Tiếp đó, Tỉnh uỷ đã ban hành Chương trình số 05-CTr/TU, ngày 03/8/2006 về phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2006-2010... Sự chỉ đạo đồng thuận của các cấp, ngành tại địa phương đã đưa Nghị định 134 thực sự đi vào cuộc sống, là động lực thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển.
Đối với Đắk Lắk nói riêng và cả nước nói chung, công tác khuyến công là một lĩnh vực mới, nội dung của hoạt động khuyến công khá đa dạng, cán bộ làm công tác khuyến công tuy đã được bổ sung nhưng còn thiếu và chưa có kinh nghiệm, phương tiện đi lại phục vụ công tác chưa được bố trí, đã ảnh hưởng rất nhiều trong việc thực hiện công tác khuyến công... Tuy nhiên, từ sự chung tay, góp sức của các cấp, ngành và người dân địa phương, chương trình khuyến công đã ngày càng phát huy tác dụng, góp phần thúc đẩy công nghiệp nông thôn Đắk Lắk chuyển mình, phát triển đi lên cùng đất nước.
Sau 4 năm triển khai, bằng nguồn kinh phí khuyến công địa phương, Trung tâm Khuyến công Đắk Lắk (TTKC) đã triển khai được 60 đề án, tổng kinh phí trên 3 tỷ đồng, trong đó, nguồn kinh phí khuyến công quốc gia đạt gần 600 triệu đồng cho 04 đề án. Hoạt động đa dạng của chương trình khuyến công đã mang đến cho tất cả các đối tượng thụ hưởng những giá trị cụ thể và giá trị tinh thần, cổ vũ động viên nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk tham gia vào các chương trình mục tiêu quốc gia.
Với việc đào tạo nghề và nâng cao tay nghề cho người dân địa phương là một điển hình trong công tác khuyến công. Mục tiêu đào tạo việc làm, nhân cấy nghề mới cho địa phương, đồng thời cũng là mục tiêu khôi phục và phát tiển các làng nghề như: mây tre đan, dệt thổ cẩm... TTKC đã bám sát nhu cầu của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, đã tổ chức đào tạo cho 590 lao động là người đồng bào dân tộc thiểu số, lao động thuộc diện chính sách trên địa bàn một số xã ở các huyện. Điều quan trọng hơn là, sau đào tạo nghề dệt thổ cẩm, mây tre đan, người lao động tham gia được trang bị cho mình những kiến thức cơ bản để làm ra những sản phẩm dệt, mây tre truyền thống, góp phần khôi phục và phát triển nghề, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống, nâng thu nhập, góp phần xoá đói giảm nghèo.
Ngoài ra, TTKC cũng đã hỗ trợ đào tạo các nghề sản xuất tằm tơ, hạt điều, gỗ mỹ nghệ, sản xuất gạch theo công nghệ lò đứng… cho 148 lao động, với tổng kinh phí thực hiện trên 190 triệu đồng. Qua đào tạo, các lao động tham gia học đã nắm vững được các kiến thức cơ bản để vận dụng trong quá trình sản xuất, hiểu được tầm quan trọng về an toàn vệ sinh lao động và giúp cho họ nâng cao được năng suất lao động, tăng thu nhập, cải thiện đời sống và vấn đề quan trọng là có tay nghề, gắn bó với nghề và doanh nghiệp.
Không những nâng cao tay nghề cho lao động ở các DN, cơ sở sản xuất, chương trình khuyến công còn tạo niềm tin cho các DN trong việc tiêu thụ sản phẩm. Các HTX: Mây tre đan Phú Thịnh, Ea Kao, Kim Tài, Tiến Nam... thông qua các kỳ tham gia hội chợ đã mạnh dạn ký hợp đồng gia công hàng cho các công ty, DN xuất khẩu, đem lại thu nhập bình quân cho người lao động hàng tháng từ 1- 1,5 triệu đồng/người.
Nhằm tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý ở các địa phương, TTKC đã hỗ trợ tổ chức 10 lớp tập huấn, với tổng kinh phí thực hiện trên 301 triệu đồng cho 683 học viên thuộc các thành phần: cán bộ quản lý nhà nước, DN, HTX, cơ sở, hộ kinh doanh, hộ nông dân… Các buổi tập huấn với các chủ đề như: Hậu gia nhập WTO, nghiệp vụ khuyến công viên; quản trị kinh doanh; xây dựng, quản trị, đăng ký và phát triển thương hiệu, kỹ thuật sơ chế bảo quản nông sản sau thu hoạch, sấy nông sản…
Do đặc thù là vùng đồi núi, xen kẽ bình nguyên và thung lũng, nên việc phát triển công nghiệp nông thôn ở Đắk Lắk còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, do xác định đúng mục tiêu của chương trình khuyến công là khuyến khích DN công nghiệp nông thôn phát triển, TTKC đã tích cực hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, trong 4 năm, với 07 mô hình trình diễn kỹ thuật, tổng kinh phí thực hiện trên 770 triệu đồng, trong đó: Kinh phí địa phương hỗ trợ trên 355 triệu đồng, các nguồn khác trên 414,8 triệu đồng. Các mô hình tiêu biểu như: Dây chuyền chế biến cà phê ướt qui mô cụm hộ; Dây chuyền sản xuất bún; Lò sấy nông sản; Sản xuất sản phẩm cơ khí; Làm sạch nông sản; Máy tỉa hạt đa năng; Sản xuất bánh tráng tập trung. Qua việc hỗ trợ này đã làm thay đổi nhận thức của các chủ cơ sở, DN trong việc ứng dụng các thiết bị, kỹ thuật tiến bộ trong sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thiểu tác động môi trường, góp phần xoá đói giảm nghèo cho các hộ chính sách, hộ nghèo tại địa bàn, từng bước hỗ trợ tiến đến xây dựng làng nghề…
Mặc dù, hoạt động khuyến công ở Đắk Lắk đạt được một số kết quả đáng khích lệ, góp phần thúc đẩy phát triển CN-TTCN trên địa bàn, nhưng bên cạnh đó vẫn còn một số khó khăn, hạn chế cần khắc phục như: Phương tiện đi lại phục vụ cho công tác khuyến công chưa được trang bị; Một số địa phương còn chưa quan tâm chỉ đạo trong việc triển khai thực hiện hoạt động khuyến công trên địa bàn mình quản lý; Công tác khảo sát lập kế hoạch tại địa phương chưa sát với nhu cầu thực tế cũng như của cơ sở, chưa đúng theo qui định; Một số cơ sở, cá nhân thụ hưởng còn có tư tưởng trông chờ vào nguồn hỗ trợ, không năng động, thiếu nhiệt huyết…Một vấn đề khó khăn trong công tác khuyến công đó là chưa có qui hoạch phát triển ngành nghề nông thôn theo Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 07/07/2006 của Chính phủ. Đây là vấn đề quan trọng giúp cho công tác hỗ trợ của khuyến công đúng định hướng, theo qui hoạch, tập trung và phát triển ngành nghề nông thôn bền vững.
Với bài học kinh nghiệm sau 4 năm triển khai, cùng với sự đồng thuận trong các cấp, ngành ở địa phương, trong thời gian tới, để hoạt động khuyến công hiệu quả hơn nữa, TTKC tập trung đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về hoạt động khuyến công, khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn, nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân về vị trí, vai trò tầm quan trọng của việc phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đi đôi với quá trình CNH-HĐH, mà trước hết là CNH nông nghiệp nông thôn. Cùng với việc phát triển công nghiệp nông thôn, từng bước xây dựng một nông thôn kiểu mẫu ở Tây Nguyên.
CTV. Lê Hằng