Sau nhiều năm tổng kết, rút kinh nghiệm về mô hình tổ chức hoạt động khuyến công, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Ninh Bình có kế hoạch tập trung thực hiện việc bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý để tổ chức tốt các hoạt động khuyến công đến từng cơ sở địa phương trên địa bàn cho phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế công nghiệp của Tỉnh. Đồng thời, Trung tâm còn tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí khuyến công, tích cực tăng cường và tìm kiếm thêm các nguồn tài trợ cho các hoạt động khuyến công của Tỉnh.
Những năm qua, công tác Khuyến công của Ninh Bình đã khuyến khích mạnh mẽ các thành phần kinh tế, các ngành công nghiệp có lợi thế, tạo ra nhiều sản phẩm xuất khẩu và thu hút nhiều lao động, đồng thời tích cực vận động xúc tiến đầu tư vào công nghiệp nông thôn, đón làn sóng đầu tư mới, tăng tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp. Công tác khuyến công của Tỉnh đã được các cấp, các ngành quan tâm hơn. Mặc dù kinh phí hoạt động còn hạn chế so với nhu cầu, song được sự quan tâm của các cấp, các ngành, các đơn vị, doanh nghiệp trong Tỉnh, hoạt động khuyến công đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, nông thôn Ninh Bình. Công tác phối hợp của các cơ quan liên quan trong việc theo dõi, kiểm tra tình hình triển khai thực hiện các hoạt động khuyến công được tổ chức tốt và thường xuyên, do vậy nguồn kinh phí được sử dụng đúng mục đích và mang lại hiệu quả cao cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các đơn vị thụ hưởng hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công đã tự nguyện đóng góp phần lớn kinh phí để đầu tư và đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho sản xuất...
Năm 2008, Khuyến công Ninh Bình đã hỗ trợ được 22 đề án phát triển với tổng số tiền là 2,371 tỷ đồng, vượt hơn 40% so với năm 2007, trong đó kinh phí khuyến công địa phương là 466 triệu đồng, số còn lại là nguồn kinh phí khuyến công quốc gia. Trong các đề án phát triển khuyến công, có tới 15 đề án ưu tiên cho việc đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp sản xuất. Năm 2008, trên địa bàn Tỉnh đã tổ chức đào tạo cho hơn 500 lao động với tổng số tiền thực hiện gần 1,780 tỷ đồng. Đặc biệt, với tổng số tiền là 165 triệu đồng, đề án hỗ trợ cho 11 làng nghề truyền thống về chiếu cói, chạm khắc đá mỹ nghệ và thêu xuất khẩu đã được thực hiện rất thành công.
Năm 2009, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của công tác khuyến công Ninh Bình là hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật mới, đổi mới công nghệ, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào SXKD, kích thích các tổ chức, cá nhân áp dụng việc đầu tư, xây dựng mới và mở rộng sản xuất công nghiệp nông thôn. Tiếp tục tổ chức đào tạo nghề cho lao động mới và đào tạo nâng cao cho phát triển các sản phẩm công nghiệp nông thôn đang có thị trường tiêu thụ. Theo ông Hà Quang Điệp - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Ninh Bình thì, năm 2009, chương trình khuyến công sẽ ưu tiên kinh phí phục vụ đào tạo nghề cho các cơ sở huyện, thị có công nghiệp chậm phát triển, nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực có tay nghề cho các cơ sở công nghiệp nông thôn, sớm hình thành lực lượng lao động nông thôn, làm dự bị cho đội ngũ công nhân lành nghề tại các cụm, điểm công nghiệp tập trung trên địa bàn. Bên cạnh đó Trung tâm Khuyến công Ninh Bình sẽ quan tấm tới vấn đề tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn, hình thành nhanh các liên doanh, liên kết, hiệp hội ngành nghề với các cơ sở công nghiệp nông thôn. Trên cơ sở đó, tiến tới hình thành cụm liên kết doanh nghiệp công nghiệp để hợp tác, hỗ trợ nhau về nguyên liệu, nhân lực, công nghệ, thị trường… nhằm phát triển các cụm, điểm công nghiệp trên địa bàn và nâng cao năng lực cạnh tranh của các cơ sở công nghiệp nông thôn trong thời kỳ hội nhập.
 
Thu Hoài