Nhiều nỗ lực của các cấp ngành để hỗ trợ doanh nghiệp được triển khai và bước đầu mang lại những hiệu quả tích cực như chương trình hỗ trợ lãi suất, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, hỗ trợ tham dự hội chợ triển lãm… Hoạt động khuyến công thời gian qua cũng góp phần mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội đáng kể giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn. Công tác quản lý nhà nước về khuyến công và tổ chức hệ thống khuyến công được củng cố và hoàn thiện rõ nét.
Chương trình khuyến công năm 2014 của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, theo Quyết định số 2216/QĐ/UBND ngày 3/10/2013 gồm 34 tiểu chương trình thuộc nhiều nội dung hoạt động khác nhau, nhưng tập trung vào các hoạt động hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp tích cực ứng dụng thay đổi thiết bị máy móc phục vụ sản xuất, thay thế sản xuất thủ công bằng thiết bị, khuyến khích các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư các dây chuyền sản xuất mới, tổ chức trình diễn mô hình với hy vọng sẽ được chấp nhận và ứng dụng rộng rãi.
Tuy nhiên, trước thực tế hiện nay, phần lớn các đề án khuyến công được xây dựng trên cơ sở doanh nghiệp đã và đang đầu tư; còn các đề án được xây dựng nhằm hỗ trợ những doanh nghiệp mới có kế hoạch đầu tư thường bị ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện. Nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Một phần do dự án triển khai kéo dài, trong khi kinh phí hỗ trợ phải được giải ngân trong năm; nguyên nhân khách quan khác là do nền kinh tế đang gặp khó khăn nên nhiều doanh nghiệp (đơn vị thụ hưởng chương trình khuyến công) chịu tác động, do đó nguồn vốn đối ứng bố trí đầu tư bị ảnh hưởng và tác động đến tiến độ triển khai đề án. Một thực trạng nữa là sự nhận thức của các cán bộ quản lý của các địa phương chưa cao, chưa chú trọng đến công tác khuyến công dẫn đến công tác phối hợp tổ chức thực hiện còn gặp nhiều trở ngại, vướng mắc.
Ứng dụng, cải tiến thiết bị trong quá trình sản xuất nhằm giúp các cơ sở CNNT tăng năng suất sản xuất, chất lượng sản phẩm cao hơn, tiết kiệm sức lao động và nhất là phù hợp xu thế phát triển hiện nay, bên cạnh đó sẽ từng bước loại bỏ các thiết bị sản xuất thủ công, thô sơ, gây ô nhiễm môi trường cao, ảnh hưởng tới sức khỏe của người lao động ... Tuy nhiên, trên thực tế triển khai khi doanh nghiệp chấp nhận đầu tư thay đổi thiết bị mới, cải tiến sản xuất nhưng thị trường tiêu thụ chưa có, thiết bị chưa thể khai thác tối ưu công suất, có cơ sở chỉ sử dụng 30% công suất thiết bị. Đây chính là sự bất cập trong đầu tư và có thể dẫn đến tác động ngược cho cơ sở, và ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển sản xuất của xã hội nói chung và của cơ sở nói riêng.
Để nâng cao chất lượng hoạt động khuyến công ở địa phương trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Bà Rịa – Vũng Tàu tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các chính sách về khuyến công; tổ chức tập huấn công tác khuyến công sâu rộng đến các xã, các doanh nghiệp trong toàn tỉnh; phối hợp chặt chẽ với các huyện trong toàn tỉnh đặc biệt là các huyện chậm phát triển; tham mưu cho Sở Công Thương trình UBND tỉnh ban hành quy chế quản lý và sử dụng kinh phí khuyến công địa phương, chú trọng ưu tiên hỗ trợ các địa bàn vùng sâu vùng xa như Huyện Côn Đảo; Trên cơ sở Nghị định 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 của Chính Phủ về khuyến công nghiên cứu xây dựng và phát triển các đề án về sản xuất sạch hơn áp dụng sâu rộng đến các doanh nghiệp; xây dựng các chương trình tập huấn về sản xuất sạch hơn cho từng ngành công nghiệp cụ thể của tỉnh; tuyên truyền, phổ biến công tác bình chọn sản phẩm CNNTTB đến các cấp ngành, doanh nghiệp, cơ sở CNNT trên toàn tỉnh; xây dựng các đề án khuyến công dài hạn, từ hỗ trợ khởi sự doanh nghiệp đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên thị trường,…
Khuyến Công BR-VT