Đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc dẫn đầu cùng đại diện của các Bộ: Công Thương, Ngoại giao, Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ, Khoa học - Công nghệ và Văn phòng Ủy ban Quốc gia về Hợp tác Kinh tế Quốc tế đã tham dự Hội nghị.
Các nội dung chính được thảo luận tại MRT 17 bao gồm: (i) ủng hộ hệ thống thương mại đa phương của WTO và Vòng đàm phán Đô-ha (DDA); (ii) tăng cường hội nhập kinh tế khu vực; (iii) thúc đẩy tăng trưởng xanh và (iv) tăng cường hợp tác để thực hiện hài hòa hóa về chính sách. Cụ thể:
Về WTO và DDA: MRT 17 bày tỏ quan ngại sâu sắc về khả năng kết thúc đàm phán DDA trong năm 2011, đồng thời cho rằng tình hình nếu không sớm có tiến triển tích cực thì WTO chỉ có thể kết thúc đàm phán vào năm 2013. Hội nghị đã ra Tuyên bố riêng về Thúc đẩy đàm phán DDA và Chống chủ nghĩa bảo hộ nhằm nhắc lại Tuyên bố của các năm trước về thúc đẩy đàm phán trên cơ sở linh hoạt cùng với việc tái khẳng định các cam kết về chống bảo hộ thương mại tại các thành viên APEC.
Về tăng cường hội nhập kinh tế khu vực (REI): MRT 17 tập trung thảo luận việc xây dựng Danh mục các lĩnh vực thương mại và đầu tư thuộc “thế hệ mới” (next generation issues) nhằm đảm bảo các hoạt động về hội nhập kinh tế khu vực của APEC đáp ứng một cách linh hoạt nhất với những thách thức đặt ra do sự phát triển nhanh chóng của môi trường kinh doanh toàn cầu. Danh mục này bao gồm: (i) tạo thuận lợi cho chuỗi giá trị toàn cầu; (ii) tăng cường tham gia của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vào chuỗi sản xuất toàn cầu; và (iii) xúc tiến chính sách đổi mới hiệu quả, không phân biệt đối xử và theo định hướng thị trường.
Về An ninh lương thực: MRT 17 nhất trí APEC sẽ thực hiện đầy đủ Tuyên bố Ni-a-ga-ta của APEC, ra năm 2010 tại Nhật Bản, về An ninh lương thực, trong đó có các nỗ lực để tăng cường minh bạch hóa thị trường lương thực và đảm bảo tính ổn định của giá lương thực, hài hòa hóa chính sách theo hướng minh bạch hóa, dựa trên cơ sở khoa học, nhất quán với các nghĩa vụ quốc tế và có tính đến các tiêu chuẩn quốc tế.
Về thúc đẩy tăng trưởng xanh: MRT 17 tập trung thảo luận 3 nội dung chính về: (i) xây dựng chương trình hành động để thực hiện tự do hóa trong lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ môi trường (EGS); (ii) chống chặt phá rừng và buôn bán các sản phẩm gỗ được khai thác trái phép; và (iii) cắt giảm việc trợ cấp không hiệu quả cho năng lượng hóa thạch.
Về hợp tác hài hòa hóa cơ chế chính sách: Với mục tiêu tạo thuận lợi cho thương mại và xúc tiến môi trường đầu tư, MRT 17 đã thông qua đề xuất của Hoa Kỳ và Niu Zi-lân về việc Tăng cường thực thi các thông lệ tốt về quản lý, bao gồm 3 nội dung về: (i) điều phối trong nước đối với hoạt động xây dựng chính sách; (ii) đánh giá ảnh hưởng của chính sách và (iii) tăng cường cơ chế tham vấn công.
Bên lề Hội nghị Thứ trưởng Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cũng đã có các cuộc tiếp xúc song phương với Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ, Gary Locke và Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách thương mại Chi-lê để thảo luận một số nội dung hợp tác liên quan đến thương mại, đầu tư và công nghiệp song phương cũng như thống nhất quan điểm giữa Việt Nam và các đối tác này đối với một số vấn đề trong quá trình đàm phán Hiệp định về Đối tác Kinh tế Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam với Chi-lê.
Vụ Chính sách thương mại đa biên