Giống như một số tỉnh miền núi, Bắc Giang cũng gặp một số khó khăn khi triển khai các hoạt động phát triển CN-TTCN, do điều kiện kinh tế xã hội còn thấp, nhận thức của người dân chưa cao. Tuy nhiên được sự quan tâm và tạo mọi điều kiện của Bộ Công Thương, các cấp lãnh đạo Tỉnh, hoạt động CN-TTCN của Bắc Giang đã từng bước thu được những kết quả khả quan, giữ vững và phát triển thêm nhiều làng nghề, tạo việc làm cho đông đảo lực lượng lao động nông nhàn của Tỉnh.
Theo ông Hoàng Minh Tuấn – Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang cho biết, tiếp nối kết quả từ việc triển khai hoạt động khuyến công của các năm trước, năm 2008, Sở tiếp tục triển khai hiệu quả các dự án đào tạo nghề và phát triển làng nghề. Năm qua, từ nguồn kinh phí Tỉnh giao là 1.400 triệu đồng và từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia được Bộ Công Thương giao là 561 triệu đồng, đã có 4 đề án được hỗ trợ lãi suất sau đầu tư với 390 triệu đồng; 9 chương trình, đề án đào tạo, tập huấn được hỗ trợ 375 triệu đồng và còn rất nhiều dự án đầu tư, hoạt động thông tin tuyên truyền, hội chợ triển lãm…cũng được quan tâm, hỗ trợ. Bên cạnh đó, Sở cũng đã triển khai 5 đề án khuyến công quốc gia, hầu hết đều giành cho đào tạo nghề như các nghề: mây tre đan, tăm tre, thêu xuất khẩu, nghề may công nghiệp cho các xã của huyện Lạng Giang, Hiệp Hoà, Lục Giang, còn lại là 1 đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất tấm lợp và vách ngăn magiê tại Công ty CP Đại Nghiệp (huyện Lạng Giang).
Năm 2008, do có quy định mới về hỗ trợ lãi suất sau đầu tư và việc lập dự án đầu tư đã có tác dụng tích cực, mở ra cơ hội cho các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn được vay vốn để đầu tư xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật mới, sản phẩm mới, đồng thời, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến, chuyển giao công nghệ mới. Các công nghệ mới này có thể được phổ biến, hướng dẫn cho các đơn vị, cá nhân khác áp dụng vào đầu tư sản xuất doanh nghiệp của họ.
Rút kinh nghiệm của các năm trước trong đào tạo nghề, năm 2008, công tác đào tạo nghề đã được tổ chức theo hình thức đào tạo tại chỗ, kết hợp với các doanh nghiệp sử dụng lao động, nên gần 500 lao động của Tỉnh được đào tạo các nghề mây tre đan, may công nghiệp và thêu xuất khẩu đều có việc làm ngay sau khi học xong nghề. Điển hình như học viên của các lớp may công nghiệp đã được nhận vào làm việc ngay tại Công ty CP May xuất khẩu Hà Phong và Xí nghiệp May Lục Giang, đều đóng trên địa bàn Tỉnh. Bên cạnh đó, nhờ đào tạo nghề đúng với nhu cầu của xã hội, đã đưa nghề chẻ tăm lụa và dệt mành tăm lụa ngày càng phát triển ở Bắc Giang, tạo việc làm thường xuyên cho 400 lao động của xã Tăng Tiến (huyện Việt Yên), xã Tân Mỹ (huyên Yên Dũng) và một số xã lân cận, với thu nhập bình quân từ 700 - 800.000 đ/người/tháng. Ngoài ra, còn du nhập nghề thêu xuất khẩu vào huyện Lạng Giang, nghề may tre đan vào huyện Hiệp Hoà, Sơn Động, kết hợp làm hàng mây tre đan xuất khẩu gắn với nhu cầu tiêu dùng của địa phương.
Trong năm, Sở còn tổ chức 16 lớp tập huấn công tác khuyến công cho các cán bộ, nhân viên của Sở, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển Công nghiệp, Trung tâm Xúc tiến thương mại, Phòng Công Thương các huyện, thành phố, các doanh nghiệp, hợp tác xã, đoàn viên, thanh niên trong Tỉnh với tổng số học viên tham gia hơn 900 người. Các chương trình tập huấn đã giúp học viên nâng cao được kiến thức về khởi sự, quản trị doanh nghiệp, về thương mại, điện tử và kỹ thuật… đáp ứng yêu cầu của thời kỳ CNH, HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay. Bên cạnh đó, Sở còn tổ chức các đoàn thăm quan đi khảo sát, học tập kinh nghiệm của các tỉnh bạn; Tham gia các kỳ hội chợ triển lãm, trong đó có Hội chợ Triển lãm Hàng công nghiệp nông thôn khu vực phía Bắc lần thứ 2 được tổ chức tại Tp. Hải Phòng. Sở Công Thương Bắc Giang là 1 trong 10 đơn vị đã được Bộ Công Thương tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong tổ chức và tham gia Hội chợ này.
Để đẩy mạnh phát triển CN-TTCN ở tỉnh Bắc Giang trong năm 2009 và những năm tiếp theo, Sở Công Thương Bắc Giang sẽ khắc phục một số tồn tại trong quá trình thực hiện công tác khuyến công, bên cạnh đó cũng kiến nghị Nhà nước cần xây dựng các quy định trong quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công phù hợp với thực tiễn, với điều kiện của từng địa phương hơn, cũng như cần có những chính sách cụ thể hơn, hỗ trợ địa phương tìm đầu ra cho sản phẩm xuất khẩu trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang rơi vào khủng hoảng như hiện nay.
Phương Phương
Tin đã đăng