tăng hay giảm Nhà nước cũng có sự giám sát, thông qua việc công bố giá thế giới.
Trước đây nhiều người cho rằng, chỉ có cơ quan quản lý giá mới giám sát được giá xăng dầu, nhưng nay khi giá trong nước tiến cùng nhịp với giá thế giới thì cả xã hội và cơ quan quản lý đều có thể giám sát được. Giả dụ, giá thế giới đã “xuống” trong một khoảng thời gian vài ngày mà thương nhân đầu mối không giảm giá bán sẽ chịu áp lực của dư luận, đồng thời cơ quan quản lý cũng có trách nhiệm can thiệp, yêu cầu thương nhân đầu mối phải giảm giá bán, ngoài ra còn áp dụng hình phạt là thu lại khoản chênh lệch giá bán không được phép thu. Nghị định có chế tài xử phạt trong những điều khoản về giá, thông qua sự minh bạch công khai, là một trong những yêu cầu của chính sách, lần này Nghị định 84 xây dựng trên nguyên tắc đó.
- Hiện nay có hiện tượng, các DN đầu mối cùng tăng, giảm giá xăng dầu theo cùng một mức, khi thực hiện Nghị định 84 liệu còn tiếp diễn việc này nữa không, thưa ông?
- Theo logic khi thị trường cạnh tranh hoàn thiện thì chắc chắn sẽ có sự khác nhau giữa giá bán của các DN, bởi vì cơ quan quản lý không thể làm thay thị trường được. Nhà nước chỉ thiết kế ra một môi trường, tạo sự cạnh tranh lành mạnh, chứ không thể yêu cầu cơ quan quản lý giám sát hết mọi chi phí của tất cả các mặt hàng, không Nhà nước nào có đủ sức để làm được điều đó. Nghĩa vụ của Nhà nước là tạo ra cơ chế để chi phí tạo ra hàng hóa ngày càng thấp nhất, mà muốn vậy chỉ thông qua cạnh tranh, nghĩa vụ của Nhà nước là tạo một thị trường cạnh tranh bình đẳng, phản ánh qua giá bán, chi phí và dịch vụ có tính cạnh tranh.
- Dư luận cho rằng, Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam chiếm một thị phần lớn, khó tạo một môi trường cạnh tranh, như thế có khả năng vẫn diễn việc các DN bán cùng một giá xăng dầu?
- Theo Luật Cạnh tranh, trừ khi DN lạm dụng vị thế cạnh tranh để gây tổn hại đến môi trường kinh doanh, đến đối thủ cạnh tranh hoặc đến lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng thì đó mới là cạnh tranh bất bình đẳng. Còn bản thân độc quyền không xấu, chỉ khi lạm dụng vị trí độc quyền mới là xấu. Vì thế không nên nhìn nhận một chiều, hơn nữa, kinh doanh xăng dầu còn có sự giám sát của Nhà nước, của dư luận xã hội.
- Để giữ ổn định giá xăng dầu, nhiều DN có ý kiến phải ổn định thuế, Nghị định 84 có giải quyết được bài toán thuế hay không?
- Tôi cho rằng đó là ý kiến không sai, bởi vì trong cơ cấu tính giá, phí gần như không đổi, thường chỉ thay đổi thuế, mà trong đó thay đổi chủ yếu là thuế nhập khẩu. Khi thay đổi thuế thì giá cơ sở cũng thay đổi, tất yếu DN phải thay đổi giá bán. Hiện nay, Bộ Tài chính cũng đã tính toán tới việc ổn định thuế ở mức độ nào đó, nhưng về dài hạn thì Bộ Công Thương vẫn có ý kiến đề xuất là đánh thuế tuyệt đối, hơn nữa, để giá xăng trong nước phụ thuộc vào giá thế giới chứ không phụ thuộc vào thuế NK. Theo cam kết, thuế NK cũng có lộ trình giảm dần vì thế không nên lạm dụng công cụ thuế quá nhiều. Trong khi hiện nay các nước xung quanh cũng đang sử dụng thuế tuyệt đối khá nhiều. Mà thuế tuyệt đối lại cơ cấu cả nguồn thu nội địa, sẽ tạo bình đẳng giữa nguồn nhập khẩu và nguồn trong nước và DN cũng sẽ tiên định được nên việc xác định giá chủ động.
Thanh Hương (thực hiện)