Sau 5 năm thực hiện Nghị định 134/2004/NĐ-CP của Chính phủ và 2 năm thực hiện Quyết định số 136/2007/QĐ-TTg, các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã đạt được những kết quả cao trong công tác khuyến công tại địa phương, từng bước hướng hoạt động khuyến công đạt cả lượng và chất trong phát triển kinh tế địa phương.


Khu vực phía Nam gồm 21 tỉnh, thành phố với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao qua các năm, đóng góp quan trọng trong GDP của cả nước. Giá trị sản xuất công nghiệp chiếm 57% cả nước, giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn chiếm 39% cả nước. Số lượng cơ sở công nghiệp nông thôn, số lao động làm việc trong các cơ sở công nghiệp nông thôn chiếm 51,94% tổng số lao động toàn ngành công nghiệp trong vùng. Hoạt động khuyến công đã từng bước đi sâu vào đời sống kinh tế tại địa phương, khẳng định được vai trò quan trọng trong khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn, đặc biệt trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế - lao động ở nông thôn theo hướng công nghiệp hóa. Giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn liên tục tăng qua các năm, bình quân trong 5 năm là 19,3%, cao hơn mức tăng trưởng giá trị toàn ngành công nghiệp của 21 tỉnh, đạt được mục tiêu của Quyết định số 136/2007/QĐ-TTg.


Ông Nguyễn Đình Hoàng Long - Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương cho biết tại hội nghị công tác khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam lần I, sau 5 năm thực hiện Nghị định 134/2004/NĐ-CP của Chính phủ và 2 năm thực hiện Quyết định số 136/2007/QĐ-TTg, các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã nâng cao được chất lượng trong công tác khuyến công tại địa phương, đồng thời cũng mở rộng về số lượng các chương trình hoạt động khuyến công cũng như hệ thống “chân rết” trong triển khai sâu, rộng công tác khuyến công tại các địa phương đến các cơ sở. Các chương trình đào tạo nghề, truyền nghề, phát triển nghề cho lao động nông thôn được quan tâm thực hiện và đạt kết quả cao; đào tạo và nâng cao năng lực quản lý cho các đối tượng được tổ chức thực hiện thường xuyên; hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học kỹ thuật được xem là trọng tâm và được các địa phương quan tâm thực hiện một cách nghiêm túc; ngoài ra, các chương trình như phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, phát triển hoạt động tư vấn, cung cấp thông tin, nâng cao năng lực quản lý và tổ chức thực hiện, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư… được chú trọng thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả công tác khuyến công tại các địa phương.


Tuy nhiên, công tác khuyến công tại các địa phương khu vực phía Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Ông Phan Văn Đa - Phó Giám đốc Sở Công Thương Lâm Đồng cho biết, hệ thống khuyến công từ cấp huyện trở xuống chưa được đầy đủ về nguồn nhân lực, kỹ năng nghề chưa đáp ứng được thực tế phát triển, chưa có nhiều kinh phí để tạo ra sức lan tỏa rộng hơn cho phong trào, hệ thống “chân rết” cho hoạt động khuyến công vẫn còn mỏng, chưa đáp ứng được quá trình phát triển, một số chính sách khuyến công chưa được thực hiện tốt, định mức hỗ trợ công tác khuyến công còn thấp… hạn chế kết quả của công tác khuyến công tại địa phương. Do đó, để tiếp tục phát triển mang lại hiệu quả cao, chất lượng tốt trong thời gian tới cần có những sửa đổi phù hợp với điều kiện thực tế như: Mở rộng các hoạt động lồng ghép, tư vấn hỗ trợ, mở rộng hệ thống “chân rết” tới các cơ sở, đội ngũ nguồn nhân lực cần thiết và chuyên nghiệp, đặc biệt là hệ thống chính sách và vốn.

Ông Nguyễn Thanh Liêm - Giám đốc Trung tâm khuyến công Đồng Nai cho rằng, để phát triển một cách có hiệu quả cần thống nhất tổ chức và xây dựng công tác khuyến công ở địa phương, có chính sách cho vay ưu đãi để thu hút doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư sản xuất tại các cụm công nghiệp, cung cấp giới thiệu ngành nghề tiềm năng cho tương lai, tổ chức liên kết ngành nghề địa phương và các địa phương trong khu vực, nhanh chóng xây dựng cơ sở dữ liệu khuyến công…


Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Nam Hải nhấn mạnh, để tiếp tục phát triển có hiệu quả cao thì cần có một mức kinh phí nhất định cho công tác khuyến công tại các địa phương. Về phạm vi điều chỉnh, cần hỗ trợ cho những đối tượng phục vụ cho phát triển công nghiệp nông thôn, sản xuất những chi tiết, linh kiện, sản phẩm bổ trợ phục vụ cho công nghiệp nông thôn. Cần mở rộng đối tượng và phạm vi điều chỉnh trong quá trình phát triển tiếp theo, không chỉ là đối tượng ở nông thôn mà cả những đối tượng ở khu vực khác có đóng góp cho phát triển công nghiệp nông thôn. Đồng thời cũng cần hiểu kỹ thế nào là nông thôn, công tác khuyến công cho nông thôn chính là chương trình mà Đảng và Nhà nước rất quan tâm. Cũng cần chỉnh sửa về định mức và chi phí cũng như mức hỗ trợ cho hoạt động khuyến công sao cho phù hợp với điều kiện để khai thác phát triển phù hợp với tiềm năng của địa phương…/.
 

Nguồn: VEN.vn