Quy hoạch Công nghiệp địa phương
Không nên tiếp tục xây dựng khu công nghiệp nữa, bởi việc lấp đầy các khu công nghiệp hiện nay trong 5-10 năm nữa sẽ tiếp tục khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng.


“Dự báo đến năm 2015 các khu công nghiệp của tỉnh Bắc Ninh cần 10.000 lao động mỗi năm, nhưng chúng tôi không kết nối được với các nơi cung cấp lao động để hỗ trợ nhà đầu tư” - ông Vũ Đức Quyết, trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp Bắc Ninh, đặt ra tại hội thảo do Bộ Kế hoạch và đầu tư tổ chức ngày 23-11 ở Hà Nội.

Ông Lê Tân Cương, vụ trưởng Vụ Quản lý khu công nghiệp và khu chế xuất của Bộ Kế hoạch và đầu tư, thừa nhận vấn đề này và nêu một ví dụ: nhà máy Canon thay vì mở rộng kinh doanh ở VN đã phải chuyển sang Thái Lan vì một trong những khó khăn hàng đầu là không tuyển dụng được lao động. Nhiều vấn đề bất cập và không đồng bộ khác cũng được những người trực tiếp quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế đặt ra tại hội thảo.

Ông Võ Thanh Lập, trưởng Ban quản lý Khu công nghiệp Đồng Nai, cho rằng không nên tiếp tục xây dựng khu công nghiệp nữa, bởi việc lấp đầy các khu công nghiệp hiện nay trong 5-10 năm nữa sẽ tiếp tục khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng. Tại hội thảo, nhiều đại biểu nêu ý kiến trái ngược về quy định khu công nghiệp chỉ được triển khai xây dựng mới khi có 60% nhà đầu tư đăng ký. Đại diện Bộ Tài chính cho rằng với một số tỉnh miền núi có điều kiện kinh tế khó khăn, quy định này không thực tế vì khó có nhà đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và do đó không có nhà đầu tư đăng ký đầu tư.
 


Nguồn: Báo Công Thương điện tử