Nằm ở trung tâm của nền văn minh Sông Hồng, Phú Thọ hội tụ các điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, giao thương với các vùng trong nước và quốc tế. Tỉnh Phú Thọ tập trung thực hiện khâu đột phá về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư và kinh doanh, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; xác định lợi thế trong các ngành và lĩnh vực để ưu tiên đầu tư, tạo ra sự phát triển nhanh, bền vững.
Theo đại diện Sở Công Thương, Phú Thọ đang tập trung phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ mới, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa chiến lược, có khả năng tạo ra giá trị gia tăng lớn. Chú trọng phát triển kinh tế gắn với phát triển văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Đối với công tác khuyến công, Sở Công Thương đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển Công Thương tỉnh Phú Thọ (TTKC) cần đẩy mạnh việc xây dựng các đề án khuyến công địa phương và khuyến công quốc gia, nhằm tranh thủ nguồn lực hỗ trợ và thúc đẩy các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) mở rộng sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật, hỗ trợ ứng dụng trên nền tảng số giúp các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh giảm bớt nhiều khâu trung gian trong phân phối hàng hóa, mang lại lợi ích, sự tiện lợi cho khách hàng.
Sản phẩm được giới thiệu và tham gia trên sàn thương mại điện tử
Là một đơn vị được thụ hưởng từ Chương trình kết nối cung cầu trên sàn thương mại điện tử do TTKC thực hiện, Hợp tác xã (HTX) Sản xuất và Chế biến chè Phú Thịnh, (xã Phú Hộ, thị xã Phú Thọ) có sản phẩm chè xanh thơm đạt tiêu chuẩn OCOP hạng 4 sao cấp tỉnh. Sản phẩm chè xanh của HTX cũng được hỗ trợ tham gia Sàn giao dịch thương mại điện tử giaothuong.net.vn; voso.vn và có mặt tại các điểm giới thiệu sản phẩm OCOP.
Ông Nguyễn Hữu Hồng - Giám đốc HTX cho biết: Năm 2022, HTX đã được TTKC tỉnh tư vấn, hỗ trợ đầu tư, ứng dụng KHCN, tham gia Chương trình kết nối cung cầu trên sàn giao dịch thương mại điện tử… Đây là một trong những chương trình rất thiết thực bởi hiện nay khi mà nhu cầu của khách hàng và người tiêu dùng đòi hỏi ngày một cao. Để đáp ứng nhu cầu đó, HTX đã ứng dụng công nghệ, cung cấp thông tin sản phẩm trên sàn thương mại điện tử như: Nguồn gốc, chất lượng, mẫu mã, giá thành… Giao dịch trên sàn thương mại điện tử đã giúp kết nối giữa HTX với người tiêu dùng và doanh nghiệp trao đổi, ký kết hợp đồng rất thuận tiện. Mặt khác, giao dịch trên sàn thương mại điện tử giúp cho đơn vị giảm thiểu tối đa về thời gian, chi phí đi lại, rút ngắn thời gian lưu kho của sản phẩm đảm bảo chất lượng sản phẩm khi đưa ra thị trường, và thời gian phục vụ đáp ứng nhu cầu của khách hàng hiện nay.
Theo đại diện của TTKC, năm 2022 TTKC đã hỗ trợ xây dựng 05 website bán hàng; hỗ trợ ứng dụng tem điện tử cho 18 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng nông sản. Các đơn vị được hỗ trợ ứng dụng trên nền tảng số đã giúp giảm bớt nhiều khâu trung gian trong phân phối hàng hóa cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh, mang lại lợi ích, sự tiện lợi khách hàng.
Bên cạnh đó, việc duy trì, phát triển nhiều điểm giới thiệu, trưng bày và bán sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh nhằm giúp các doanh nghiệp, HTX quảng bá hình ảnh, sản phẩm, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, giúp các đơn vị có chiến lược thay đổi phương thức sản xuất về công nghệ, mẫu mã, chủng loại, giá cả cạnh tranh.
Có thể thấy, hoạt động khuyến công của tỉnh Phú Thọ góp phần huy động nguồn lực tham gia phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại và thương mại điện tử nhằm tạo cơ hội cho các cơ sở CNNT, HTX, doanh nghiệp địa phương tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, hợp tác phát triển sản xuất, kinh doanh đã tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương./.
Nguồn: congnghieptieudung.vn