Ông David Spooner cho biết, trong chuyến công tác và khảo sát tìm hiểu thông tin lần này chủ yếu tập trung vào 3 vấn đề chính là: Xem xét số liệu xuất khẩu hàng dệt may sang Hoa Kỳ để xác định Việt Nam có bán phá giá hay không; các nhà sản xuất dệt may Hoa Kỳ có bị ảnh hưởng từ hàng xuất khẩu dệt may của Việt Nam hay không và xác định những nhà sản xuất Hoa Kỳ có khả năng bị ảnh hưởng vì hàng dệt may nhập khẩu từ Việt Nam.
Theo số liệu của Hải quan Hoa Kỳ cung cấp, 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 1,97 tỷ USD, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng trưởng hợp lý, thậm chí còn thấp hơn so với mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2006 khi Việt Nam vẫn bị Hoa Kỳ áp hạn ngạch. Đối với các Cat bị giám sát, số lượng xuất khẩu của Việt Nam tăng không mạnh và giá giảm không nhiều. Thông thường, các nước xuất khẩu dệt may sau khi bãi bỏ hạn ngạch giá xuất khẩu đều có xu hướng giảm xuống. Do vậy, mức giảm giá trung bình của Việt Nam dưới 10% so với các nước xuất khẩu dệt may khác là hợp lý.
Bộ Công Thương khẳng định, Việt Nam không liên quan tới 3 vấn đề mà ông David Spooner đã nêu trên và xét về mặt giá và lượng xuất khẩu theo số liệu của Hải quan Hoa Kỳ cung cấp thì không có căn cứ để xem xét Việt Nam bán phá giá hàng dệt may vào thị trường Hoa Kỳ. Bộ Công Thương cho biết, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đều phản đối cơ chế giám sát hàng dệt may của Hoa Kỳ đồng thời yêu cầu Hoa Kỳ xoá bỏ nhanh việc áp dụng cơ chế giám sát này./.
(Nguồn: TTXVN)