Để tìm hiểu thêm về vấn đề này, phóng viên Tạp chí Công nghiệp đã có buổi trò chuyện với Giám đốc Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Long An.
PV: Thưa Ông, năm 2008 là năm đầu tiên Long An nhận được nguồn kinh phí khuyến công quốc gia, Ông đánh giá tầm quan trọng của nguồn kinh phí này như thế nào?Ông có thể cho biết thêm những kết quả hoạt động trên các mặt của Trung tâm?
Ông Lê Văn Luận: Năm 2008 là năm đầu tiên Trung tâm Khuyến công Long An nhận được sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia. Các đề án khuyến công quốc gia chủ yếu là đào tạo nghề cho lao động nông thôn, qua 34 lớp học, đào tạo trên 1 nghìn lao động, với tổng số kinh phí đã thực hiện là 425 triệu đồng, tại các huyện vùng nông thôn như huyện Châu Thành, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Tân Hưng. Do đặc thù của một tỉnh nghề may công nghiệp 10 lớp ở các huyện Cần Giuộc, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, thị xã Tân An.
Có thể nói, nhờ có nguồn kinh phí khuyến công quốc gia đã hỗ trợ cho các cơ sở công nghiệp sản xuất công nghiệp nông thôn phát triển mở rộng sản xuất, thu hút nhiều việc làm, tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống dân cư nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp. Những đề án của chương trình khuyến công đã tác động tích cực đến việc phát triển công nghiệp nông thôn của Long An.
Ngoài việc chú trọng thúc đẩy các mặt hoạt động khuyến công, Trung tâm đã tích cực chủ động tìm kiếm tư vấn lĩnh vực công nghiệp, ký kết thực hiện được 54 hợp đồng khảo sát thiết kế điện và 25 hợp đồng giám sát thi công các công trình điện trên khắp phạm vi địa bàn tỉnh với tổng giá trị hợp đồng lên đến hơn 1,165 tỷ đồng. Đưa tổng số doanh thu sự nghiệp của Trung tâm là 600 triệu đồng so với chỉ tiêu được giao là 120 triệu đồng, đạt 500% kế hoạch. Ngoài ra, Trung tâm cũng đã đăng ký thực hiện 03 đề tài khoa học với tổng kinh phí được duyệt lên đến hơn 1,245 tỷ đồng. Những kết quả đó đã góp phần rất tích cực vào thành tích chung của ngành Công Thương tỉnh Long An, khẳng định sự cố gắng của tập thể Trung tâm cũng như sự quan tâm của các cấp, ngành địa phương, năm 2008, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp đã được Bộ Công Thương xét tặng Cờ đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2008.
PV: Mục tiêu 2009, TTKC thực hiện 3 Đề án KC QG và đề án đào tạo nghề bằng kinh phí KC địa phương, Ông có thể cho biết các giải pháp để thực hiện thắng lợi kế hoạch đề ra?
Ông Lê Văn Luận: Mục tiêu năm 2009 của Trung tâm là tranh thủ tối đa nguồn kinh phí Khuyến công từ Trung ương. Trong năm 2009, Trung tâm được Bộ Công Thương giao kế hoạch kinh phí Khuyến công là 540 triệu đồng cụ thể như sau:
- Đợt 1: 03 đề án
+ Đề án: “Đào tạo kỹ thuật thêu Gobelin” của DNTN xuất khẩu Thái Dương, kinh phí thực hiện 60 triệu đồng.
+ Đề án: “Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất gạch bằng công nghệ lò đứng Tuynel” của DNTN Thuận Lợi, tại huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An. kinh phí thực hiện 100 triệu đồng.
+ Đề án “Hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp Hoàng Hương” huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An, kinh phí 100 triệu đồng.
+ Đề án “Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất, chế biến Hạt điều” của Công ty Cổ phần chế biến hàng xuất khẩu Long An, kinh phí hỗ trợ đề án này là 115 triệu đồng.
+ Đề án “Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất chiếu UDU” của Hộ kinh doanh cá thể Minh Thành tại huyện Châu Thành tỉnh Long An, kinh phí hỗ trợ đề án này là 65 triệu đồng.
+ Đề án “Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất giấy bằng hệ thống máy Xeo” của Công ty CP giấy Long An, kinh phí hỗ trợ đề án này là 100 triệu đồng.
Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Long An đã bổ sung 03 đề án xin kinh phí Khuyến công trình Cục Công nghiệp Địa phương và Bộ Công Thương xem xét, phê duyệt và cấp kinh phí thực hiện cho năm 2009.
Tôi cho rằng, để thực hiện thắng lợi kế hoạch đề ra, một mặt Trung tâm tập trung triển khai thực hiện thật tốt các chương trình mục tiêu được hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia. Đồng thời tranh thủ sự quan tâm, chỉ đạo, đồng thuận của các cấp uỷ Đảng, chính quyền từ tỉnh đến huyện, xã và các doanh nghiệp về ưu tiên phát triển công nghiệp nông thôn. Ngoài ra, mỗi cán bộ Trung tâm là nòng cốt trong các chương trình đào tạo, hỗ trợ mô hình trình diễn. Có như vậy thì chương trình mới hiệu quả và có ý nghĩa.
PV: Xin Ông cho biết những thuận lợi và khó khăn trong việc triển khai các chương trình khuyến công tại địa phương?
Ông Lê Văn Luận: Mặc dù, đối với Long An, Khuyến công là một lĩnh vực còn khá mới mẻ, nhưng được sự qua tâm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội ở địa phương về ưu tiên phát triển công nghiệp nông thôn theo hướng CHN, HĐH nhằm từng bước rút ngắn khoảng cách về phát triển kinh tế giữa các vùng, miền trên địa bàn tỉnh; Hoạt động khuyến công từ tỉnh đến huyện, xã đã có nhiều cố gắng trong việc triển khai thực hiện các chương trình, đề án và nhanh chóng phát triển đến cấp xã, thị trấn kể cả các xã nghèo; góp phần đẩy mạnh sản xuất công nghiệp nông thôn và gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp địa phương. Bên cạnh đó, Trung tâm vẫn còn gặp một số khó khăn như sau:
+ Kinh phí hỗ trợ công tác khuyến công quá ít chưa thể đáp ứng nhu cầu thực tế, điều đó dẫn đến chất lượng hoạt động khuyến công chưa cao, ví dụ như hỗ trợ đầu tư xây dựng các mô hình trình diễn, ứng dụng công nghệ mới… thì mức hỗ trợ tối đa không quá 150 triệu đồng/mô hình. Nhưng thực tế một số đơn vị, cơ sở công nghiệp nông thôn còn gặp khó khăn, thiếu vốn cho đầu tư nên không đủ kinh phí để tham gia các mô hình trình diễn…
+ Các đề án khuyến công từ khi xây dựng đến khi phê duyệt thường kéo dài nên dẫn đến những bất cập trong thực hiện như: Nếu dự án đã và đang triển khai có thể hòan thành trong năm , đến năm sau mới xem xét thì không được duyệt do đề án đã hòan thành trong năm trước. Hoặc được duyệt xong mới triển khai thì không làm kịp do thời gian triển khai đề án cho phép rất ngắn (thường là 5- 6 tháng) do đó, số đề án khuyến công sau khi giao kế hoạch phải điều chỉnh xin gia hạn thời gian.
+ Bởi vì, Khuyến công là lĩnh vực hoạt động tương đối mới mẻ, do đó quá trình triển khai thực hiện các dự án khuyến công cũng là quá trình hoàn chỉnh, bổ sung chủ trương, cơ chế, chính sách, vì vậy chưa thể hiện rõ nét những lợi ích từ chương trình khuyến công mang lại cho các địa phương, do đó làm hạn chế sự tham gia tích cực của chính quyền các cấp (huyện, xã) và các cá nhân thụ hưởng dự án.
+ Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác khuyến công còn yếu về chuyên môn và chưa tích lũy nhiều kinh nghiệm; mạng lưới khuyến công tại các huyện, thành phố, thị trấn, xã chưa hình thành. Cán bộ làm công tác hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn phát triển công nghiệp nông thôn, các dự án khuyến công còn nhiều hạn chế về năng lực và điều kiện hoạt động./.
PV: Xin cảm ơn Ông!
CTV. Lê Hằng