Các tỉnh miền Tây Nam bộ nằm trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), bao gồm 13 tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bến Tre, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu và Cà Mau, có những điều kiện thuận lợi để tổ chức sản xuất chế biến sản phẩm nông - thuỷ - hải sản lớn nhất cả nước. Trước đây, kinh tế miền Tây Nam Bộ mang tính thuần nông, nhưng hiên nay, cơ cấu kinh tế của Vùng đã có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Bên cạnh sự phát triển của các ngành công nghiệp chế biến thuỷ sản, lương thực - thực phẩm là lợi thế phát triển của Vùng, ngành nghề công nghiệp - TTCN nông thôn đang có nhiều khởi sắc. Đây cũng là kết quả của 3 năm triển khai thực hiện Nghị định 134/2004/NĐ-CP về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn.
* Kết quả bước đầu
Theo Ban chỉ Đạo Tây Nam bộ: Trong 3 năm qua, hệ thống các cơ chế chính sách về khuyến công ở các tỉnh ĐBSCL đã dần được hoàn thiện; bộ máy tổ chức, con người cho công tác khuyến công từ trung ương đến địa phương cơ bản đã được hình thành, hoạt động đi dần vào nền nếp; các tỉnh đã thành lập các trung tâm khuyến công, bố trí ngân sách hàng năm dành cho công tác khuyến công để triển khai thực hiện các đề án khuyến công trên địa bàn.
Một số tỉnh như Bến Tre, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang, Tiền Giang, An Giang, Sóc Trăng… đã tích cực, chủ động trong việc nghiên cứu, cụ thể hoá Nghị định 134 và cơ chế chính sách khác liên quan, ban hành quy định về quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công địa phương phù hợp với tình hình thực tế, thuận tiện áp dụng khi triển khai. Tổng kinh phí dành cho hoạt động khuyến công của vùng Tây Nam bộ đạt trên 24 tỷ đồng, trong đó, kinh phí khuyến công quốc gia (KCQG) hỗ trợ 3,5 tỷ đồng, chiếm 14%; kinh phí khuyến công địa phương (KCĐP) hỗ trợ 15,6 tỷ đồng, chiếm 63%; kinh phí do các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) tham gia đóng góp 5,7 tỷ đồng, chiếm 23%. Tổng số người được đào tạo nghề, truyền nghề và phát triển nghề khoảng 26.000 người; đào tạo nâng cao năng lực quản trị cho khoảng 1.000 chủ cơ sở CNNT; đào tạo khởi sự doanh nghiệp cho 1.100 người; hỗ trợ xây dựng được 21 mô hình trình diễn kỹ thuật; tổ chức 57 lớp tập huấn, hội nghị và hội thảo theo các chuyên đề phục vụ phát triển CNNT; tổ chức 62 đoàn tham quan khảo sát trong và ngoài nước; hỗ trợ 35 doanh nghiệp tham gia hội chợ triển lãm… Các tỉnh ĐBSCL còn hỗ trợ hàng chục tỷ đồng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực, trình độ quản lý, chất lượng sản phẩm theo phương pháp tiên tiến. Tỉnh Tiền Giang hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp tục khôi phục, phát triển các làng nghề truyền thống, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, quảng bá sản phẩm, hợp tác với các tỉnh bạn liên kết sản xuất, tập huấn kỹ năng quản lý, an toàn lao động. Tỉnh An Giang hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới thiết bị, dạy nghề cho người lao động. Các tỉnh Đồng Tháp, Bạc Liêu, Vĩnh Long, TP Cần Thơ mở rộng chương trình khởi sự doanh nghiệp, đào tạo giám đốc, xây dựng chiến lược kinh doanh, tiếp thị cho hàng ngàn cơ sở. Chính sách khuyến công tại các tỉnh ĐBSCL cũng đã thúc đẩy sản xuất của 15.000 cơ sở công nghiệp trong vùng tăng trưởng khá.
Năm qua, sản xuất công nghiệp ĐBSCL đạt 58.016 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2007, chiếm 11,8% giá trị sản xuất công nghiệp cả nước. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp của một số địa phương cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước như Đồng Tháp Hậu Giang, Trà Vinh, Tiền Giang.
Những kết quả hoạt động khuyến công đã góp phần quan trọng thực hiện các mục tiêu phát triển công nghiệp ở các địa phương như: chuyển dịch cơ cấu kinh tế; giải quyết việc làm, tăng thu nhập, ổn định tình hình an ninh trật tự ở nông thôn; nâng cao năng lực quản lý và sản xuất của các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn; khôi phục lại một số ngành nghề TTCN, nghề truyền thống và phát triển một số ngành nghề mới; đổi mới, thúc đẩy phát triển thị trường cho các sản phẩm công nghiệp nông thôn; tăng cường giao lưu học tập kinh nghiệm, hợp tác, liên doanh, liên kết giữa các cơ sở công nghiệp nông thôn. Công tác thông tin tuyên truyền về tình hình phát triển công nghiệp nông thôn, cũng như kết quả khuyến công đã thu được những thành công bước đầu, góp phần làm cho các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, cán bộ, người dân nhận thức ngày càng rõ hơn về vai trò, vị trí của công nghiệp nông thôn, của công tác khuyến công, từ đó đề xuất các giải pháp cụ thể thiết thực khuyến khích, hỗ trợ phát triển công nghiệp nông thôn, hỗ trợ đầu tư xây dựng, phát triển các khu-cụm công nghiệp, TTCN và làng nghề.
* Làm sống lại các làng nghề (LN)
Ông Trần Quốc Tuấn - Giám đốc Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp thuộc Sở Công thương tỉnh Trà Vinh vừa cho biết, từ đầu năm 2008 đến nay, Trung tâm đã phối hợp với các địa phương trong tỉnh mở được 14 lớp truyền nghề cho 399 lao động, trong đó có khoảng 95% lao động nữ, hơn 42% lao động là người dân tộc Khmer. Kết quả sau các lớp, hầu hết học viên đều thạo nghề và có hơn 67% lao động có việc làm với thu nhập tương đối ổn định gồm các nghề như: Đan dây mây, lõi lác trên khung sắt, se chỉ và dệt lưới xơ dừa, dệt mành tăm tre...
Đặc biệt, từ nguồn kinh phí khuyến công Quốc gia do Bộ Công thương hỗ trợ, trong 6 tháng đầu năm 2008 Trung tâm còn tổ chức được 8 lớp tập huấn truyền nghề cho 320 lao động với các nghề như: Kỹ thuật cắt, xén, gia công trên máy sản phẩm thảm, chiếu các loại và đan kết thảm TO. Theo kế hoạch, từ nay đến hết tháng 9/2008 trung tâm sẽ mở thêm 8 lớp nữa để hoàn thành đề án do Trung tâm khuyến công Quốc gia hỗ trợ.
Với những kết quả nêu trên mà trung tâm thực hiện được nên đã góp phần làm sống lại các làng nghề góp phần giải quyết việc làm ở các khu vực nông thôn, nhất là lao động nữ và lao động là người dân tộc Khmer với nguồn thu nhập bình quân mỗi tháng đạt từ 600 - 900 ngàn đồng/người. Ở tỉnh Bến Tre, năm 2008, công tác khuyến công đã tập trung cho các hoạt động đổi mới công nghệ, đầu tư máy móc thiết bị mở rộng sản xuất phù hợp với nhu cầu phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trong tỉnh. Với nguồn kinh phí 1 tỷ 940 triệu đồng, Trung tâm Khuyến công đã thực hiện hỗ trợ 14 dự án như: đào tạo nghề thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm từ sợi nhựa tổng hợp, nghề may; xây dựng mô hình sản xuất cơm dừa sấy khô, chỉ xơ dừa suông, rối xuất khẩu; mô hình cán kéo sắt, thép phế liệu ra thành phẩm; đầu tư mở rộng sản xuất thiết bị phục vụ ngành chế biến dừa, cơ khí, cải tạo nhà xưởng, hệ thống xử lý nước thải để thực hiện mục tiêu cải thiện môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất. Ngoài ra, trung tâm còn phối hợp với Viện nghiên cứu Kinh tế, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực điều hành, quản lý và khởi nghiệp cho các doanh nghiệp.
Năm 2009, Trung tâm Khuyến công Bến Tre có kế hoạch tăng nguồn kinh phí để đầu tư hỗ trợ cho 16 dự án ứng dụng, đổi mới trang thiết bị, mở rộng sản xuất; xây dựng và giới thiệu một số mô hình sản xuất mới; hỗ trợ các doanh nghiệp đăng ký sở hữu công nghiệp, ứng dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; tiếp tục thực hiện kế hoạch và nhân rộng các mô hình tổ chức sản xuất sạch hơn. Đào tạo bồi dưỡng, nâng cao trình độ nhân lực ngành công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp là một vấn đề bức xúc, là công tác trọng tâm của Chương trình Khuyến công của tỉnh An Giang. Chương trình đã tổ chức 45 lớp tập huấn ngắn hạn trang bị các kiến thức kỹ thuật và quản lý kinh doanh cho 2.739 học viên là chủ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và tổ chức 537 lớp dạy nghề tiểu thủ công cho 14.275 lao động theo phương châm "Học nghề xong phải có việc làm ngay, kết hợp hỗ trợ vốn với việc học nghề". Ngoài ra, Chương trình Khuyến công còn phối hợp với Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam tổ chức Chương trình "Kinh tế học trên sóng phát thanh" cho 240 học viên trong tỉnh. Đặc biệt, đã phối hợp với Tổ chức Lao động thế giới (ILO), Ban Quản lý Dự án Quốc gia SIYB triển khai các lớp đào tạo "Khởi sự doanh nghiệp" cho các chủ cơ sở sản xuất, các đoàn viên thanh niên, bộ đội xuất ngũ trong phong trào thanh niên lập nghiệp. Các lớp đào tạo tập huấn này đã trang bị kiến thức cho các nhà doanh nghiệp nhỏ và cực nhỏ biết cách làm ăn trong nền kinh tế thị trường, từ đó sẽ tạo thêm nhiều việc làm mới ở địa phương. Ngoài ra, việc phát triển các làng nghề và các mô hình hợp tác hóa sản xuất tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn cũng là một công tác quan trọng của Chương trình Khuyến công ở tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh đã có 15 hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp với 287 xã viên, thu hút 3.704 lao động, tổng vốn đầu tư là 5,27 tỷ đồng và 150 tổ hợp tác sản xuất tiểu thủ công nghiệp với 2652 hộ, thu hút 9.258 lao động, tập trung thành các làng nghề, xóm nghề ở nông thôn, với các ngành nghề tiểu thủ công truyền thống đa dạng, phong phú, đã góp phần giải quyết số lượng lớn lao động ở vùng nông thôn. Nhiều sản phẩm làm ra, được thị trường tiêu thụ ổn định và nhu cầu ngày càng tăng do chất lượng sản phẩm được nâng cao. Một số sản phẩm như hàng thêu rua, mắm cá, khô cá tra phồng, đường thốt nốt, cầu lông, se tơ tằm... đã xuất sang thị trường nước ngoài dưới nhiều hình thức: trực tiếp, gia công hoặc thông qua các doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt thị trường Campuchia đã tiêu thụ rất nhiều mặt hàng tiểu thủ công nghiệp thông qua các tư thương.
* Còn nhiều bất cập
Vài năm gần đây, trung tâm khuyến công & tư vấn phát triển công nghiệp các tỉnh/thành vùng ĐBSCL bắt đầu quan tâm tới việc hỗ trợ các LN. Chương trình quy hoạch - phát triển LN ở Tiền Giang đã thực hiện 5 năm. An Giang cũng đã có đề án đầu tư cho các LN vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, thực tế cho thấy: vì thiếu giải pháp đồng bộ và đầu tư chưa thỏa đáng thì việc vực dậy các LN ở ĐBSCL sẽ không đạt hiệu quả như mong muốn để tạo ra việc làm ổn định cho NLĐ.
Hiện tại, nhiều địa phương chưa có kế hoạch đầu tư dạy nghề cho LĐ tại các LN, với chức năng của mình, nên chăng việc đào tạo nghề ( ĐTN ) cho lao động ( LĐ) các LN ở ĐBSCL nên bắt đầu từ "kênh" khuyến công. Vấn đề là cần cân nhắc kỹ khi chọn nghề để đầu tư dạy. Thay vì đầu tư mở các lớp dạy các nghề TTCN, nhưng sau đó số LĐ gắn bó với nghề ít, thì nên đầu tư dạy nghề cho LĐ đang làm việc tại các LN. Không chỉ thiếu thợ giỏi, một số LN ở "vựa lúa", tình trạng LĐ bỏ nghề ngày càng nhiều. Điển hình như: Làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp), Cái Mơn (Bến Tre) có nhiều nghệ nhân. Hàng ngàn LĐ tại 2 LN nổi tiếng này đang rất cần kiến thức, kỹ năng để áp dụng công nghệ sinh học vào SX nhân giống (bằng phương pháp cấy mô); du nhập thêm giống mới... Việc ĐTN cho LĐ để có đội ngũ thợ giỏi, đủ kỹ năng, kiến thức tiếp thu, ứng dụng tiến bộ khoa học vào SX là một trong những giải pháp cần thiết "tiếp sức" cho các LN.
Ông Lê Văn Diện - Trưởng phòng Quản lý ĐTN, Sở LĐTBXH TP. Cần Thơ - cho biết, dự án ĐTN cho LĐ ngoại thành, chiến sĩ LLVT xuất ngũ có đến 23 nghề. Cũng có vài nghề tiểu thủ công nghiệp (TTCN) như đan thảm lục bình... song chủ yếu là dạy cho LĐ nông thôn, chưa gắn kết với LN.
Để công tác khuyến công đi vào chiều sâu và mang lại hiệu quả thiết thực hơn và để các LN phát triển bền vững, các địa phương ở ĐBSCL cần có kế hoạch đầu tư đúng mức, dài hơi, để bảo tồn, phát triển LN như An Giang đầu tư trên 60,3 tỉ đồng (giai đoạn 2008 - 2010). Nguồn vốn đầu tư cho các LN, cần dành tỉ lệ thích đáng cho việc tổ chức đao tạo nghề ( ĐTN) cho LĐ tại các LN.
Ngoài ra, trong quá trình thực hiện công tác khuyến công đã xuất hiện nhiều tồn tại yếu kém cần khắc phục như: Ở các tỉnh mặc dù nhiều trung tâm khuyến công mới được thành lập, tuy nhiên, trình độ chuyên môn và kinh nghiệm của đội ngũ làm cán bộ tại các Trung tâm khuyến công còn yếu và thiếu (mỗi trung tâm trung bình từ 5-10 biên chế), nên chưa bao quát hết nhiệm vụ quy định. Ở các địa phương, mạng lưới cán bộ khyến công mới chỉ có ở cấp tỉnh, ở cấp huyện cán bộ khuyến công làm kiêm nhiệm, ở cấp xã chưa bố trí cán bộ khuyến công. Cơ sở vật chất phục vụ công tác khuyến công chưa đáp ứng được yêu cầu, hầu hết các trung tâm được bố trí làm việc trong Sở Công nghiệp và điều kiện cũng như phương tiện để phục vụ công tác khuyến công còn rất thiếu thốn…Vì vậy, nội dung hoạt động khuyến công thời gian qua còn nghèo, tập trung nhiều vào đào tạo, chưa đẩy mạnh được các nội dung như xây dựng mô hình LN. Kinh phí khuyến công được duyệt còn hạn hẹp, dàn trải nên chưa đáp ứng nhu cầu đa dạng của các ngành nghề và cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn; quy mô, tính chất các dự án còn nhỏ, lẻ, hình thức chưa phong phú. Do vậy, chất lượng, hiệu quả và tính bền vững của các dự án chưa thực sự cao.
Thiết nghĩ về lâu dài Nhà nước cần có nhiều giải pháp đồng bộ để thúc đẩy công tác khuyến công hoạt động có hiệu quả hơn. Trong đó, nhưng việc cần thực hiện trước hết là: Nhà nước cần xây dựng và ban hành bộ định mức kinh tế kỹ thuật để làm cơ sở căn cứ thiết kế, dự toán kinh phí các đề án khuyến công, sớm ban hành và triển khai văn bản hướng dẫn chức năng nhiệm vụ các Trung tâm khuyến công cấp tỉnh, mạng lưới khuyến công ở huyện, xã; nhanh chóng xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo nâng cao năng lực các cán bộ khuyến công ở các tỉnh./.
Lê Hiền