Ngày 28/8 vừa qua, tại Tiền Giang, Cục Công nghiệp Địa phương (AIP), Bộ Công Thương đã phối hợp với Sở Công thương Tiền Giang tổ chức Hội nghị “ Công tác khuyến công 21 tỉnh, thành phố phía Nam lần thứ II”, theo đánh giá của AIP, 8 tháng đầu năm hoạt động khuyến công của 21 tỉnh, thành đã có những chuyển biến tích cực cả về chất và lượng, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội chung của tỉnh.


Theo báo cáo tại Hội nghị, tính đến cuối tháng 8 năm 2011, tổng kinh phí khuyến công được phê duyệt của cả vùng (bao gồm cả kinh phí khuyến công quốc gia và kinh phí khuyến công địa phương ) là 49,63 tỷ đồng, tăng 30,36% so với cùng kỳ và chiếm 26,87% tổng kinh phí khuyến công cả nước. Một số tỉnh có nguồn vốn khuyến công lớn dẫn đầu cả vùng như: Lâm Đồng (5,85 tỷ đồng), Kiên Giang (5,21 tỷ đồng), Đồng Nai (3,93 tỷ đồng), BR-VT (2,54 tỷ đồng)…


Từ nguồn vốn trên hoạt động khuyến công của vùng đã đào tạo nghề, truyền nghề gắn với giải quyết việc làm cho 7.872 lao động nông thôn, lao động ở khu vực có đất bị thu hồi; đào tạo khởi sự doanh nghiệp, nâng cao năng lực cho hơn 1.000 học viên là chủ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; hỗ trợ xây dựng 15 mô hình trình diễn kỹ thuật và dành 5,06 tỷ đồng hỗ trợ liên doanh, liên kết phát triển các cụm-điểm công nghiệp…Ngoài ra, hoạt động khuyến công của vùng cũng rất chú trọng xây dựng hệ thống khuyến công viên tới tận các xã…


Theo đánh giá của lãnh đạo Cục Công nghiệp địa phương, những tháng đầu năm 2011 hoạt động khuyến công của 21 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã có những bước chuyển biến tích cực cả về chất và lượng. Nội dung hoạt động khuyến công ngày càng đa dạng và phong phú, một số nội dung mới được đưa vào chương trình của hoạt động khuyến công phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp và chủ trương mới của nhà nước như: hỗ trợ vốn có thu hồi và nội dung xây dựng nông thôn mới…Quy mô của các đề án khuyến công ngày càng được mở rộng đã tạo sức hấp dẫn thu hút các doanh nghiệp phối hợp đầu tư mở rộng sản xuất. Cùng với đó, hoạt động khuyến công đã có những đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế-lao động theo hướng tích cực, góp phần xóa đói giảm nghèo và cải thiện đời sống văn hóa-xã hội ở vùng nông thôn.


Về nhiệm vụ những tháng cuối năm, Lãnh đạo Cục Công nghiệp địa phương đề nghị, các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam cố gắng phấn đấu hoàn thành kế hoạch khuyến công của năm 2011. Triển khai tốt các đề án khuyến công đã được giao, đảm bảo giải ngân, quản l‎y sử dụng có hiệu quả 100% kinh phí khuyến công.


Để hoàn thành những nhiệm vụ đã đề ra đồng thời nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động khuyến công của vùng, Cục Công nghiệp địa phương yêu cầu Sở Công thương 21 tỉnh thành phố phía Nam tăng cường kiểm tra giám sát và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đảm bảo hoàn thành đề án đúng tiến độ; triển khai xây dựng kế hoạch khuyến công năm 2012; đẩy mạnh công tác thông tin truyền truyền nhằm giúp doanh nghiệp và người dân hiểu và tiếp cận với chính sách khuyến công; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ các cấp làm công tác khuyến công; quan tâm đẩy mạnh và tạo điều kiện để hoạt động tư vấn phát triển công nghiệp trên địa bàn phát huy được lợi thế và là điểm tựa để đưa hoạt động khuyến công đến được với mọi đối tượng có nhu cầu.
 

 

AIP