Mới đây tại trụ sở Bộ Công Thương, Hội nghị giao ban trực tuyến công tác tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2015 đã được diễn ra với sự tham gia của lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ, các Sở Công Thương, các Tập đoàn, Tổng công ty trực thuộc Bộ. Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú đã tham dự và chỉ đạo Hội nghị.


Báo cáo về tình hình hoạt động ngành công nghiệp và thương mại tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2015, bà Nguyễn Thúy Hiền – Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch cho biết, trong tháng 4 năm 2015, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó: ngành công nghiệp khai khoáng tăng 5,8%, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,9%, ngành sản xuất, phân phối điện tăng 6,7% và ngành cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2014.

Tính chung 4 tháng năm 2015, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hầu hết các ngành công nghiệp đều có mức tăng trưởng cao hơn so với mức tăng cùng kỳ năm trước. Một số ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất 4 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước: sản xuất xe có động cơ tăng 33,6%; dệt tăng 22,5%; sản xuất da và các sản phẩm liên quan tăng 21,7%; sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 20,8%, v.v... Các sản phẩm công nghiệp có tốc độ tăng cao hơn tốc độ tăng của toàn ngành: điện sản xuất tăng 12,1%; xăng dầu các loại tăng 12,5%…


Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 3 tăng 35,6% so với tháng trước và tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2014. Tính chung 3 tháng đầu năm 2015, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó các nhóm ngành có tăng trưởng cao so với cùng kỳ như: sản xuất xe có động cơ, sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học, v.v…Hai ngành có chỉ số tiêu thụ giảm so với cùng kỳ là sản xuất thuốc lá và sản xuất phương tiện vận tải khác, v.v…

Tại thời điểm 01 tháng 4 năm 2015, chỉ số tồn kho của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,3% so với thời cùng thời điểm năm 2014. Trong đó một số ngành chỉ số tồn kho cao là: sản xuất chế biến thực phẩm, sản xuất đồ uống, sản xuất da và các sản phẩm có liên quan, v.v…

Kim ngạch xuất khẩu tháng 4 ước đạt 13,8 tỷ USD, tăng nhẹ so với tháng 3. Một số mặt hàng nông sản có sự tăng nhẹ về số lượng và trị giá xuất khẩu do bắt đầu vào vụ thu hoạch, nhóm công nghiệp chế biến tăng tập trung vào một số mặt hàng như giấy, sản phẩm mây tre, vải mành, v.v… Tuy nhiên, một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm hoặc tăng trưởng không tốt so với thông lệ như dệt may, điện thoại, linh kiện máy tính, v.v…

Kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2014. Đây là mức tăng trưởng thấp so với các năm trước cũng như thấp hơn kế hoạch đề ra. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản và nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản đều giảm mạnh so với cùng kỳ. Đối với nhóm nông, thủy sản, nguyên nhân chính làm giảm kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này là do các tháng đầu năm thường chưa phải thời điểm và mùa vụ xuất khẩu nên lượng xuất khẩu giảm. Đối với nhóm nhiên liệu, khoáng sản, nguyên nhân do giá dầu thô và xăng dầu xuất khẩu giảm mạnh, kéo kim ngạch xuất khẩu của nhóm giảm.


Đối với nhập khẩu, kim ngạch 4 tháng đầu năm tăng 19,9% so với cùng kỳ, tương đương 8,8 tỷ USD về giá trị tuyệt đối. Đây là mức tăng khá cao, tuy nhiên, nếu xét riêng tháng 4 thì kim ngạch nhập khẩu đã giảm 2,3% so với tháng trước, tương đương với 336 triệu USD.

Thị trường hàng hóa đa dạng, nhu cầu đối với các mặt hàng gia dụng cho mùa hè bắt đầu tăng, giá cả phần lớn các mặt hàng thiết yếu nhìn chung ổn định. Nguồn cung các mặt hàng nông sản dồi dào. Tuy nhiên, do ách tắc tại một số khâu trong tiêu thụ cũng như những thay đổi tại thị trường tiêu thụ truyền thống nên một số loại nông sản như dưa hấu, hành tím, hành tây… có hiện tượng ùn ứ tại các địa phương sản xuất, giá giảm sâu. Trước tình hình này, nhiều tổ chức cá nhân đã tự nguyện đứng ra và tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng, các địa phương, tổ chức tiêu thụ các mặt hàng trên cho nông dân.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội tháng 4 ước đạt 255,617 nghìn tỷ đồng tăng 2,48% so với tháng trước và tăng 7,13% so với cùng kỳ.Tính chung 4 tháng đầu năm tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ ước đạt 1.042,403 nghìn tỷ đồng, tăng 8,84% so với cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 tăng 0,14% so với tháng 3 năm 2015 và tăng 0,99% so với tháng 4 năm 2014.

Đảm bảo lượng điện ổn định và an toàn

Báo cáo về tình hình sản xuất, kinh doanh những tháng đầu năm 2015, ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, trong tháng 4, hệ thống điện được vận hành ổn định, an toàn, đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống sinh hoạt của người dân. Tập đoàn tiếp tục khai thác tối đa các nguồn nhiệt điện than và tua bin khí, các nguồn thủy điện khai thác theo kế hoạch điều tiết nước cho mùa khô, đáp ứng yêu cầu cấp nước hạ du, mua điện Trung Quốc ở mức hợp lý theo điều kiện tải khu vực và chất lượng điện áp.

Lượng điện sản xuất trong tháng 4 năm 2015 ước đạt 12,87 tỷ kWh, tăng 11,1% so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng đầu năm 2015, điện sản xuất ước đạt 47,3 tỷ kWh, tăng 12,1%.

Ông Nguyễn Tài Anh cũng nhấn mạnh, hiện nay mực nước dự trữ đang cạn kiệt, vì vậy việc chống hạn ở miền Trung là bức thiết hơn bao giờ hết. Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã làm việc với các tỉnh về vấn đề này. Bên cạnh đó, đối với các nguồn cung cấp điện cho Miền Nam, Tập đoàn cũng đã có nhiều cuộc họp bàn để có hướng giải quyết tốt nhất. Bằng các giải pháp được triển khai, lượng điện cung cấp cho Miền Nam sẽ được đảm bảo an toàn và đầy đủ trong thời gian tới. Tuy nhiên, một vấn đề đáng lo đối với việc cung cấp điện trên địa bàn Hà Nội đó là do công tác giải phóng đền bù rất khó khăn, chính vì thế việc cung cấp điện ở Hà Nội có thể sẽ thiếu vì không đảm bảo được các nguồn dây truyền tải cho khu vực này.


Theo chỉ đạo của Chính phủ, tổn thất của toàn hệ thống phải giảm xuống 8%. Tập đoàn đang tập trung vào các giải pháp để có thể thực hiện được chỉ tiêu này. Tổn thất của toàn bộ hệ thống trong năm 2014 là 8,45%. Nếu giảm được 0,45% là một thành công rất lớn đối với ngành.

Cần gỡ khó cho các doanh nghiệp dệt may trong việc triển khai Thông tư số 38/2015/TT-BTC

Chia sẻ về tình hình sản xuất, kinh doanh những tháng đầu năm 2015, ông Hoàng Vệ Dũng – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may cho biết, Tập đoàn đang tập trung vào các giải pháp để thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Đặc biệt công tác xúc tiến thương mại được vẫn được Tập đoàn chú trọng. Mặc dù quý I, tình hình sản xuất kinh doanh có trầm lắng, tuy nhiên theo như dự kiến 6 tháng đầu năm 2015 có thể sẽ đạt xấp xỉ 50% kế hoạch. Bên cạnh xúc tiến thương mại, Tập đoàn tập trung vào đầu tư, cụ thể: trong 4 tháng đầu năm đã khởi công rất nhiều dự án lớn, lớn nhất là dự án Quế Sơn ở Quảng Nam với tổng mức đầu tư 450 tỷ, dệt kim ở Đà Nẵng, v.v…

Nhấn mạnh rằng, dệt may là một trong những ngành xuất khẩu lớn. Tuy nhiên việc triển khai Thông tư số 38 trong thời gian qua đã khiến cho các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn và gây ách tắc hàng hóa. Lãnh đạo Tập đoàn Dệt may đề nghị Bộ Công Thương có những buổi làm việc cụ thể với Tổng cục Hải quan để gỡ khó cho doanh nghiệp về vấn đề này.

Huy động các giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ nông sản

Một trong những vấn đề trọng tâm được thảo luận tại cuộc họp giao ban trực tuyến đó là tình hình sản xuất và tiêu thụ nông sản trong thời gian qua, trong đó có mặt hàng dưa hấu. Báo cáo về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Lê – đại diện Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam cho biết, tại Quảng Nam, có 18 huyện, thị thành nhưng chỉ có 4 huyện có dưa với diện tích 790 ha. Đợt lũ vừa qua Quảng Nam thiệt hại chủ yếu về dưa, với 570 ha ngập lụt với thiệt hại 2.600 tấn. Đại diện Sở Công Thương Quảng Nam kiến nghị, trong thời gian tới cần xây dựng thương hiệu cho dưa Quảng Nam để mặt hàng này có chỗ đứng và không bị rớt giá, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Không chỉ mặt hàng dưa gặp khó, đối với mặt hàng gạo tại TP Hồ Chí Minh cũng đang nằm trong tình trạng tương tự. Báo cáo về vấn đề này, ông Trần Vinh Nhung – Phó giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, gạo là mặt hàng quan trọng nhưng năm nào cũng có tồn hàng và phụ thuộc vào sự phân bổ của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), bởi điều kiện được đặt ra đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo là phải có kho bãi, nhà máy chế biến. Theo lãnh đạo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, vấn đề đặt ra hiện nay đối với mặt hàng gạo dư thừa là phải làm thế nào để các doanh nghiệp cùng tham gia xuất khẩu chứ không qua trung gian thì xuất khẩu mới được đẩy nhanh. Mặc dù chúng ta đã có xây dựng mô hình “cánh đồng mẫu lớn” nhưng phải có linh hoạt trong thời điểm này, bởi lượng hàng tồn kho trong doanh nghiệp đang lớn. Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cũng đề nghị, đối với mặt hàng gạo vẫn theo sự quản lý chung của Bộ Công Thương và VFA. Tuy nhiên, đối với những doanh nghiệp có thị trường và có bạn hàng nên linh hoạt để đẩy mạnh việc xuất khẩu gạo.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, đại diện VFA cho biết, tình hình xuất khẩu mặt hàng gạo từ đầu năm đến nay đạt gần 1,5 triệu tấn, giảm 15% lượng 19% về giá. Tồn kho tính đến thời điểm này ở mức 1.730.000 tấn. Hiện nay đã hoàn thành 1.000.000 tấn tạm trữ. Thị trường xuất khẩu lớn nhất của gạo Việt Nam từ đầu năm đến nay vẫn là Trung Quốc, tiếp đến là Philippins, Châu Phi, v.v… Thời gian gần đây giá xuất khẩu giảm sâu, kéo theo giá trong nước giảm. Tuy nhiên việc tác động của quá trình giảm giá này chưa ảnh hưởng trực tiếp tới người nông dân nhưng đã ảnh hưởng trực tiếp tới doanh nghiệp bởi lượng gạo tạm trữ chưa tiêu thụ được. Trong thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều phiên họp chuyên về sản xuất và tiêu thụ lúa gạo với nhiều giải pháp cụ thể. Hiệp hội đang đợi văn bản chính thức về vấn đề này.

Trả lời thắc mắc của Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh về việc cấp hạn ngạch đối với mặt hàng gạo, lãnh đạo VFA cho biết, hiện nay việc xuất khẩu gạo được thực hiện theo Nghị định 109/2010/NĐ-CP, không có hạn ngạch mà chỉ có giấy chứng nhận điều kiện kinh doanh do Bộ Công Thương cấp cho từng doanh nghiệp chứ VFA không phải là đơn vị cấp cho mặt hàng này.

Cùng với mặt hàng gạo thì cà phê cũng là một trong những mặt hàng có sự sụt giảm cả về lượng và giá trong thời gian qua. Báo cáo về vấn đề này, ông Nguyễn Viết Vinh – Tổng thư ký Hiệp hội Cà phê, Ca cao Việt Nam cho biết, mặt hàng cà phê niên vụ 2014 – 2015 đã thu hoạch xong với sản lượng giảm từ 20% so với niên vụ trước. Theo dự kiến, 4 tháng đầu năm 2015 lượng xuất khẩu chỉ đạt 465.000 tấn với 968 triệu USD, giảm 41,8% về lượng và giảm 39,4% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước. Trong 3 tháng đầu năm, Đức và Hoa Kỳ vẫn là 2 thị trường nhập khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam với lượng nhập khẩu lần lượt là 68.950 tấn và 43.866 tấn. Trong tháng 1/2015, giá nội địa đã nhỉnh lên một chút với mức giá trung bình đạt 40.100 đồng/kg, trong khi đó giá FOB (HCM) lại giảm xuống còn 1.873 USD/tấn. Sang tháng 2, giá nội địa còn 39.900 đồng/kg còn theo giá FOB (HCM) chỉ còn 1.846 USD/tấn. Như vậy giá xuất khẩu còn thấp hơn giá thu mua trong nước. Nguyên nhân của tình trạng trên được xác định là do đồng Đô la Mỹ tăng so với các đồng tiền khác, các quỹ đầu cơ tài chính quốc tế tham gia vào thị trường bán khống nhiều hợp đồng giấy làm cho giá cà phê giảm mạnh. Tỷ giá đồng nội tệ với Đô la Mỹ ở các nước xuất khẩu giảm dẫn đến giảm mức tồn kho. Tỷ lệ chênh lệch giá giữa cà phê Robusta và Arabica khiến thương nhân mua nhiều Arabica hơn Robusta. Giá trong nước cao hơn giá trên sàn giao dịch kỳ hạn London và New York. Hiện giá quá thấp khiến nông dân và nhà xuất khẩu đều không mặn mà với việc bán ra mà chỉ cầm hàng để chờ giá trên 40 triệu đồng/tấn đối với cà phê Robusta nhân xô mới bán.


Chính vì vậy, đại diện Hiệp hội Cà phê, Ca cao Việt Nam đề nghị có những ưu đãi về mặt lãi suất cho các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê được tiếp cận nhanh nguồn vốn với lãi suất ưu đãi để thu mua xuất khẩu và triển khai công tác tái canh cây cà phê trong các niên vụ tới; Tháo gỡ khó khăn trong việc đơn giản thủ tục, thời gian, Hải quan và công tác kiểm dịch hàng hóa xuất khẩu để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp.

Trước các vấn đề liên quan đến việc tiêu thụ nông sản tại thị trường nội địa cũng như các vấn đề liên quan đến xuất khẩu tiêu ngạch bị ách tắc tại các cửa khẩu trong thời gian qua, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, Nhà nước có những cơ chế chính sách phù hợp, hỗ trợ người dân trong việc tiếp cận thị trường, sản xuất, chế biến, tiêu thụ tạo ra môi trường cạnh tranh, mở cửa thị trường.

Qua tổng hợp cho thấy, dưa hấu là một sản phẩm mùa vụ. Tại Việt Nam, mỗi năm thu hoạch được khoảng 1.300.000 tấn, trong khi đó, tiêu thụ tại Trung Quốc chưa tới 300.000 tấn. Điều đó có nghĩa tiêu thụ trong nước khoảng 1.000.000 tấn. Chúng ta đã làm tốt công tác tiêu thụ mặt hàng này tại thị trường nội địa. Bên cạnh đó, đối với mặt hàng hành tím, vừa qua Bộ Công Thương có Công văn số 3954/BCT-TTTN ngày 22/4/2015 về việc triển khai các giải pháp, đề nghị có thông tin giữa các vùng, các đầu mối, thúc đẩy tiêu thụ tại nội địa, bước đầu đã có tác động tích cực. Tuy nhiên về lâu dài, để mặt hàng này được tiêu thụ một cách bền vững, cần có sự chủ động hơn nữa từ phía địa phương, các sở Công Thương trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu từ nhiều năm qua đối với những mặt hàng mang tính mùa vụ, có số lượng lớn. Từ đó có các biện pháp tổ chức sản xuất, khuyến cáo sản xuất, thị trường tiêu thụ, tránh tình trạng như thời gian qua.

Lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước cũng nhấn mạnh, trong thời gian tới, đơn vị được giao phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Công Thương Bắc Giang, Sở Công Thương Hải Dương, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh có những hỗ trợ, kết nối, giảm tải biên giới, giữ giá cho người tiêu thụ nhưng các địa phương phải chủ động. Bộ sẽ chỉ đạo, điều hành. Bộ Công Thương sẽ sát cánh cùng các Sở làm hết trách nhiệm trong việc kết nối tiêu thụ các vụ mùa trong thời gian tới.


Chia sẻ về tình trạng ùn tắc mặt hàng gạo tại cửa khẩu Lào Cai trong thời gian qua, ông Lê Biên Cương – Phó Vụ trưởng Vụ Thương mại biên giới và Miền núi cho biết, hiện nay, các sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc không tránh khỏi những rủi ro. Bởi nếu xuất khẩu qua cửa khẩu chính thì thuế suất của mặt hàng gạo là 17%, ngoài ra còn bị kiểm soát chặt chẽ từ tiêu chuẩn, chất lượng, vệ sinh chính. Vì vậy các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu qua đường tiểu ngạch với các chính sách biên mậu. Chính vì vậy, đã dẫn đến tình trạng hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu chính không có, xuất qua cửa phụ lại bị ùn ứ.

Chính vì vậy theo lãnh đạo Vụ Thương mại biên giới và Miền núi, vấn đề đặt ra là cần xây dựng cơ chế tạo thuận lợi cho việc tiêu thụ; Khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu qua các cửa khẩu chính, vì chúng ta giáp danh với nhiều cửa khẩu nên phải tạo cơ chế điều hành cho doanh nghiệp tận dụng chính sách thương mại biên giới.

Trước tình trạng hàng hóa ùn ứ, Vụ Thương mại biên giới và Miền núi đã phối hợp với Sở Công Thương Lào Cai huy động kho chứa tích trữ lương thực. Đối với các xe tải không tích trữ được huy động các phương tiện có thể che phủ được tránh làm sản phẩm bị hỏng; Ký kết hàng hóa dịch vụ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đại diện Vụ Thương mại biên giới và Miền núi cũng đề nghị Cục Xuất nhập khẩu và Cục Xúc tiến thương mại tăng cường các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu, hỗ trợ mặt hàng nông sản của Việt Nam.

Liên quan đến tiêu thụ nông sản bị ùn ứ trong thời gian qua, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu nhận định, đây không phải là vấn đề mới. Trong thời gian tới, Cục Xuất nhập khẩu sẽ phối hợp chặt chẽ Vụ Thị trường trong nước, có sự hỗ trợ từ Vụ Thương mại biên giới và Miền núi và Cục Xúc tiến thương mại để đẩy mạnh các biện pháp, chính sách hỗ trợ tiêu thụ mặt hàng nông sản cho người dân.

Tập trung các giải pháp để khơi thông thị trường

Kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú nhấn mạnh, trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngành Công Thương cần tập trung để hoàn thành các nhiệm vụ đề ra trong đó tập trung các giải pháp về thị trường, khơi thông dòng vốn, tăng trưởng tín dụng, mở rộng thị trường xuất khẩu, xúc tiến thương mại. Đối với toàn ngành, Thứ trưởng nhấn mạnh, các ngành cần tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, thực hiện có hiệu quả những kế hoạch đề ra; Thực hiện tốt Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ; Tập trung cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Trong 2015 giải quyết nhiệm vụ trọng yếu mà Chính phủ giao, sớm hoàn thành các văn bản quy phạm pháp luật, các đề án của chương trình công tác năm 2015, tập trung xây dựng các tờ trình, báo cáo phục vụ Kỳ họp Quốc hội khóa XIII. Đặc biệt, cần đẩy mạnh việc tiêu thụ hàng nông sản bằng việc triển khai các giải pháp hỗ trợ sản xuất, đẩy mạnh tiêu thụ và chuyển dịch cơ cấu hàng nông sản. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng, dự báo, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp. Đối với các loại hàng xuất khẩu qua biên giới tăng cường năng lực thông quan, kho bãi tại cửa khẩu,phối hợp chặt chẽ với các địa phương.


Đối với các mùa vụ sắp tới, Thứ trưởng nhấn mạnh, Vụ Thương mại biên giới và Miền núi cần chuẩn bị kỹ các nội dung. Có các giải pháp căn cơ, lâu dài đối với việc xuất khẩu qua biên giới; Đưa ra những quy định phù hợp về chất lượng, quy cách đóng gói mà phía nước bạn yêu cầu. Đối với các đơn vị trong Bộ, Thứ trưởng giao cho Vụ Kế hoạch làm đầu mối xây dựng kế hoạch về những giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, xác định rõ mục tiêu, ban hành văn bản, xác định mốc thời gian, hiệu quả đạt được, v.v…

Cục Xuất nhập khẩu cần tập trung nghiên cứu để có các biện pháp phù hợp đảm bảo nhập siêu đúng kế hoạch đề ra. Phối hợp với các đơn vị liên quan có những điều hành, chỉ đạo. Đặc biệt cần lưu ý đến mặt hàng gạo, đặc biệt là xuất khẩu gạo qua biên giới cần nghiêm túc nghiên cứu.

Thứ trưởng cũng đề nghị Cục Xúc tiến thương mại sớm nghiên cứu kế hoạch tài chính cho hoạt động xúc tiến thương mại trong năm 2016, đảm bảo nguồn kinh phí cho hoạt động này. Trong quá trình thực hiện, lưu ý các mặt hàng tiềm năng để có những biện pháp phù hợp thúc đẩy trong thời gian tới.

Đối với các Vụ Thị trường nước ngoài, tiếp tục phối hợp với Bộ Ngoại giao trong các Hiệp định thương mại tự do, thương mại song phương với các nước để mở rộng thị trường tiêu thụ; Chỉ đạo các Tham tán nghiên cứu, tổ chức tốt việc tiêu thụ các mặt hàng tiềm năng, cung cấp các thông tin, để có những điều tiết kịp thời, có những giải quyết dứt điểm với tình trạng được mùa mất giá như thời gian qua.

 

Cổng thông tin điện tử moit