Tại buổi làm việc, báo cáo về kết quả 4 năm triển khai Cuộc vận động của Bộ Công Thương với Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cho biết, trong 4 năm qua, các đơn vị trong ngành Công Thương đã bám sát chủ trương của Cuộc vận động và Chương trình hành động của Bộ Công Thương hưởng ứng Cuộc vận động, đồng thời có nhiều nỗ lực, sáng tạo trong việc triển khai, thực hiện và đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ. Các hoạt động đã được tổ chức rộng khắp trên các lĩnh vực.
Thống kê sơ bộ từ khi Bộ Chính trị phát động Cuộc vận động đến hết tháng 11 năm 2013, các đơn vị thông tin truyền thông trực thuộc Bộ Công Thương đã đăng tải được trên 1.000 tin, bài hưởng ứng Cuộc vận động.
Với lợi thế mạng lưới thông tin, tuyên truyền rộng rãi, các thông tin liên quan đến việc thực hiện Cuộc vận động do Bộ cung cấp đã giúp doanh nghiệp có cơ hội quảng bá, giới thiệu các sản phẩm của đơn vị mình rộng rãi trên cả nước (đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa). Công tác tuyên truyền cũng góp phần quan trọng giúp người tiêu dùng nhận thức đúng đắn hơn về thị trường hàng hóa nội địa, tránh mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Có thể thấy, công tác thông tin, tuyên truyền đã giúp Cuộc vận động có sức lan tỏa mạnh mẽ, tác động không nhỏ làm thay đổi hành vi, thói quen, văn hóa tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp trong nước và cả trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Để tôn vinh các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đã tích cực hưởng ứng Cuộc vận động trong giai đoạn năm 2009 đến năm 2012, Bộ Công Thương đã tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công Thương cho 58 tập thể, 57 cá nhân đã có đóng góp tích cực hưởng ứng Cuộc vận động trong 3 năm và cho 21 doanh nghiệp đã có thành tích xuất sắc tham gia chương trình “Hàng Việt về nông thôn”. Đồng thời, từ năm 2008 đến nay, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động vinh danh doanh nhân, doanh nghiệp Việt như: Chương trình Thương hiệu quốc gia, doanh nhân, doanh nghiệp xuất sắc toàn quốc, Doanh nghiệp phát triển bền vững, giải Thương hiệu Vàng, v.v…
Ngoài ra, Bộ Công Thương đã phối hợp cùng Sở Công Thương các địa phương, các ngành và các Hiệp hội có liên quan để xét giới thiệu và đề cử danh sách những doanh nghiệp, thương hiệu mạnh, doanh nhân tiêu biểu tham gia các chương trình bình chọn và trao giải tôn vinh hàng Việt Nam, doanh nghiệp Việt tiêu biểu. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đã rà soát, ban hành bổ sung luật pháp, cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất, bảo vệ người tiêu dùng.
Cùng với đó, tính đến ngày 16/12/2013, Bộ Công Thương đã phê duyệt khoảng 505 đề án thuộc Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia với kinh phí nhà nước hỗ trợ là hơn 493,3 tỷ đồng, trong đó có hơn 251 đề án phát triển thị trường trong nước, miền núi, biên giới hải đảo với tổng kinh phí được phê duyệt hơn 180 tỷ đồng (chiếm khoảng 49,7% về số lượng đề án và hơn 36,4% tổng kinh phí).
Trong 4 năm qua, lực lượng Quản lý thị trường trên cả nước đã tiến hành kiểm tra, kiểm soát bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của Bộ Công Thương. Nhìn chung trong thời gian qua, lượng hàng hóa đảm bảo đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân không xảy ra hiện tượng khan hiếm, đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, đưa tin thất thiệt gây rối loạn thị trường.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện Cuộc vận động vẫn còn một số khó khăn, tồn tại. Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới nên các sản phẩm được sản xuất trong nước phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của các sản phẩm nhập khẩu. Do đó, việc xây dựng và phát triển mở rộng hệ thống phân phối đòi hỏi phải có chiến lược bài bản và vốn đầu tư khá lớn, điều này gây trở ngại cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam trong việc xúc tiến mở rộng thị trường.
Một số Bộ, ngành và địa phương chưa thực sự vào cuộc, dẫn đến kết quả triển khai chưa đạt hiệu quả cao, chưa thực sự đột phá. Trong khi đó, việc thông tin, tuyên truyền chưa thực sự tác động mạnh vào tâm lý, hành vi người tiêu dùng; vẫn còn một bộ phận người dân sính hàng ngoại, hàng hiệu nhập khẩu.
Tại một số địa phương hoạt động triển khai vẫn còn mang tính riêng lẻ, độc lập, chưa gắn kết cho nên chưa phát huy hết sức mạnh của các địa phương lân cận. Các doanh nghiệp còn thiếu kinh nghiệm, kỹ năng bán hàng, đặc biệt là kỹ năng chăm sóc khách hàng, kinh nghiệm thực hiện xúc tiến thương mại nên hiệu quả trong hoạt động xúc tiến thương mại chưa cao, v.v…
Để đẩy mạnh hơn nữa Cuộc vận động, Bộ Công Thương đã đề xuất Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan, các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cộng đồng về chủ trương của Cuộc vận động. Thường xuyên duy trì các chuyên trang, chuyên mục về Cuộc vận động trên các phương tiện thông tin đại chúng; hướng dẫn lồng ghép nội dung Cuộc vận động trong các hội nghị, các cuộc sinh hoạt của các tổ chức, đoàn thể. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện Cuộc vận động tại các Bộ, ngành và địa phương trên cả nước.
Bộ cũng đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động tiếp tục đề xuất với Chính phủ cần tăng cường đầu tư, bố trí nguồn lực, kinh phí để triển khai các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Cuộc vận động tại Thông báo Kết luận 264-TB/TW ngày 31 tháng 7 năm 2009 của Bộ Chính trị . Đồng thời có ý kiến ủng hộ Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động do Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Ban Thường trực Trung ương Cuộc vận động, các Bộ, ngành, doanh nghiệp liên quan xây dựng và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt Đề án.
Phát biểu tại buổi làm việc, thay mặt Ban Chỉ đạo, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao những kết quả của ngành Công Thương trong việc triển khai Cuộc vận động năm 2013. Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, ngoài việc đặt trọng tâm vận động người dân phát huy tinh thần yêu nước, mua và sử dụng hàng Việt Nam, cần kết nối giữa lòng yêu nước của người dân với doanh nghiệp theo 3 trụ cột: Khuyến khích lòng yêu nước - Sản xuất hàng rẻ và tốt - Tăng cường truyền thông.
Hiện nay, hạn chế của Cuộc vận động là chưa có chỉ tiêu phấn đấu cụ thể nên chưa “chẻ” được trách nhiệm cho các bộ, ngành, địa phương. Hiện cả nước chỉ có 40 tỉnh, thành có ban chỉ đạo những cũng chỉ có 3 tỉnh có quy chế hoạt động của ban chỉ đạo, đồng thời mới chỉ có 34 tỉnh, thành phố và 7 bộ, ngành có báo cáo, vì vậy, cần phải xem lại cách tổ chức, chuyển từ cuộc vận động chung chung sang cuộc vận động có nghĩa vụ.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân ủng hộ Bộ Công Thương trình Chính phủ Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và đề nghị có đề án tuyên truyền riêng, gắn với truyền thông, v.v...
Vụ Thị trường trong nước